Nỗi lo mùa mưa bão – Kỳ 2: Sống dưới những túi nước khổng lồ

ThienNhien.Net – Quảng Nam, Quảng Ngãi có trên 200 hồ chứa nước của thủy lợi và thủy điện. Đáng lưu ý những hồ nước này đa số nằm ở vùng núi, ở trên các làng mạc của người dân. Trong đó có nhiều hồ thủy lợi được xây dựng lâu đời đang xuống cấp. Còn các hồ thủy điện mỗi mùa xả lũ là khiến người dân hạ du kinh hoàng. Bởi lũ trời cùng với xả lũ thủy điện đã từng gây nên những cơn “đại hồng thủy” khủng khiếp.

Thủy điện Sông Tranh 2 xả nước (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Thủy điện Sông Tranh 2 xả nước (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nỗi lo “bom nước”

Tại hai tỉnh này, những năm gần đây người dân rất lo sợ với việc xả lũ của các nhà máy thủy điện. Thậm chí trời đang nắng nước sông cũng bất ngờ dâng cao khiến bà con trở tay không kịp. Theo ông Trương Xuân Tý- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, tỉnh này hiện có 73 hồ chứa nước lớn nhỏ, hầu hết các hồ chứa đều nằm ở khu vực miền núi. Mùa mưa lũ năm nay, việc quản lý, vận hành và điều tiết xả lũ từ các hồ chứa, nhất là thời gian xả lũ, tốc độ xả từ các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện A Vương, thủy điện Đăk Mi 4… là mối quan tâm hàng đầu của địa phương.

Còn tại Quảng Ngãi hiện có 117 hồ chứa nước, với năng lực thiết kế là 12.352 ha. Trong đó có những hồ có dung tích rất lớn lên đến trên 10 triệu m3. Điều đáng nói là trong số đó có tới 89 hồ chứa nước được xây dựng từ trước năm 1989 và phần lớn được xây dựng thủ công, đắp đất đã xuống cấp trầm trọng Nhiều hồ chưa được nâng cấp, sửa chữa nên nỗi lo nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ là rất lớn.

Nhận định của cơ quan chức năng, trong phương án di dân khi có thảm họa thì số lượng nhân dân Quảng Nam cần sơ tán dọc theo hạ du là trên 62.000 người/145 thôn, khối phố của 51 xã, thị trấn của 8 huyện/thành phố như: Bắc Trà My, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Điện Bàn và TP Hội An… Điều đó cho thấy hệ lụy không hề nhỏ khi có sự cố không may xảy ra.

Còn tại Quảng Ngãi, theo ông Vương Quý Thạch- Phó Giám đốc Công ty CP thủy điện Đắkđrinh: Hồ chứa thủy điện có sức chứa đến 250 triệu m3 nước. Công ty đã tổ chức kiểm tra công trình trước mùa mưa bão, đã lắp còi hú thông báo xả lũ gắn tại nhà van đập tràn; công ty cũng lắp đặt loa phóng thanh tại 5 điểm thuộc các xã để thông báo cho nhân dân trong vùng hạ du biết khi xả lũ.

Thế nhưng người dân hạ du khó mà an tâm với việc xả lũ của thủy điện. Bởi bao năm qua họ đã quá khổ sở khi lũ do mưa lớn xảy ra cùng với thủy điện xả lũ. Hơn nữa những phương án đảm bảo an toàn người dân vùng hạ du những năm qua vẫn chưa được Ban quản lý các hồ thủy điện quan tâm đúng mức. Đối với mùa mưa bão năm nay, cho dù đã có những sự phối hợp, cam kết và kể cả Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về quy trình vận hành liên hồ nhưng người dân vẫn mong chờ một sự giám sát chặt chẽ để hạ lu không còn gánh những cơ lũ kinh hoàng.

Lũ quét qua xã Đại Hưng huyện Đại Lộc (Quảng Nam) năm 2013 (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Lũ quét qua xã Đại Hưng huyện Đại Lộc (Quảng Nam) năm 2013 (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Chủ động phòng chống bão lũ để… sống

Theo ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam), do sự phức tạp của thời tiết, năm 2014 này huyện phải kiện toàn ban chỉ huy phòng chống lụt bão các xã/thị trấn, chủ tịch xã/thị trấn là trưởng ban PCLB và trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót. Còn ông Đặng Hữu Lên – Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cho rằng, một bộ phận dân cư còn mang tư tưởng chủ quan, nhất là chằng chống nhà cửa. Bão cận kề, họ mới vội vã thực hiện dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Nhà trường và gia đình chưa phối hợp tốt trong việc quản lý con em lúc lũ lụt lên nhanh, nên xảy ra những sự cố thương tâm.

Tương tự, lãnh đạo Sở NNPTNT Quảng Nam nhận định: Ở cấp huyện, xã, thôn chưa sử dụng hết công cụ liên lạc hiện có để phổ biến những cảnh báo, dự báo từ ngành chuyên môn. Một số phương tiện đánh bắt hải sản trên biển không giữ liên lạc với đài thông tin tìm kiếm cứu nạn, gây trở ngại cho việc thông báo tình hình bão, áp thấp nhiệt đới và điều động phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu xuất hiện. Công tác dự báo, khoanh vùng những khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở một vài địa phương chưa được tiến hành thường xuyên. Việc tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực tìm kiếm cứu nạn tại không ít đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm túc, lúng túng,…

Trước sự phức tạp của mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã lên kế hoạch chủ động phòng tránh. Đặc biệt là với những “điểm nóng” về tình trạng sạt lở, lũ quét, lũ ống. Tuy nhiên, không ai học hết chữ “ngờ”, vì thế đã chủ động nhưng cũng không thể lơ là cảnh giác.