ThienNhien.Net – Sự cố tràn sạt lở đê phụ hồ thải quặng đuôi số 5 nhà máy tuyển quặng bauxite của Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng ngày 8/10 và hàng loạt vụ vỡ đập tràn bùn trong thời gian đã ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo ngại về mức độ an toàn hồ chứa tại Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, ngày 10/10, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về nguyên nhân dẫn tới các sự cố.
Thưa ông, liên quan đến hàng loạt sự cố vỡ hồ chứa thải xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt gần đây nhất là sự cố tràn bùn đất đỏ tại mỏ bauxite nhôm Lâm Đồng ngày 8/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia vào công tác nắm bắt thông tin, xử lý vụ việc như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: Ngay sau khi sự cố tràn bùn đất đỏ tại mỏ bauxite nhôm Lâm Đồng xảy ra, chúng tôi đã cử đoàn kiểm tra đến để xác minh lại sự cố đó. Yêu cầu đầu tiên của chúng tôi đối với địa phương có sự cố là phải khắc phục toàn bộ những rủi ro để đảm bảo ổn định đời sống của người dân địa phương xung quanh, đảm bảo cơ sở hạ tầng hoạt động bình thường.
Có ý kiến cho rằng, khả năng xảy ra sự cố tràn bùn đất đỏ tại một số địa phương có khoáng sản ở miền Bắc (như Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn), và tại Lâm Đồng vừa qua là do quá tải về công suất thiết kế, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: Theo báo cáo của chính quyền địa phương và đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng (Vinacomin), nguyên nhân sự cố được cho là do mưa lớn trong nhiều ngày, lượng nước trong hồ thải quặng số 5 không thoát kịp.
Theo tôi được biết, lượng bùn bị tràn ra ngoài và đổ xuống cuối hồ Cai Bảng ước khoảng 5.000 m3, không gây thiệt hại về người và thiết bị. Sở đã có đánh giá nhanh về tác động môi trường, mẫu nước tại hồ thải quặng bị vỡ với độ PH trung tính (6-7), không có hóa chất, không độc hại, không gây ảnh hưởng sinh thái trong lòng hồ và không gây thiệt hại đến vườn tược, hoa màu của người dân.
Hiện nay Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đang nỗ lực cùng địa phương khắc phục sự cố. Như vậy có thể nói, nguyên nhân đã được xác định là do mưa rất lớn nên mới xảy ra sự cố. Bởi vậy, chúng tôi chưa có cơ sở để kết luận về vấn đề công suất hay thiết kế như các bạn nói.
Nhưng thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp các sự cố vỡ đập xảy ra tại nhiều địa phương, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền địa phương hay về phía Bộ đã có sự buông lỏng hay vô can trong quản lý trong công tác khai thác khoáng sản. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: Nói thế là không khách quan. Bởi như chúng tôi đã nói, sự cố này là do mưa rất lớn tại vùng đó, nó đột ngột xảy ra như vậy thì không thể nói trước được gì.
Thực tế cho thấy, trên thế giới cũng đã xảy ra rất nhiều sự việc như trên. Chẳng hạn như tại Mỹ, họ vẫn xảy ra sự cố như vậy do thiên nhiên. Do vậy, chúng ta không thể căn cứ vào đó để quy kết rằng chính quyền địa phương hay Bộ có sự buông lỏng.
Để khắc phục những sự cố xảy ra trong thời gian qua, nhất là sự cố tràn sạt lở đê phụ hồ thải quặng đuôi số 5 nhà máy tuyển quặng bauxite của Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có giải pháp gì thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: Chúng tôi đang tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử phạt đối với các doanh nghiệp nếu có vi phạm, đồng thời nhắc nhở các địa phương phải chú ý hơn nữa về vấn đề an toàn hồ chứa.
Cụ thể, năm 2014 chúng tôi đang tiến hành thanh tra kiểm tra khoảng 14 tỉnh với gần 300 doanh nghiệp. Đây là số lượng khá lớn buộc phải tiến hành hết trong năm. Đặc biệt, chúng tôi đang cố gắng ra chỉ tiêu mỗi năm phải kiểm tra được hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, xem họ làm ăn ra sao còn kịp thời chấn chỉnh, tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc như vừa rồi.
Chân thành cảm ơn ông!