ThienNhien.Net – Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng chính sách trợ giá nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam không mang lại lợi ích cho người nghèo mà thật ra là “rót” vào tập đoàn lớn. Đây là nhận định trong báo cáo “Tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam – Các kiến nghị về lộ trình cải cách chính sách” vừa được tổ chức này công bố.
Trợ giá 1,2-4,5 tỉ USD/năm
Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong giai đoạn 2007-2011, trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam dao động từ 1,2-4,49 tỉ USD/năm, tương ứng với tỉ lệ trợ giá trung bình là 15,5% (khoảng 46,7 USD/người/năm).
Phần lớn trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam là gián tiếp dưới nhiều dạng cung cấp khác nhau cho các nhà sản xuất và phân phối năng lượng, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ví dụ, các DNNN nhận được tín dụng lãi suất thấp cho hoạt động đầu tư và đầu vào giá rẻ như đất đai và than. Thế nhưng, các tập đoàn năng lượng lớn hiện nay sử dụng nguồn tài chính trợ giá không chỉ để đầu tư vào năng lượng mà còn đầu tư ngoài ngành. Chẳng hạn, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tổng vốn đầu tư ngoài ngành trên 500 tỉ đồng vào các ngành ngân hàng và chứng khoán hay vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian qua cũng “mắc kẹt” trong các dự án bất động sản…
Dân gánh chịu
Trợ giá nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam chủ yếu cho than đá và các nhiên liệu sử dụng cho phát điện. EVN được hưởng giá đầu vào than và khí đốt trong nước thấp hơn nhiều giá thị trường thế giới. Giá than bán cho các nhà sản xuất điện chỉ bằng khoảng 60% giá xuất khẩu và bằng 70% chi phí sản xuất năm 2012. Đến năm 2013, giá than bán cho phát điện đã đủ bù đắp chi phí sản xuất nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường thế giới. Than và khí đốt vẫn là năng lượng phát điện chủ yếu. Hai nhiên liệu này do Vinacomin và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sản xuất nên cuối cùng, Chính phủ và người dân phải gánh chịu các chi phí đó cũng như các chi phí cơ hội của các khoản trợ giá gián tiếp này.
Mặt khác, các DNNN chi phối thị trường năng lượng, do vậy khi buộc phải hạ thấp lợi nhuận hoặc thua lỗ do chính sách giá trần cũng như hoạt động không hiệu quả, họ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Chính phủ (và người đóng thuế) không những mất đi thu nhập kinh doanh mà còn phải bù lỗ. Theo các số liệu chính thức, trong năm 2012, tổng số nợ của 3 tổng công ty năng lượng lớn gồm EVN, Vinacomin và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam lên tới 315.693 tỉ đồng (tương đương 15 tỉ USD), chiếm 1/4 tổng số nợ của tất cả DNNN ở Việt Nam.
Kìm hãm tăng trưởng xanh
Trợ giá nhiên liệu hóa thạch ngày càng được cộng đồng quốc tế thừa nhận là kìm hãm tăng trưởng xanh và giảm thiểu cường độ năng lượng của nền kinh tế. Các khoản trợ giá kìm hãm sử dụng các nguồn năng lượng sạch, khuyến khích tiêu thụ lãng phí nhiên liệu hóa thạch cũng như cột chặt các nước trong các phương thức phát triển kinh tế sử dụng nhiều năng lượng và từ đó có thể làm cho họ trở nên không thể cạnh tranh khi giá năng lượng tăng theo thời gian.
Theo bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và tiến tới một quỹ đạo tăng trưởng bền vững, việc cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải cải cách ngành năng lượng một cách tổng thể, bao gồm giá năng lượng và chiến lược truyền thông để tham vấn, kêu gọi sự ủng hộ trên diện rộng đối với cải cách. Đặc biệt, cần có các biện pháp để bảo vệ người nghèo và dễ tổn thương cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất từ việc tăng giá năng lượng. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cũng đề xuất lợi ích của cải cách trợ giá có thể được khuếch đại bằng việc đưa vào giá carbon thông qua thuế hoặc kinh doanh hạn ngạch carbon.
Vinacomin lại xin giảm thuế, phí
Vinacomin vừa kiến nghị Chính phủ xem xét cho tập đoàn này được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển ngành than. Cụ thể, Vinacomin kiến nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài do tập đoàn hiện nay không có đủ phần vốn đối ứng từ 20%-30% để thực hiện vay đầu tư phát triển các mỏ mới. Vinacomin cũng cho rằng các loại thuế, phí đối với sản xuất than rất cao trong khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm cho giá thành than tăng cao. Vì thế, kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế, phí đối với tài nguyên than. |