ThienNhien.Net – Quảng Nam, Quảng Ngãi là địa phương phải đối diện với nhiều trận bão, lũ lớn. Do nằm dưới dãy núi Trường Sơn có độc dốc cao, lũ thoát nhanh cùng với việc xả lũ của các nhà máy thủy điện, hai tỉnh này phải gánh nhiều trận lũ kinh hoàng. Cùng đó là nỗi lo sạt lở núi, động đất và nước biển dâng.
Ám ảnh lũ quét và nỗi lo động đất, lở núi
Cùng với nỗi lo bão lũ, sạt núi, triều cường thì mới đây UBND huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cho biết, hiện huyện có hơn 10.670 nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói giáp hạt. Trong đó, thiếu đói 1 tháng là 919 hộ và 4.035 nhân khẩu; thiếu đói 2 tháng là 687 hộ, với 2.848 nhân khẩu; thiếu đói 3 tháng 878 hộ, với 3.787 nhân khẩu. Huyện đã phải có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ khẩn cấp 316 tấn gạo để cứu đói cho dân, với mức hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng. |
Năm 2013 là năm có khá nhiều trận bão, lũ lớn tại địa bàn hai tỉnh này, gây thiệt hại nặng nề cho địa phương. Tại Quảng Nam bão lũ đã làm 17 người chết gần 250 người bị thương, tổng tài sản thiệt hại lên đến xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Còn tại Quảng Ngãi, năm 2013 thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 25 người, 167 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản 1.829 tỷ đồng.
Bão lũ đã bám vào ký ức người dân. Anh Phạm Văn Thạnh (thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) nói rằng: “Không có gì kinh hoàng bằng lũ quét, chỉ một đêm cả làng Đại Mỹ bị san bằng”.
Còn tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) nơi khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2) liên tiếp xảy ra động đất, mưa càng nhiều động đất càng lớn. Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết, mới đây nhất ngày 17-9 đã xảy ra trận động đất lớn có cường độ 3,6 độ Richter khiến người dân hoảng sợ bỏ chạy ra khỏi nhà. Còn anh Hồ Văn Nam người địa phương nói: “Chúng tôi được cấp trên giải thích, đây là động đất kích thích do làm thủy điện một thời gian sẽ hết, nhưng hết đâu chưa thấy chỉ thấy động đất liên tục. Trong khi đó mùa mưa, bão sắp về bà con lo lắng lắm”.
Thực tế, kể từ khi khởi công xây dựng TĐST2 cuộc sống người dân nơi đây đã bị xáo trộn, cho dù họ được đền bù, có người nhận được tiền tỉ, nhưng động đất liên tiếp xảy ra khiến bà con cảm thấy bất an.
Tại các huyện miền núi khác cũng đang có nhiều nỗi lo trước mùa mưa bão. Như tại huyện miền núi Tây Giang hơn 30 hộ dân thuộc tổ 1, thôn R’bhượp, xã A Tiêng đang lo lắng khi phải sống trong những căn nhà tạm bợ. Bí thư Chi bộ thôn R’bhượp – ông Blúp Yên cho biết: “Thực trạng người dân tổ 1 và một số hộ ở tổ 2 sẽ phải sống trong những căn nhà tạm bợ vào mùa mưa bão năm nay, rất lo nếu núi lở thì chết”. Trong khi đó, tại huyện Tiên Phước hiện còn khoảng gần 35 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt dưới chân núi Đầu Voi.
Còn tại Quảng Ngãi, riêng huyện Tây Sơn đã có tới 18 điểm có nguy cơ sạt lở núi. Thế nhưng ông Tô Cước, Phó Chủ tịch UBND huyện vẫn lo ngại khi cho rằng có thể núi lại sạt cả ở những điểm bất ngờ khác. Tương tự, bà Đinh Thị Thanh Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, mùa mưa bão đến, việc phải di dời dân trong tình huống cấp thiết khi lũ đổ về là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài nỗi lo sạt lở đất thì một số khu tái định cư nhà cửa của dân không đảm bảo an toàn.
