ThienNhien.Net – Đến thời điểm này còn gần 2 triệu người dân TP HCM chưa được dùng nước sạch. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Theo báo cáo mới nhất của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), TP HCM còn hơn 328.000 hộ dân chưa có nước sạch, trong đó 233.599 hộ ở 5 huyện ngoại thành đang sử dụng nước “hợp vệ sinh”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, hàng trăm ngàn hộ dân ở những vùng ven của thành phố như: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… đang phải sử dụng nước từ kênh, rạch không hợp vệ sinh và nước giếng khoan nhiễm phèn.
Ở những nơi không được cung cấp nước sạch, người dân đang phải mua nước đóng chai để ăn uống với giá từ 12.000đ – 15.000đ/bình 20 lít.
Với một hộ dân có 5 người, việc mua nước theo kiểu “ăn đong từng ngày” tốn khoảng 35.000 đồng.
Theo Nghị quyết 38 của HĐND TP HCM về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2014 thì đến hết năm nay, toàn bộ số hộ dân đô thị của thành phố sẽ được sử dụng nước sạch vì đây là quyền tối thiểu của người dân.
Vậy mà, người dân thành phố vẫn phải mỏi mòn chờ đợi hết năm này qua năm khác.
Ông Lê Văn Cư (người dân ở tổ 5, khu phố Long Đại, phường Long Phước, quận 9) nói: “Từ giải phóng miền Nam đến nay, ở đây vẫn chưa có nước sạch. Người dân ở đây chủ yếu sinh hoạt bằng nước từ sông, rạch. Nhiều nhà phải xây bể chứa nước mưa. Nước sông Đồng Nai bây giờ ô nhiễm”.
Hiện nay, nguồn nước từ hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển mặn xâm lấn, do rác thải, chất thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.
Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm ở TP HCM trong thời gian qua đã khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng và có thể dẫn đến sụt lún.
Trên thực tế, việc này đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu. Vì vậy, việc cấp nước sạch cho người dân đang là vấn đề cấp thiết, không chỉ đảm bảo an sinh xã hội mà còn để bảo vệ nguồn tài nguyên nước của thành phố trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật và Quản lý môi trường cho biết: “Mặc dù họ có xử lý sơ bộ bằng phèn hoặc bằng các chế phẩm xử lý nước, bằng chất keo tụ… Tuy nhiên, những biện pháp xử lý nước đó chỉ làm giảm độ đục, còn các chất độc tố trong nước chưa được xử lý. Đặc biệt là những chất ô nhiễm kim loại nặng”.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước của những khu vực bị ô nhiễm nặng, SAWACO chỉ đưa ra được những giải pháp mang tính tạm thời như dùng xe chở bồn nước sạch đến để bán cho người dân.
Hầu hết những nơi thiếu nước sạch ở vùng nông thôn, hoặc ở vùng xa, việc đi lại khó khăn, nhiều nơi xe tải chở bồn nước không vào được, nên giải pháp này khó phát huy hiệu quả.
SAWACO cũng đang đề nghị điều chỉnh tăng giá nước và vay thêm 1.520 tỷ đồng để thực hiện các Dự án cấp nước trên địa bàn thành phố.
Giải pháp để thu hút thêm nguồn lực xã hội vào công tác cấp nước cho người dân thì chưa được SAWACO đưa ra.
Ở nhiều địa phương, người dân còn tình nguyện góp vốn để đầu tư hệ thống cấp nước rồi sẽ khấu trừ vào giá nước trong quá trình sử dụng nhưng không được SAWACO chấp nhận.
Còn doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực cấp nước thì gặp nhiều rào cản về thủ tục hành chính, hình thức đầu tư và chia lợi nhuận.
Câu hỏi được đặt ra là TP HCM có muốn xã hội hóa lĩnh vực này?
Làm việc với SAWACO, đại diện của đơn vị này cho biết, việc phát triển, cải tạo hệ thống cấp nước tại TP HCM gặp khó khăn khi có quá nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật dưới lòng thành phố và chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng từ cấp phép đào đường, thỏa thuận hướng tuyến và điều phối giao thông.
Thậm chí, ở nhiều hẻm, các công trình thoát nước đã chiếm hết diện tích và không còn chỗ cho hệ thống cấp nước.
Ông Lê Hữu Quang – Trưởng phòng Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng SAWACO cho biết: “Mặc dù SAWACO đã rất nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới cấp nước nhưng cần phải có thời gian và vốn đầu tư rất lớn. Phải thấy rằng, đây là lĩnh vực khả năng sinh lợi thấp, khó hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, bài toán về vốn, về huy động nguồn lực để cung cấp nước trên địa bàn thành phố rất khó khăn”.
Ở những nước phát triển, Nhà nước chỉ quản lý về mặt chất lượng và hệ thống cơ sở hạ tầng, còn việc khai thác, xử lý và cung cấp nước được giao cho các doanh nghiệp. Còn ở TP HCM hiện nay, việc cổ phần hóa các công ty con của SAWACO cũng đang tiến hành rất chậm.
Nếu cổ phần hóa theo kiểu bán cả tài sản của doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay, thì người mua tài sản này lại trở thành người độc quyền.
Theo theo một số chuyên gia về lĩnh vực kinh tế, TP HCM nên đầu tư cơ sở hạ tầng, sau đó cho doanh nghiệp thuê và khai thác.
Doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, công nghệ và nâng cao chất lượng phục vụ để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Nếu cứ để tình trạng một đơn vị vừa quản lý, vừa khai thác và cung cấp dịch vụ nước sạch ở TP HCM như hiện nay thì người dân ở các huyện ngoại thành vẫn tiếp tục còn khổ sở vì thiếu nước sạch./