ThienNhien.Net – Ngành công nghiệp dịch vụ môi trường như xử lý nước thải, khí thải, chất thải… vẫn còn là ngành khá non trẻ tại Việt Nam. Gần đây, khi Luật Bảo vệ môi trường được siết chặt thì ngành này cũng nhanh chóng phát triển. Thế nhưng, nhiều hạn chế trong hệ thống pháp lý đã và đang khiến ngành công nghiệp dịch vụ môi trường phát triển thiếu ổn định và manh mún.
Chỉ tập trung những thành phố lớn
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã có những chuyển biến. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về bảo vệ môi trường đã được nâng cao. Nhiều cơ sở đã quan tâm chú trọng và làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhiều trường hợp mặc dù đã bị phát hiện và xử lý, song chậm thực hiện các biện pháp khắc phục. Phần lớn là do nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp, trong đó phải kể đến tình trạng nhiều doanh nghiệp còn lúng túng và khó tiếp cận với các dịch vụ môi trường. Sự phát triển nhanh của hành lang pháp lý về quy định thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, trong khi các dịch vụ về môi trường không có sự phát triển tương xứng, dẫn tới những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp khi tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đơn cử, trong quản lý chất thải nguy hại, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại nếu không có đủ năng lực tự xử lý thì buộc phải ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại để xử lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng các đơn vị dịch vụ về xử lý chất thải nguy hại không nhiều và thường tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… nơi có hoạt động công nghiệp phát triển, chất thải nguy hại phát sinh lớn. Đối với doanh nghiệp ở những tỉnh, thành phố khác, đôi khi rất khó tìm được đối tác có đủ năng lực, được cấp phép để chuyển giao xử lý chất thải nguy hại, hoặc nếu có thì chi phí xử lý sẽ rất lớn. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Đồng thuận với vấn đề này, đại diện Công ty Bình Đông (Tây Ninh) cho biết, trung bình mỗi tháng chỉ phát sinh hơn 10kg chất thải nguy hại. Công ty đã cố gắng tìm đơn vị để chuyển giao xử lý nhưng đơn vị nào cũng từ chối vì số lượng quá ít.
Cần hoàn thiện cả chính sách lẫn hạ tầng
Không chỉ vậy, với những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực tiếp nhận và xử lý chất thải như Công ty TNHH MTV Môi trường, Công ty Việt Anh, Việt Úc, Đồng Xanh… cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất mà các doanh nghiệp đưa ra là hệ thống hạ tầng hỗ trợ xử lý loại chất thải nói chung tại nước ta chưa đầy đủ, đồng bộ. Trong đó, bức thiết nhất là bãi chôn lấp an toàn. Hiện nay tại các tỉnh thành đều kêu gọi xã hội hóa đầu tư bãi chôn lấp rác thải. Nhưng đó chỉ là bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đô thị thông thường. Còn có nhiều loại chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp không thể xử lý bằng phương pháp đốt, hoặc đốt xong còn lại tro thải nguy hại phải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp an toàn. Cách thức xử lý chôn lấp an toàn đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật, độ an toàn cho môi trường rất khác bãi chôn lấp rác thải thông thường. Thế nhưng, cho đến nay nước ta vẫn chưa có bãi chôn lấp này. Nhiều công ty cho biết thêm, có những thời điểm, tro đốt chất thải chất đầy cả kho mà không có điểm đổ nên không ít đơn vị đã phải đánh liều bỏ ra môi trường.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc phát triển dịch vụ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong nước hiện nay, còn gặp nhiều khó khăn. Bởi đây là lĩnh vực dịch vụ khá mới mẻ. Một số loại hình dịch vụ đòi hỏi đầu tư lớn, trình độ chuyên môn cao và đặc biệt là ở nước ta chưa hình thành một cách rõ nét thị trường về dịch vụ môi trường, làm cơ sở để phát triển loại hình dịch vụ này. Ở góc độ quản lý nhà nước, nguyên nhân là do chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho việc hình thành, quản lý và phát triển các loại hình dịch vụ về môi trường. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp dịch vụ môi trường phát triển nhanh, vững chắc. Có như vậy mới mong góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tích cực thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường.