ThienNhien.Net – Các con sông mang ra biển không chỉ nước ngọt và phù sa, mà kèm theo đó còn là các chất gây ô nhiễm từ đất liền. Cần có những chính sách quản lý vùng bờ hợp lý để giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Sáng 17/10, tại TP. Đà Nẵng, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel (HSF) tổ chức Hội thảo tham vấn Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển – Cách tiếp cận “Từ đầu nguồn tới rạn san hô” cho lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.
Tại Hội thảo, đại diện các bộ, sở, ban, ngành, viện nghiên cứu, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các công ty thủy điện cùng đại diện tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng tập trung thảo luận các nội dung: Thực trạng phát triển và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn; các rào cản đối với phát triển bền vững lưu vực sông trong mối quan hệ với vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều phân tích về các mâu thuẫn chủ yếu trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên nước trong lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển.
Lưu vực sông, vùng bờ biển có mối quan hệ tương tác rất quan trọng với nhau. Thượng nguồn các lưu vực sông là vùng “tạo lũ”, còn vùng bờ biển là nơi “nhận lũ”. Các con sông mang ra biển nước ngọt, phù sa nhưng kèm theo đó là các chất gây ô nhiễm từ đất liền.
Theo các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, khoảng 40-70% nguồn thải gây ô nhiễm biển và vùng bờ là từ đất liền. Tuy nhiên, lưu vực sông và vùng bờ biển lại thường được quản lý một cách biệt lập. Vì thế, cần có những hiểu biết và cách tiếp cận tích hợp để lồng ghép quản lý lưu vực sông với vùng bờ biển dựa trên mối liên kết sinh thái, thủy văn và kinh tế-xã hội.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi (Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ biển, cũng như tranh chấp không gian vùng bờ trong quá trình phát triển ở 2 địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, vấn đề thể chế và cơ chế chính sách quản lý vùng bờ còn nhiều bất cập.
Đồng quan điểm, TS. Đào Trọng Tứ khẳng định: Trở ngại cho phát triển kinh tế-xã hội của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không đến từ bản thân sông Vu Gia-Thu Bồn. Sự phát triển thiếu bền vững mới chính là yếu tố làm suy giảm chức năng duy trì và sự sống của lưu vực.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều khuyến nghị để Quảng Nam, Đà Nẵng quản lý hiệu quả tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển, duy trì nguồn nước hiện tại và trong tương lai. Theo đó, 2 tỉnh này nên tạm dừng việc xây mới thủy điện để đánh giá hiệu quả, tác động và tìm ra các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng; Xây dựng chiến lược phát triển lưu vực toàn diện bền vững dựa trên cơ sở khoa học.
Đồng thời cần khắc phục những tác động do di dân, tái định cư nhằm phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân. Việc thành lập Tổ chức lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn cũng là một đề xuất quan trọng để khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý, đặc biệt đối với việc quản lý, xây dựng các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông này.