ThienNhien.Net – Ðịa hình cách trở, khe suối chằng chịt, lực lượng chức năng khó lòng tổ chức truy quét, vì thế mùa mưa bão là thời điểm thuận lợi cho các đối tượng đào đãi vàng gia tăng hoạt động khai thác trái phép ở Khe Ðương (Ðà Nẵng). Mưa bão cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn như lũ cuốn, sạt lở, sập hầm,… ở các hầm vàng chốn rừng thiêng nước độc.
Sau cơn mưa rừng, con đường nhỏ từ thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Ðà Nẵng) đến bãi vàng Khe Ðương vốn đã gập ghềnh, hiểm trở càng thêm nguy hiểm. Chỉ chừng hơn 20 cây số đường núi, mà mấy thanh niên chạy xe ôm chốt giá 400 nghìn đồng một người, mỗi lượt. Nếu vào rồi ra ngay, thời gian đợi dưới một giờ thì giảm 100 nghìn đồng cho lượt về. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành gật đầu. Chiếc xe máy được quấn thêm xích, gầm rú vượt những con dốc dựng đứng, ào ào qua dòng suối đục ngầu.
Xe dừng ở đầu dốc, chúng tôi đi bộ vào khu vực Khe Ðương. Cảnh tượng trước mắt là ngổn ngang, hỗn loạn lán trại, máy móc, thiết bị trên mặt đất, dưới suối, ven sườn núi. Người lái xe ôm thỏa thuận ngay từ đầu với chúng tôi là không hỏi tên tuổi, tiết lộ: Dân làm vàng ở đây là dân tứ chiếng, từ khắp nơi đổ về, có cả ở Ðà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, nhưng nhiều nhất vẫn từ Thanh Hóa, Nghệ An và Thái Nguyên vào.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ðà Nẵng Nguyễn Ðiểu cho biết: Khu vực rừng có vàng ở Khe Ðương thuộc tiểu khu 27 và 29, nằm tại lâm phận xã Hòa Bắc chỉ là khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, không thể khai thác với quy mô lớn. Tháng 3-2008, UBND thành phố Ðà Nẵng cấp giấy phép cho Công ty TNHH Trường Sơn được khai thác mỏ vàng Khe Ðương trên diện tích 22 ha. Tuy nhiên, do công nghệ lạc hậu, ít kinh nghiệm, thiếu vốn và phương tiện, máy móc nên Công ty TNHH Trường Sơn khai thác không có hiệu quả, không đóng góp vào ngân sách và gây ô nhiễm, nguy hại cho môi trường. Vì vậy, khi giấy phép khai thác hết hạn vào tháng 3-2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đề nghị UBND thành phố Ðà Nẵng không tiếp tục gia hạn giấy phép cho doanh nghiệp, yêu cầu Công ty TNHH Trường Sơn dừng khai thác, hoàn trả mặt bằng và trồng rừng thay thế ở khu vực khai thác.
Sau đó, UBND thành phố Ðà Nẵng đồng ý cho Công ty Bông Sen Vàng (có trụ sở tại Hà Nội) lập dự án thăm dò, khai thác vàng tại Khe Ðương theo công nghệ mới, hiện đại và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do thủ tục chưa hoàn tất, nên khu vực Khe Ðương trở thành “vô chủ”, không có cơ quan chức năng nào quản lý. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng đua nhau vào khai thác trái phép, bạt núi, đào hầm,… gây mất an ninh – trật tự, kéo theo các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, giành giật nhau bãi, hầm vàng. Anh Ð.V.Q (xin giấu tên), người dân xã Hòa Bắc cho biết: Các đầu nậu cũng thiết lập hệ thống cảnh giới đàng hoàng, thuê người ở ngoài thôn thường xuyên theo dõi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nếu có động tĩnh là báo ngay. Họ cũng đào sẵn những hầm bí mật, khi lực lượng chức năng truy quét, lập tức chuyển máy móc, thiết bị khai thác đắt tiền xuống hầm, ngụy trang kỹ rồi rút vào rừng, hoặc có khi họ trốn trong các hầm vàng sâu trong lòng đất, có hệ thống thông hơi, có thể trú được trong đó cả ngày. Hễ lực lượng chức năng rút đi, hôm sau mọi chuyện trở lại bình thường. Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Tăng Phúc than thở: Dù bãi vàng trên địa bàn địa phương quản lý, nhưng chúng tôi gần như bất lực với nạn khai thác vàng trái phép ở Khe Ðương, vì địa hình xa và hiểm trở, lực lượng của xã mỏng, lại thiếu các công cụ hỗ trợ.
Từ giữa tháng 8 đến nay, các cơ quan chức năng ở Ðà Nẵng đã tiến hành nhiều đợt tuần tra, truy quét, kiểm soát tình trạng khai thác vàng trái phép tại Khe Ðương. Trưởng trạm Kiểm lâm Hòa Bắc Phạm Trí cho hay: Hàng chục ha rừng đã bị chặt hạ để khai thác vàng trái phép. Nhưng các đối tượng đào vàng rất manh động, vì thế, lực lượng kiểm lâm chúng tôi chỉ có thể vào được khi có lực lượng công an, bộ đội, hoặc ít ra là dân quân xã đi cùng. Muốn triệt phá được hoàn toàn điểm khai thác vàng này, chỉ có cách giao hẳn cho một doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm khai thác, có phương tiện, nhân lực quản lý. Hoặc chính quyền địa phương phải có biện pháp mạnh, cấm tuyệt đối việc khai thác, chặn hoàn toàn các lối đi vào rừng. Có như vậy mới bảo vệ được tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng và chấn chỉnh tình hình an ninh – trật tự.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn khẳng định: Huyện đã cùng các lực lượng quân đội, công an tăng cường kiểm tra, xử lý việc khai thác vàng trái phép ở Khe Ðương theo chỉ đạo của UBND thành phố Ðà Nẵng. Theo đó, Ðà Nẵng đã thành lập lực lượng liên ngành gồm năm tổ công tác với gần 100 người, bao gồm công an, quân đội, kiểm lâm,… tổ chức truy quét, xử lý và đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực, phá hủy các hầm lò, lán trại, tịch thu thiết bị phục vụ việc khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ðà Nẵng Nguyễn Ðiểu vẫn lo lắng: Tình hình mới chỉ tạm ổn, nhưng khi có mưa bão, lực lượng chức năng buộc phải rút, nếu chỉ chốt chặn ở cửa rừng thì các đối tượng lại lợi dụng cơ hội len lỏi trong rừng, dọc khe suối vào khai thác trở lại.
Mùa mưa bão đang diễn ra, để triệt phá hoàn toàn nạn khai thác vàng trái phép tại Khe Ðương, chính quyền TP Ðà Nẵng cần bố trí lực lượng, phương tiện đủ sức để ngăn chặn. Ðồng thời, sớm hoàn thiện các quy trình, thủ tục cần thiết, bàn giao khu vực có khoáng sản cho doanh nghiệp đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, khai thác.