ThienNhien.Net – Tại hội thảo tham vấn về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 8/10, tại Hà Nội, tiến sỹ Dư Văn Toán, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, tài nguyên đa dạng sinh học biển nước ta đang đứng trước nguy cơ suy thoái rất nghiêm trọng, trong đó hoạt động hàng hải, tràn dầu trên biển (do va chạm và vỡ tàu dầu) là một trong những mối quan tâm lớn nhất.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học biển cao của thế giới, với hơn 20 kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Thế nhưng, hiện nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển và bảo tồn, quá trình xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển trong hội nhập quốc tế.
Theo tiến sỹ Toán, hiện nay, vùng ven biển nước ta đang tập trung rất nhiều tàu và thuyền bè đánh bắt cá, nhưng việc bảo quản lại chưa thật sự an toàn. Trên thực tế, đã có một số trường hợp va chạm, dẫn tới vỡ tàu dầu, đe dọa đến “sự sống” của nhiều loài thủy sản và san hô vùng biển.
Ngoài ra, “việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt bằng thuốc nổ, bừa bãi, hay các chất thải (do đô thị hóa, công nghiệp hóa, sinh hoạt), sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai và tác động của biến đổi khí hậu cũng là những tác nhân khiến nhiều hệ sinh thái, loài sinh vật và nguồn gen sinh sống dưới biển của nước ta bị suy giảm nghiêm trọng,” tiến sỹ Toán chia sẻ.
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có 48 loài động vật thủy sinh lạ xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có 14 loài có tác động xấu tới đa dạng sinh học biển và nuôi trồng thủy sản truyền thống, cần quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên được xếp vào mục “đen.”
Trong khi đó, theo kịch bản của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vào cuối thế kỷ 21, nếu nước biển dâng từ 75 cm đến 1 m thì có khoảng 20 đến 38% số diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 11% số diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập.
Cũng kịch theo bản này, trong khoảng 50 năm tới, nước ta sẽ có 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (chiếm 27%), 46 khu bảo tồn (chiếm 33%), chín khu đa dạng sinh học có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế (chiếm 23%) và 23 khu có đa dạng sinh học quan trọng khác (chiếm 21%) ở Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đề cập đến cơ chế quản lý, tiến sỹ Dư Văn Toán cho biết, hiện nay, Việt Nam đang thiếu một đầu mối chung về quản lý tài nguyên đa dạng sinh học, mặc dù đã có rất nhiều cơ quan cùng tham gia. Ngoài ra, nước ta cũng còn thiếu lực lượng giám sát, các văn bản quy định pháp lý đồng bộ, trong khi sự phân cấp, phân vùng cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển lại chưa rõ ràng.
“Đơn cử như Bộ Tài nguyên và Môi trường có Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Môi trường cùng tham gia vào công tác bảo tồn, nhưng hai đơn vị này lại chưa có lực lượng nào thực địa trên biển quản lý chung về đa dạng sinh học và tài nguyên môi trường,” tiến sỹ Toán dẫn chứng.
Nhìn nhận ở góc độ cơ quan bảo tồn, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, để bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, Việt Nam đã có hệ thống các văn bản pháp lý ở cả cấp quốc tế và quốc gia. Thế nhưng, đến nay nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển vẫn đang chịu áp lực ngày càng tăng từ tác động của con người.
Ðể khắc phục những yếu tố ảnh hưởng nêu trên, theo ông Đồng, các bộ, ngành có liên quan về quản lý và bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học cần xây dựng các văn bản quy định pháp lý đồng bộ, có sự phân cấp, phân vùng, ranh giới rõ ràng hơn.
Song song với đó, “Việt Nam cũng cần chú trọng xây dựng các thương hiệu cho các loài đặc hữu và các kỳ quan sinh thái; đẩy mạnh thông tin, quảng bá về đa dạng sinh học biển, gắn liền với việc mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia cùng nhau thực hiện các chính sách bảo tồn mang tầm thế giới,” ông Đồng nhấn mạnh.