ThienNhien.Net – Dự thảo khung chính sách bảo vệ môi trường và xã hội của Ngân hàng Thế giới (WB) đang bị coi như một bước lùi có thể làm suy yếu các tiêu chuẩn của cộng đồng phát triển quốc tế. Bài viết dưới đây của bà Mariana González Armijo, thuộc Trung tâm Phân tích và Nghiên cứu Fundar (Mexico) đã chỉ ra một số điểm yếu của bản dự thảo mà bà cho là đáng quan ngại, đặc biệt là đối với khu vực Mỹ Latin và Caribe.
Cách đây hai năm WB đã bắt đầu tiến hành rà soát và cập nhật lại chính sách bảo vệ môi trường và xã hội nhằm đảm bảo rằng các khoản đầu tư của ngân hàng này và các chính phủ không gây ra các thảm họa về môi trường và xã hội.
Động thái này của WB đã được các tổ chức xã hội dân sự hoan nghênh như một cơ hội để cải thiện và hoàn thiện khung chính sách, với kỳ vọng rằng nguồn tài chính đầu tư cho phát triển sẽ tôn trọng và thực hiện các quyền con người.
Tuy nhiên, bản dự thảo khung chính sách đầu tiên được WB công bố cuối tháng 7/2014, mặc dù đã có một vài điểm tiến bộ, vẫn là một bước lùi có thể làm suy yếu các tiêu chuẩn của toàn bộ cộng đồng phát triển quốc tế.
Trước tiên, với khung chính sách được đề xuất, các yêu cầu cơ bản của WB nhằm đánh giá và quản lý các rủi ro và tác động môi trường trước khi phê duyệt đã bị nới lỏng. Bởi lẽ dự thảo chỉ khẳng định rằng việc đánh giá tác động môi trường và xã hội nên được bắt đầu “càng sớm càng tốt”.
Điều này đã loại bỏ các yêu cầu nghiêm ngặt trong khung chính sách bảo vệ hiện hành vốn đòi hỏi các đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải được công bố đầy đủ trước khi thẩm định đối với các dự án có nguy cơ cao. Mặc dù Khung chính sách đã đưa ra một kế hoạch tham gia của các bên liên quan, song việc thiếu yêu cầu công bố thông tin rõ ràng sẽ làm suy yếu quá trình tham vấn.
Thứ hai, dự thảo không quy định bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và cho phép các chính phủ đứng ngoài lề trong việc tuân thủ các chính sách bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số. Điều này chắc chắn sẽ làm mờ nhạt các quyền cơ bản về đất đai, tài nguyên và con đường phát triển riêng của các dân tộc bản địa.
Thứ ba, khung chính sách cũng chuyển đáng kể trách nhiệm thực hiện các chính sách bảo vệ sang cho bên nhận khoản vay, song lại không đưa ra quy định thời điểm nào và một hệ thống khách hàng vay như nào là thích hợp và được chấp nhận. Do vậy, chính sách bảo vệ của WB sẽ đặc biệt lu mờ khi bị dung hòa bởi các hệ thống khách hàng áp dụng khung chính sách bảo vệ môi trường và xã hội quốc gia.
Chẳng hạn, ở Peru, các quy định của luật mới đã giảm đáng kể thẩm quyền xử phạt, đánh giá của cơ quan quản lý môi trường. Hoặc tại Bolivia, luật về khai thác khoáng sản mới cho phép hoạt động khai thác tại các khu vực được bảo vệ, như vườn quốc gia, và không bảo vệ quyền được thông báo trước cho người bản địa về các hoạt động thăm dò…
Cuối cùng, phạm vi của các biện pháp bảo vệ, vốn chỉ áp dụng đối với với các khoản vay đầu tư của WB, cũng là một nhược điểm khác của khung chính sách mới. Như vậy, có nhiều hình thức cho vay khác như các khoản vay chính sách phát triển (DPLs) không được quy định dưới Khung chính sách này. Các khoản vay này, bao gồm cả các khoản tài trợ cho lâm nghiệp, môi trường và biến đổi khí hậu, do vậy sẽ không đòi hỏi nghiêm ngặt về trách nhiệm giải trình, trong khi có thể dải ngân nhanh chóng với khoản tiền lớn cho các khách hàng thu nhập trung bình. Với việc chỉ áp dụng chính sách bảo vệ cho các khoản vay đầu tư, khung chính sách bảo vệ được đề xuất có thể loại trừ tới một nửa các khoản vay hàng năm của WB.
Tóm lại, Khung chính sách mới của WB có thể làm suy yếu các tiêu chuẩn của các ngân hàng đa phương khác cũng như các thể chế tài chính quốc tế và các ngân hàng phát triển quốc gia. Khung chính sách cũng có thể khuyến khích các quốc gia hạ bớt chính sách bảo vệ của mình để gia tăng tiếp cận với nguồn đầu tư. Thay vì nhất quán với mục tiêu xóa bỏ đói nghèo và thúc đẩy sự thịnh vượng chung bằng cách cải tiến chính sách bảo vệ môi trường và xã hội, dự thảo mới của WB dường như đang thúc đẩy một cuộc đua xuống đáy.