Lo biển nuốt làng
Chúng tôi trở lại Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam). Được biết, một đoạn kè gần 1.000 mét vừa được thi công xong với số tiền hơn 50 tỉ đồng thì đã bị hư hại do sóng dữ. Bờ biển nơi đây đang đối mặt với sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Năm người dân địa phương cho biết: “Những năm qua người dân chúng tôi đã chứng kiến bão lũ, sóng biển cướp đi hàng trăm mét vuông đất ở và đất sản xuất tại khu vực này. Những hàng dừa xanh ngát, những ruộng vườn bị sóng biển đánh sập, cuốn trôi”.
Chúng tôi về xã Tam Hải, đây là một xã thuộc diện ốc đảo của huyện Núi Thành, ghé thăm Cửa Lở và càng thấy nó ngày càng lở. Nước biển ăn sâu vào đất liền đã ở mức báo động. Nhà nước đã bỏ ra số tiền không hề nhỏ lập tuyến bờ kè nơi đây. Chính quyền địa phương cho biết, hơn 100 hộ dân thôn Thuận An có kế hoạch di chuyển đến các xã lân cận để sinh sống vì không còn chỗ an cư.
Không chỉ có Cửa Đại, Hội An hay Tam Hải Núi Thành mà mưa bão, triều cường luôn tấn công sâu vào các sông Vĩnh Điện, Tam Kỳ, Trường Giang, Bàn Thạch,… đã lấy đi hàng hàng nghìn ha đất sản xuất hoặc không sản xuất được. Còn dọc theo sông Thu Bồn, Vu Gia, Sông Tranh,… rất nhiều nơi bị sạt lở.
Tại Quảng Ngãi, những hộ dân ven biển, ven sông suối cứ đến mùa mưa bão là thấp thỏm lo âu. Như bà con ở khu dân cư 17, thôn Nghĩa Lập (xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức) cứ thấy nước sông Vệ trở mình màu đỏ là lo sợ lũ cuốn trôi nhà, trôi người. Còn hơn 300 hộ dân thôn Thanh Thủy, Phước Thiện xã Bình Hải, huyện Bình Sơn do nhà cửa nằm sát biển, mỗi khi nghe sóng to, gió lớn là dắt nhau bỏ chạy. Không chỉ có vậy mà tại Quảng Ngãi theo thống kê toàn tỉnh có 25 xã ven biển, đảo chịu tác động trực tiếp của bão; hơn 6.000 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai như sạt lở đất, núi, vùng trũng, thấp, ven sông, suối. Đó là nỗi lo không hề nhỏ.
Tại Quảng Nam, Nhà nước đã đầu tư và đưa vào sử dụng 2 khu neo đậu tránh trú bão Hồng Triều và An Hòa cho tàu cá. Những tưởng với sức chứa cho 1.000 tàu thuyền sẽ nơi đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão. Thế nhưng công trình gần 44 tỷ đồng này đã bộc lộ những bất lợi cho tàu thuyền. Cứ khi lũ lụt mực nước dâng quá cao và liên tiếp hứng chịu những ngọn sóng dữ tấn công khiến tàu thuyền trú ẩn nơi đây không được an toàn. Đã có những trận lũ sóng đánh hất tàu bè lên bờ va vào bê tông hư nát. Hay sóng đánh bật tàu trôi ra biển. Âu thuyền An Hòa thuộc xã Tam Quang, Núi Thành cũng không đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu.
Tại Quảng Ngãi, Dự án cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ đang triển khai rất chậm. Còn vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, do thiếu vốn nên công trình cũng lại dở dang. Trong khi đó toàn tỉnh có hơn 5.459 tàu thuyền đánh cá cần nơi neo đậu trú bão an toàn.
Nói như lời ông Huỳnh Kim Nhựt (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) thì miền Trung năm nào cũng có bão lũ. Nhà của ngư dân ở sát biển, họ chỉ ước mong mỗi mùa mưa bão có nơi trú ẩn thật tốt cho tàu thuyền và những khu dân cư bị triều cường tấn công.