ThienNhien.Net – Trả lời phỏng vấn NTNN liên quan đến loạt bài “Sự thật hàng nghìn tấn ngao chết ở Thái Bình”, ông Phạm Khánh Ly – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cho biết: Ngoài yếu tố thời tiết, còn có thể do tình trạng ô nhiễm nguồn nước (có thể do các công ty xả thải – PV) dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt.
Vừa qua, ở Tiền Hải (Thái Bình) đã xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt và theo báo cáo của Cục Thú y, nguyên nhân ngao chết là do “sốc môi trường”. Đứng trên góc độ chuyên môn, ông có bình luận gì nguyên nhân trên?
Về hiện tượng ngao chết hàng loạt ở Thái Bình, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp giao cho Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản (NTTS) T.Ư 1 nghiên cứu, đánh giá và tìm ra nguyên nhân.
Theo báo cáo của Cục Thú y thì ngao chết do “sốc môi trường”, còn Viện Nghiên cứu NTTS 1 đã có kết luận là do nhiệt độ và độ mặn cao là nguyên nhân chính, cơ bản dẫn tới hiện tượng ngao chết hàng loạt.
Riêng chúng tôi, trong 2 ngày 9 và 10.8, khi đi kiểm tra đã đo được nhiệt độ từ 12 giờ đến 14 giờ là 39oC, thời gian phơi bãi dài và mật độ nuôi quá dày (400 – 1.200 con/m2). Tuy nhiên, tại thời điểm này ở huyện Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre) nhiệt độ cũng tương tự, nhưng ngao không chết, do bãi triều thấp, thời gian phơi bãi ngắn. Chính vì thế, không loại trừ việc ngao chết ở Thái Bình có nguyên nhân từ việc ô nhiễm môi trường, có thể từ do một số công ty Trung Quốc (TQ) ở Thái Bình và các công ty ở các KCN Tiền Hải xả thải ra môi trường. Nhưng hiện chúng tôi chưa có đủ cơ sở để kết luận.
Ông vừa nhắc đến các công ty TQ xả thải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, ông có thể cho biết rõ hơn điều này?
– Theo tôi được biết, trên địa bàn Thái Bình có khoảng 4 – 5 công ty của TQ. Việc xả thải của các công ty này, điển hình như ở Quỳnh Phụ, Thái Thụy… năm 2013 người dân đã nhiều lần kéo lên các nhà máy để phản đối. Đa số các công ty TQ đều sản xuất các sản phẩm thải ra chất độc, gây hại cho môi trường. Chúng tôi đã nhiều lần đi kiểm tra, người dân cũng đã có kiến nghị, nhưng vì không có kinh phí, thiếu phương tiện KHKT nên không triển khai được. Từ vụ việc này, tôi đề nghị lực lượng cảnh sát môi trường vào cuộc để điều tra tổng thể các công ty trên địa bàn Thái Bình, chứ không riêng gì tại huyện Tiền Hải. Vì việc ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến ngao mà còn ảnh hưởng đến nhiều loài khác. Đời sống của người dân cũng phải chịu ảnh hưởng từ việc ô nhiễm này.
Theo điều tra riêng của NTNN, trên địa bàn khu công nghiệp Tiền Hải còn có nhiều công ty khác cũng xả thải chất độc hại ra môi trường. Liệu đây có phải là nguyên nhân làm ngao chết hàng loạt, thưa ông?
– Như tôi đã nói ở trên, không chỉ riêng gì các công ty TQ xả thải, mà trên địa bàn Thái Bình rất nhiều công ty khác cũng xả thải không đủ tiêu chuẩn ra môi trường. Vẫn biết thế, nhưng để “bắt tận tay, day tận mặt”, “chỉ mặt, đặt tên” các công ty không phải đơn giản. Việc này, tôi nghĩ chỉ có cảnh sát môi trường mới đủ phương tiện, kỹ thuật, chức năng, quyền hạn để kiểm tra. Ngao là loài nhuyễn thể, rất nhạy cảm với thời tiết, môi trường, chúng sinh trưởng hoàn toàn nhờ vào phù du trong nước, chứ không cho ăn được như các loài khác. Do đó, rất có thể các yếu tố như độ mặn, nhiệt độ cao, thời gian phơi bãi dài đã làm cho con ngao yếu. Sau đó, ngao cố ngoi lên để ăn thì bị trúng nguồn nước ô nhiễm và dính độc dẫn đến chết hết.
Còn về chất lượng con giống thì sao, bởi cũng có thông tin thời gian qua rất nhiều giống thủy sản nhập về nước ta là nhập lậu của TQ?
– Về mặt quản lý nhà nước, trong vụ việc này chúng tôi cũng phải nhận khuyết điểm, là chưa khuyến cáo được hết cho người dân. Mặc dù Viện Nghiên cứu NTTS khẳng định hiện đã đảm bảo được 100% giống ngao nhưng tôi nghĩ việc này rất khó. Nếu tính năng lực sản xuất và lượng tiêu thụ của người dân thì cân bằng nhưng nuôi ngao có vụ, khi thả người dân đồng loạt thả, việc đáp ứng cục bộ rất khó, do đó bắt buộc phải mua các giống TQ. Song làm thế nào để quản lý việc nhập lậu giống ngao từ TQ không hề đơn giản. Còn để cung cấp đủ nguồn ngao giống cục bộ cho người dân thì năng lực sản xuất phải gấp 5–10 lần lượng tiêu thụ. Nhưng khi người dân thả đủ ngao rồi, thì số ngao sản xuất ra bán cho ai? Đây là một bài toán kinh tế không hề đơn giản.
Xin cảm ơn ông!
“Sốc môi trường” cũng có thể do nguồn nước ô nhiễmTheo báo cáo của Cục Thú y gửi Bộ NNPTNT về ngao chết ở Thái Bình, kết quả xét nghiệm mẫu ngao dương tính với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và ký sinh trùng Perkinsus marinus. Tuy nhiên, những vi sinh vật này thường được phát hiện tại các vùng nuôi ngao trong điều kiện bình thường, nên chúng không phải là nguyên nhân tiên phát làm ngao chết hàng loạt.
Ngoài ra trong báo cáo cũng nêu một số ý kiến của người dân cho rằng do ô nhiễm nguồn nước tại sông Lân xả ra biển thông qua các cống số 4 và số 8 cũng là một trong những yếu tố làm ngao chết. Ông Dương Tiến Thể- Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Những phân tích này chỉ là phân tích các mẫu bệnh phẩm để xác định xem ngao chết có phải nguyên nhân do dịch bệnh hay không, còn các chỉ tiêu về môi trường Cục Thú y không có chức năng và phương tiện thực hiện. Để phân tích xem ngao chết có phải do nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước như người dân phản ánh hay không, Cục Thú y cũng đã có đề nghị cần rà soát tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc xả thải của các cơ sở sản xuất ở khu vực này”. Ông Thể cũng cho biết, trước đó, báo cáo của Cục Thú y gửi lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT có xác định nguyên nhân chính dẫn tới ngao chết là do: Sốc môi trường. Tuy nhiên, “sốc môi trường” ở đây cũng có thể là do cả yếu tố nguồn nước bị ô nhiễm. Thanh Xuân (ghi) |