ThienNhien.Net – Việc “tái khởi động” cho nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường lo ngại. Cách thức nào để hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường trong hoạt động này? Phóng viên Báo Hải quan có cuộc phỏng vấn TS Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam.
Thưa ông, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã cho phép nhập khẩu tàu biển qua sử dụng để phá dỡ. Nhiều ý kiến lo ngại hoạt động này có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực chất việc phá dỡ tàu cũ đã qua sử dụng là vấn đề đặt ra từ rất lâu ở nước ta. Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ. Bởi vì hoạt động này liên quan mật thiết đến môi trường. Nếu chúng ta không đảm bảo được việc phá dỡ tàu không làm ô nhiễm môi trường, không thải chất độc ra môi trường thì chúng ta không nên cho phép. Việc nhập khẩu tàu biển qua sử dụng để phá dỡ nhằm mục đích duy nhất là lấy phế liệu sắt, thép để tái sử dụng. Song những con tàu cũ luôn chứa một lượng lớn các chất thải khó xử lý, dầu mỡ, rỉ sắt thép, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nếu các cơ sở phá dỡ không xử lý được vấn đề này thì nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường là hiện hữu.
Hiện nay Nhà nước đã cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, thì phải có giải pháp bảo vệ môi trường. Bản thân các đơn vị được phép nhập khẩu tàu cũ cũng phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về môi trường, nếu không sẽ không thể cho phép các đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu tàu biển để phá dỡ.
Việc nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ nếu không có các quy định nghiêm ngặt về môi trường sẽ gây ra hậu quả rất lớn. Bởi lẽ một chiếc xe máy cũ bên trong đã chứa nhiều dầu thải, thì với kích cỡ lớn như một con tàu biển thì chắc chắn lượng dầu chứa chất độc hại còn lớn hơn gấp nhiều lần. Xử lý được vấn đề này quả thực không phải là điều dễ dàng. Tôi e rằng đó sẽ là điều lợi bất cập hại. |
Như vậy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu cũ là hiện hữu, thưa ông?
Đương nhiên. Bởi vì nó rất gây ô nhiễm, nếu không xử lý tốt thì “lợi bất cập hại”.
Những đơn vị phá dỡ phải có đề án trình bày rõ khi nhập khẩu tàu về phá dỡ sẽ xử lý như thế nào để không gây ô nhiễm, phải có năng lực tháo dỡ, năng lực xử lý môi trường, tức DN nào đạt đủ điều kiện thì được nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ, DN nào không đạt điều kiện nhất định không cho phép. Đây là điều các cơ quan quản lý Nhà nước phải đề ra. Nếu để đến khi DN phá dỡ tàu biển gây ô nhiễm thì mới đi xử lý thì không được, hậu quả sẽ nghiêm trọng, chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Theo ông, cần phải quy định những điều kiện gì đối với DN được phép nhập khẩu tàu biển về phá dỡ?
Điều kiện quan trọng nhất là DN phải có diện tích mặt bằng lớn. Hai là xử lý được vấn đề môi trường. Tất cả sản phẩm phải theo đúng tiêu chuẩn môi trường Việt Nam về xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng. Bởi vì đối với các con tàu cũ thường chứa lượng lớn dầu mỡ trong các thiết bị động cơ diezel. DN phải xử lý được những vấn đề liên quan đến môi trường, đảm bảo không gây ô nhiễm thì mới được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
Như vậy bên cạnh việc cho phép, cơ quan quản lý Nhà nước phải có các điều kiện khắt khe về môi trường đối với các DN nhập khẩu tàu biển qua sử dụng để phá dỡ, thưa ông? Liệu có cần thiết quy hoạch một khu vực tập trung cho hoạt động phá dỡ tàu biển chứ không để hoạt động này diễn ra tràn lan khắp nơi?
Đúng vậy. Điều kiện về môi trường này phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra, phải tính toán các phương án hữu hiệu nhất, giảm thiểu tối đa tác hại đối với môi trường. Thông thường, các khu phá dỡ tàu biển thường được đặt ở các cảng hay những khu vực gần biển, không mất nhiều công vận chuyển. Nhưng đó nhất định phải là khu chuyên phá dỡ tàu cũ. Nếu không, hiện nay có tình trạng nông thôn Việt Nam tự phát hình thành các nơi tháo dỡ động cơ diezel để lấy phế liệu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu Nhà nước cho nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ thì phải rất quan tâm đến vấn đề môi trường.
Xin cảm ơn ông!
Phát biểu tại buổi họp đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhấn mạnh đến các nguyên tắc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển phải có phương án bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường. Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật, điều chỉnh công bố Danh mục loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ phù hợp với năng lực của cơ sở phá dỡ tàu biển tại Việt Nam. |