Khi các tòa cao ốc, trung tâm thương mại, khu dân cư… mọc lên ngày càng nhiều, đất đai thành thị trở nên khan hiếm, người dân ngày càng vất vả trong việc tìm chỗ chôn cất người thân.
Nhiều năm nay, cụ Đinh Thị Tâm (76 tuổi, ngụ ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM) phải uống thuốc hết ngày này qua ngày khác vì bệnh tiểu đường, tim mạch, dạ dày… Ý thức mình tuổi cao lại nhiều bệnh, cách đây 2 năm, cụ nhờ các con tìm mua một miếng đất gần nhà, giá vừa phải để chuẩn bị cho chuyến đi xa. Thế nhưng, dù các con đã rất cố gắng, đến nay, cụ vẫn chưa tìm được “nhà” cho mình.
Đôn đáo tìm huyệt mộ
“Những huyệt mộ gần nhà do tư nhân xẻ đất vườn ra bán đều đã hết hoặc chủ nhà không dám bán do địa phương cấm. Mấy đứa nhỏ bèn liên hệ ngôi chùa gần nhà, hy vọng tìm được huyệt mộ cho tôi. Nhà chùa ra giá 200 triệu đồng/mộ. Số tiền này vượt quá khả năng nên đến giờ, các con tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm. Nếu đến lúc tôi nằm xuống mà chưa có huyệt mộ, các con sẽ đưa về nghĩa trang Đa Phước, tuy xa nhà nhưng không phải hỏa táng” – cụ Tâm thở dài.
Lý giải về việc không chọn hình thức hỏa táng, cụ Tâm cho biết 19 năm trước, do không tìm được huyệt mộ, cụ phải đưa mẹ mình đi hỏa táng. Từ đó, cụ rất buồn và day dứt vì nghĩ mẹ “nóng và đau”. Mấy năm nay, mỗi năm, cụ Tâm đều quyết tâm để dành 10 triệu đồng để chắc rằng không vì lý do không có tiền mà con cháu mang cụ đi thiêu.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thanh (65 tuổi, quận Thủ Đức, TP HCM) bị ung thư vòm họng, gia cảnh khó khăn, các con đều làm lao động phổ thông. Gặp chúng tôi, ông cho biết: “Nhà nghèo nhưng tâm nguyện của tôi vẫn muốn được mồ yên mả đẹp khi chết. Tôi sợ thiêu lắm….”. Ông Thanh đã yêu cầu các con đưa về quê (tỉnh Bình Định) khi thấy ông yếu sức. Khi chúng tôi bảo chi phí về quê khá tốn kém, ông rầu rĩ: “Thì tụi nó phải ráng thôi chứ tôi không muốn thiêu….”.
Cũng vì thương cháu và muốn thực hiện tâm nguyện của vợ chồng em trai – đều đã mất, ôngNguyễn Văn Công (quận Gò Vấp, TP HCM) đã phải chạy vạy khắp nơi để lo ma chay, mua huyệt mộ khi người cháu đột ngột qua đời. Đến khi bị đòi nợ, vợ chồng ông đành phải cắt nửa căn nhà lá bán lấy 50 triệu đồng để trang trải.
Có “nhà”, chưa chắc được yên
Cách đây nửa tháng, ông Trần Văn Q. (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) mất do bệnh. Thể theo tâm nguyện của ông, người nhà chạy vạy tìm chỗ mua huyệt mộ, nhiều nơi rao giá 60-70 triệu đồng. Trong lúc gia đình bối rối, người hàng xóm đến chia buồn ngỏ ý để lại huyệt mộ của gia tộc với giá 10 triệu đồng. Mừng rỡ, gia đình ông Q. lập tức đến đào huyệt, xây kim tĩnh tốn gần 15 triệu đồng.
Đến ngày chôn cất ông Q., những người thân trong gia tộc của hàng xóm phản đối vì cho rằng người này không thông qua ý kiến họ, tự ý bán. Vợ ông Q. phải van xin nhưng vẫn không được chấp thuận. Cuối cùng, dù xót xa, gia đình phải đưa ông Q. đi hỏa táng.
Ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM, cách đây 1 năm cũng xảy ra chuyện căng thẳng mà đến nay nhắc lại nhiều người vẫn nhớ. Do gia tộc không có nghĩa trang, ông Tr.V.C đã mua miếng đất hơn 200 m2 để làm tộc mộ. Lúc mua, khu vực này nhà cửa còn thưa thớt nhưng sau vài năm đã trở thành khu dân cư đông đúc.
Năm 2013, mẹ mất, ông C. đưa về khu đất trên để bà yên nghỉ. Thế nhưng, khi ông chuẩn bị chôn cất mẹ, người dân phản đối kịch liệt vì sợ ô nhiễm môi trường. Quá giờ hạ quan tài, gia chủ vẫn không thực hiện được do người dân ngăn cản. Phải nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương, vài giờ sau, quan tài mới được hạ xuống…
“Việc đã rồi”!
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực ngoại thành TP HCM (như các quận, huyện: 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè) còn nhiều đất trống, đất nhà vườn. Khi có người thân mất, nếu không mua được huyệt mộ, người dân sẽ chôn ngay trong đất vườn nhà. Việc này bị hàng xóm phản ứng nhưng chính quyền địa phương cũng khó nói, chỉ nhắc nhở. Chưa kể, vì ham lợi nhuận, nhiều người cắt đất bán huyệt mộ ngay trong khu dân cư với giá vài chục triệu đồng/mộ. Tuy bị ngăn cấm nhưng khi chính quyền phát hiện thì “việc đã rồi”, đành huề cả làng. |