ThienNhien.Net – Nhiều vấn đề bất cập trong việc khai thác khoáng sản đã được đưa ra bàn luận tại hội thảo “Những vấn đề nóng trong khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện nay, giải pháp khắc phục”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 7/10, tại Hà Nội.
Theo thống kê, đến hết năm 2013, trong số 495 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp thì có 51 giấy phép đã hết hạn nhưng có 41 trường hợp chưa lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định, 101 khu vực chưa có sản lượng khai thác trong năm 2013 và 19 khu vực tạm dừng hoạt động hoặc chưa triển khai.
TS Lại Hồng Thanh, Chi hội Địa chất và Khoáng sản cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho thăm dò trữ lượng, chưa thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác… dẫn đến tình trạng làm “nghèo khoáng sản” trong quá trình khai thác, Nhà nước không quản lý tốt được “tài sản” toàn dân. Cùng đó là việc thực hiện nghĩa vụ trong công tác an toàn lao động, bảo hộ lao động cho người lao động của các doanh nghiệp khai khoáng chưa tốt. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do doanh nghiệp khai khoáng đều có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ nên chưa có điều kiện đầu tư kỹ thuật trong chế biến và khai thác; công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản hiệu quả chưa cao.
Theo các chuyên gia, những “lỗ hổng” trong chính sách quản lý đã dẫn đến những tình trạng trên. “Nhiều chính sách về thuế, phí hiện nay của chúng ta còn nhiều bất cập. Nếu không có những điều chỉnh đúng đắn thì sẽ có tình trạng doanh nghiệp chỉ khai thác phần “nạc”, tức là trữ lượng khoáng sản tốt, còn sẽ bỏ lại phần “xương”, phần những trữ lượng ở sâu hoặc kém chất lượng hơn, gây thất thoát ngân sách nhà nước”, TS Lê Ái Thụ, Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho biết.