Hạt gạo vượt khó

ThienNhien.Net – Tới nay, ngành lúa gạo Việt Nam đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 60% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên. Đã đến lúc cần phải có một chiến lược toàn diện, lâu dài cho ngành lúa gạo phát triển bền vững.

Năng suất lúa cao nhưng giá trị thương phẩm chưa cao,  nông nghiệp Việt Nam đang chờ tái cơ cấu (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Năng suất lúa cao nhưng giá trị thương phẩm chưa cao, nông nghiệp Việt Nam đang chờ tái cơ cấu (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nhiều tồn tại

Thống kê của Bộ NNPTNT, hiện nay 60% trong tổng số 15 triệu hộ nông dân tham gia sản xuất lúa gạo. Sản xuất lúa đóng góp 30% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Hàng năm chúng ta xuất khẩu 6-8 triệu tấn gạo. Tăng cường xuất khẩu gạo không những giúp nâng thu ngoại tệ mà còn giúp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò trong vị thế quốc tế.

Mặc dù có những thành tựu to lớn nhưng ngành lúa gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đó là quy mô sản xuất còn rất nhỏ lẻ, phần nhiều tăng trưởng trong thời gian qua dựa trên tăng diện tích và thâm canh. Thu nhập của người trồng lúa rất thấp. Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp – nông thôn, thu nhập của các hộ nông dân trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất cả nước) chỉ có 535.000 đồng/người/tháng.

Khả năng cạnh tranh trong thương mại và hội nhập quốc tế của sản phẩm gạo chưa cao, cụ thể như năm 2005, sản lượng xuất khẩu gạo là 5,3 triệu tấn, đến năm 2007 chỉ còn 4,5 triệu tấn. Năm 2012, sản lượng xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục 8,04 triệu tấn, thu về tương đương 3,5 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm so với 3,4 tỷ USD của năm 2011 (thống kê của VFA năm 2014). Tình trạng giá trị xuất khẩu không phản ánh đúng sản lượng xuất khẩu cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu gạo trong khu vực và trên thế giới. Và cũng vì giá bán lúa của người nông dân thấp nên lợi nhuận của họ thấp nhất: chỉ có 0,06 USD/Kg, so với Thái Lan là 0,2 USD/kg, Indonesia là 0,14 USD/kg, Trung Quốc là 0,24 USD/kg và Ấn độ là 0,09 USD/kg.

Ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đánh giá, chuỗi cung ứng ngành hàng lúa gạo chưa hiệu quả vì phải đi qua quá nhiều cấp độ và thiếu tính liên kết, phối hợp chặt chẽ. Liên kết giữa nông dân, DN yếu, chỉ có khoảng 4% lượng lúa của nông dân được DN thu mua trực tiếp, khoảng 70% phải qua thương lái hoặc qua chủ xay xát đánh bóng. Vì vậy, phân phối lợi nhuận không công bằng: tính trên đơn vị xuất khẩu thì lợi nhuận người nông dân nhận được chiếm 52% tổng lợi nhuận từ xuất khẩu gạo nhưng chi phí họ phải bỏ ra chiếm 83%. Trong đó, DN xuất khẩu gạo được 30% lợi nhuận mà họ chỉ bỏ 4% chi phí. Trong khi đó, thị trường lúa gạo hoạt động không phong phú, thiếu sự ổn định, vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống như Trung Quốc, châu Phi.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo cần kết hợp đồng bộ giữa các giải pháp (Ảnh: Q.Trung/Đại Đoàn Kết)
Tái cơ cấu ngành lúa gạo cần kết hợp đồng bộ giữa các giải pháp (Ảnh: Q.Trung/Đại Đoàn Kết)

Kết hợp đồng bộ các giải pháp

Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo thu nhập ổn định cho người trồng lúa, đồng thời phát triển lúa gạo bền vững, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường cần phải có một chiến lược mới nhằm tái cơ cấu cho ngành lúa gạo. Theo ông Phạm Đồng Quảng, cần sử dụng giống lúa chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu, nghiên cứu cơ cấu giống lúa phù hợp với thị trường và vùng sinh thái bằng cách đầu tư cho công tác nghiên cứu giống; tổ chức lại hệ thống sản xuất, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường liên kết sản xuất dựa trên hợp đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, hải cảng. Cùng đó, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong tái cơ cấu ngành lúa gạo.

Ông Chris Jackson, Điều phối viên Ban Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, qua trao đổi với Bộ NNPTNT, một số khó khăn, tồn tại của ngành lúa gạo Việt Nam đã dần lộ diện. Chẳng hạn, thiếu liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo; xuất khẩu chủ yếu cạnh tranh về giá, chưa chú ý đến chất lượng sản phẩm; chi phí đầu vào rất cao, thu nhập của người nông dân ở mức thấp, dù sản xuất ngày một tăng…

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL khẳng định, muốn tái cơ cấu ngành lúa gạo đi vào thực chất, có hiệu quả, Nhà nước phải đóng vai trò chiến lược, DN xúc tiến thương mại, tìm khách hàng sau đó quay về đặt hàng với nhà khoa học là cần loại giống gì cho phù hợp, đạt năng suất đáp ứng nhu cầu của đối tác. “Còn về lâu dài nếu lúa gạo tiếp tục lệ thuộc vào một thị trường là vấn đề rất khó phát triển bền vững. Do vậy cần xúc tiến thương mại nhiều thị trường khác nhau dù phải đối diện cạnh tranh gay gắt. Nếu mở rộng thị trường được thì chuyện tiêu thụ 6-7 triệu tấn/năm không phải là khó. Còn nếu quá lệ thuộc vào một thị trường nhạy cảm sẽ khó lường hết khó khăn, từ đó sẽ xảy ra ứ đọng, rồi nông dân vẫn là người chịu thiệt hại cuối cùng. Nhưng nói gì thì nói, việc định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam, vẫn luôn phải đảm bảo được các tiêu chí đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và canh tác bền vững”, TS Bảnh khẳng định.

Hậu Giang: Mưa nhiều, giá lúa xuốngVụ Thu Đông 2014, nông dân Hậu Giang đã thu hoạch trên 1/3 diện tích với năng suất bình quân 4,6 tấn/ha. Khoảng gần 1 tháng nay, mưa dầm khiến việc thu hoạch lúa gặp không ít khó khăn. Các lò sấy lúa chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ. Người dân đang lo không phơi sấy kịp, lúa mọc mầm, hao hụt lớn. Vì vậy nhiều hộ dân đã chấp nhận bán giá rẻ, bán lúa ngay tại ruộng. Bà Trần Thị Mỹ ở ấp 4 xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy than thở: Đành bán lúa ngay tại ruộng vì lúa đổ sập, nước cao máy gặt đập liên hợp không thể vào được, phải thuê nhân công cắt tay, giá công cắt cao. Bà Mỹ cho biết đã bán 3.700 đồng/kg, không có lãi”. Trường hợp của ông Nguyễn Tấn Đạt ở ấp 1 ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy cũng vậy, 7 công lúa bị ngã sập hơn một nữa cũng phải bán ngay tại ruộng với giá 3.600 đồng/kg. Ông Đạt nhẩm tính, 7 công lúa vụ 3 này trù chi phí may ra chỉ lời khoảng 3 triệu đồng. Thống kê của trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có gần 450 lò sấy, công suất từ 4 – 8 tấn/1 lần sấy. Trong số các lò sấy trên chỉ có khoảng 50% lò sấy được đầu tư trang thiết bị hiện đại, số còn lại những lò có công suất nhỏ, cũ, kỹ thuật thô sơ, hoạt động cầm chừng.

Q.Trung