ThienNhien.Net – Hồ thải quặng sắt Tây Bắc bị vỡ ngày 30/9/2014 đã nhấn chìm hơn 2ha lúa sắp gặt của người dân xã Lương Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái).
Thiệt hại do việc vỡ đập hồ thải không lớn, nhưng đằng sau vụ vỡ đập này khiến người ta buộc phải nhìn lại công tác quản lý nhà nước trong khai khoáng của tỉnh Yên Bái…
Vẽ voi trên giấy
Trong báo cáo dự án khai thác, chế biến của Cty CP Molybden Việt Nam, có trụ sở chính tại số nhà 29, C1, khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, ngày 8/7/2010 đổi tên là Cty CP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc đã vẽ ra hình ảnh con voi giấy khổng lồ: “Cty CP Molybden Việt Nam nhận thấy cần phải xây dựng một khu liên hợp khai thác, chế biến quặng sắt tại tỉnh Yên Bái để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy gang thép trong tỉnh…
Dự án được triển khai hoàn chỉnh sẽ làm tăng tỷ trọng công nghiệp của tỉnh trong nền kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho 150 lao động trực tiếp và gián tiếp, nộp ngân sách địa phương 2,25 tỷ đồng/năm… Chế biến ra tinh quặng sắt >60% với sản lượng 50.000 tấn tinh quặng/năm”.
Không biết tỉnh Yên Bái đã tin những điều vẽ voi ấy như thế nào, mà ngày 26/7/2007 ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định số 1054/GP-UBND cấp phép khai thác cho Cty CP Molybden Việt Nam khai thác chế biến quặng sắt tại núi 409 thuộc xã Lương Thịnh, với diện tích 40,8ha, công suất khai thác 98.000 tấn/năm, với thời gian khai thác 21 năm.
Đồng thanh với UBND tỉnh Yên Bái, ngày 19/6/2007, bà Nguyễn Thị Huấn – Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên ký xác nhận bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường của Cty Tây Bắc. Đây là những văn bản pháp luật để Cty Tây Bắc triển khai “dự án voi” của mình.
“Bom bùn” nổ trên đầu dân
Bà Nguyễn Thị Hiên – TGĐ Cty Tây Bắc cho biết: Năm 2011 Cty khai thác quặng sắt tại điểm mỏ 409, năm 2012 thì tuyển quặng. Do tỷ lệ sắt thấp nên Cty phải vận chuyển quặng từ điểm mỏ Cận Còng về tuyển. Mỗi tháng tuyển từ 1.000- 1.500 tấn tỷ lệ 60%.
Khu vực tuyển có 3 hồ chứa thải quặng, dung tích mỗi hồ khoảng 15.000m3, các đập hồ chứa đều đắp bằng đất và không có thiết kế. Các hồ chứa này nằm trên độ cao chừng 200m, chẳng khác gì túi bùn khổng lồ treo lơ lửng trên đầu người dân sống ở phía dưới.
Sau hai năm tuyển, ba hồ chứa thải quặng của Cty Tây Bắc đều đã đầy, hồ thứ hai bùn thải đã ngang bằng với mặt đập, sức chứa của các hồ hầu như đã hết. Thay vì việc phải vét hồ thải để giảm áp lực của hàng chục ngàn tấn bùn đất thì Cty Tây Bắc lại tiến hành đắp đất nâng mặt đập để tăng sức chứa của hồ số 3, tức là hồ thải quặng đuôi cuối cùng.
Sau sự cố vỡ đập, người dân từ kinh hãi đến bất bình, ông Dương Đức Liên là dân địa phương không giấu nổi sự bức xúc: Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh hồ chứa bùn thải của Cty trôi xuống lấp ruộng nhưng chẳng ai giải quyết. Bây giờ thì bùn đất lấp hết ruộng của dân rồi… |
Do đập đắp bằng đất sau nhiều năm đã ngấm nước vào thân đập, khi máy móc vận chuyển đất đắp tiếp lên mặt đập, tạo ra sự rung chấn phá vỡ kết cấu thân đập khiến quả “bom bùn” nằm trên độ cao 200m phát nổ.
Điều đã đến sẽ phải đến, khoảng 18 giờ 30 phút ngày 30/9/2014 quả “bom bùn” 5.000m3 nổ tung, phá vỡ thân đập hồ chứa thứ ba.
Toàn bộ số bùn đó đổ thẳng xuống cánh đồng của thôn Lương Thiện vùi lấp toàn bộ hơn 2ha lúa sắp gặt của 32 hộ dân, tràn vào chợ Lương Thịnh và một số hộ dân thôn Đoàn Kết, cô lập 3 hộ dân thôn Lương Thiện, vỡ đường ống dẫn nước và làm đổ cột điện của một số hộ dân…
Cơ quan quản lý nào đồng chịu trách nhiệm?
Cty Tây Bắc phải chịu trách nhiệm và khắc phục mọi hậu quả do vụ vỡ đập hồ chứa thải quặng chiều 30/9/2014. Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc khai thác, tuyển khoáng của tỉnh Yên Bái lại có thể vô can và đứng ngoài sự cố này?
PV Báo NNVN đã gặp một số người có trách nhiệm của Sở Tài nguyên-Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp-PTNT, các vị này đều đưa ra “cái lý” của riêng mình, như: Thời điểm Cty xây dựng hồ thải luật không quy định Cty phải trình thiết kế lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, Cty tự tổ chức thẩm định… Với “cái lý” đó thì các cơ quan quản lý nhà nước của Yên Bái đều vô can?
Giấy phép UBND tỉnh Yên Bái cấp cho Cty Tây Bắc trong đó điều 3 có quy định đối với công ty: Thông báo về giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác cho Sở Tài nguyên-Môi trường Yên Bái, ký quỹ môi trường, ký hợp đồng thuê đất… Tuy nhiên khi đập bị vỡ, báo chí truy xét mới vỡ lở đến nay Cty Tây Bắc chưa ký hợp đồng thuê 202.261,5 m2 đất.
Từ vụ vỡ đập hồ thải của Cty Tây Bắc, dư luận đặt câu hỏi: Đằng sau việc cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản ở tỉnh Yên Bái phải chăng lâu nay có điều không bình thường?