ThienNhien.Net – Hàng ngày, núi Hoàng Sơn, thôn Hồi Cù, xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống bị các doanh nghiệp và các hộ dân nổ mìn, khác thác đá vô tội vạ. Núi bị “gặm” nham nhở, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nguy hiểm luôn rình rập
Theo thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về thôn Hồi Cù, xã Hoàng Sơn tìm các điểm khai thác đá trái phép. Dọc khu vực núi đá cao chót vót, các công nhân đang hì hục khoan lỗ đánh mìn. Nhìn từ xa núi Hoàng Sơn giống như một người bị thương đang tứa máu vì bị khai thác nham nhở. Phía dưới chân núi, máy nghiền đá hoạt động hết công suất để cho ra sản phẩm; máy múc luôn túc trực múc sản phẩm lên thùng ô tô đưa đi các địa phương tiêu thụ. Cứ thế, không biết bao nhiêu m3 đá được thổ phỉ lấy đi mà chính quyền sở tại không hề ngăn chặn hay báo cáo cấp có thẩm quyền.
Lại gần hơn, khu vực núi Hoàng Sơn như một đại công trường, mọi hoạt động được diễn ra công khai. Tiếng máy kêu ầm ầm nghe đinh tai nhức óc, khói bụi bay mù mịt khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo người dân địa phương, các địa điểm bị thổ phỉ khai thác đá trái phép diễn ra từ nhiều tháng nay. Đặc biệt, có những điểm núi bị thổ phỉ nổ mìn đánh sập, đá sạt lở cả tòa dưới chân núi. Trên cao, những tảng đá chênh vênh có thể rơi bất cứ lúc nào, ẩn họa tai nạn lao động luôn rình rập.
Nhiều người dân địa phương đặt câu hỏi, tại sao các lực lượng chức năng không kiểm tra giấy phép cấp mỏ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, thủ tục cấp thuốc nổ đối với các đơn vị khai thác này? Phải chăng có một thế lực ngầm đang “chống lưng” cho các ông chủ khai thác đá trái phép?
Khai thác không đúng vị trí cấp mỏ
Theo ghi nhận của PV, các điểm mỏ bị thổ phỉ độc chiếm ở núi Hoàng Sơn là do Hợp tác xã Xây dựng Hoàng Sơn, Doanh nghiệp Tư nhân Tiến Thịnh khai thác. Việc khai thác đá ở đây chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền cho phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Sơn thừa nhận: Việc các đơn vị và hộ dân khai thác đá trái phép trên khu vực núi Hoàng Sơn là có thật. Hai đơn vị này đã thành lập trên địa bàn lâu và cũng đã có hồ sơ gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị được cấp mỏ. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng nào cấp phép khai thác. Riêng, Hợp tác xã Xây dựng Hoàng Sơn được tỉnh cấp phép ở một địa điểm khác, nhưng khi khai thác lại là một điểm khác. “Năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Công an tỉnh cũng đã về kiểm tra, lập biên bản xử lý. Việc dừng hoạt động chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, sau đó đâu lại vào đấy. Vẫn biết việc khai thác của các đơn vị không có giấy phép là sai quy định của pháp luật, nhưng các đơn vị này vẫn đóng thuế cho tỉnh, cho huyện đầy đủ”, ông Phúc nói.
Với sự việc nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra thực tế, xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng tài nguyên khoáng sản của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát.
Kỳ II: Nơm nớp lo sợ khi sống gần công trường đá