Trồng trọt không thể tràn lan!

ThienNhien.Net – Trồng trọt chiếm hơn 50% GDP ngành Nông nghiệp song sự tới hạn về năng suất cây trồng đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu ngành này để nông dân có thu nhập tương xứng với chi phí, công sức đã bỏ ra.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt phải theo hướng điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng và nâng cao hiệu quả sản xuất những loại cây đặc sản từng địa phương.
Phát triển nhóm cây làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vừa tăng giá trị ngành trồng trọt, vừa tạo đà phát triển cho ngành chăn nuôi (Ảnh minh họa: backan.gov.vn)
Phát triển nhóm cây làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vừa tăng giá trị ngành trồng trọt, vừa tạo đà phát triển cho ngành chăn nuôi (Ảnh minh họa: backan.gov.vn)

Xác định nhóm cây chủ lực

Theo quan điểm chuyên gia, TS Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cho rằng 4 nhóm cây chủ lực mà ngành Nông nghiệp cần đầu tư trọng tâm, đó là nhóm cây thức ăn chăn nuôi, cây lâu năm, nhóm rau củ quả và nhóm dược liệu.

Nhóm cây chăn nuôi được nhắc đến đầu tiên bởi sự liên quan mật thiết đến ngành chăn nuôi, vốn đang yếu thế nhất trong ngành Nông nghiệp khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Việc nhập khẩu một lượng lớn thức ăn chăn nuôi đã làm giảm sự cạnh tranh của ngành này. Do đó, tập trung cho nhóm cây chăn nuôi cũng tạo đà  để tái cơ cấu một lĩnh vực quan trọng trong ngành nông nghiệp.

Nhóm cây lâu năm được TS Ngọc nhắc đến bởi thế mạnh về xuất khẩu vốn có của cà phê, hồ tiêu… đã góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Việc coi trọng phát triển nhóm rau, củ quả, được ví như “quả  đấm” của ngành Nông nghiệp để phá vỡ nghịch lý  “càng làm càng nghèo” cho người nông dân. Lợi thế về địa lý và khí hậu của Việt Nam có thể đảm bảo được việc đủ rau củ quả trong nội địa cũng như đem lại giá trị xuất khẩu cao.

Nhóm cây được liệu được ông Ngọc nhận xét có thể mang lại giá trị kinh tế cao gấp 30 lần nhóm cây truyền thống như lúa, ngô… Tuy nhiên, nhóm cây này vẫn chưa thực sự được quan tâm đầu tư sản xuất cũng như chế biến để đưa vào các sản phẩm nông nghiệp khác (ví dụ như sữa bò) để làm gia tăng giá trị.

Đi tìm lực đẩy

Theo quan điểm của Bộ trưởng Cao Đức Phát, giải pháp về chính sách có vai trò hết sức quan trọng tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu trồng trọt.

Cụ thể, các chính sách quan trọng nhất phải hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thay thế những cây trồng có giá trị thấp bằng những cây trồng có giá trị cao hơn kể cả ở trên đất trồng lúa.

Đồng thời, phải làm sao mà ở mức đầu tư như hiện nay nhưng có hiệu quả cao hơn bằng cách tập trung cao hơn cho những cây trồng lợi thế. Việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt cũng cần cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành cùng với nông dân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

Để thay đổi nhận thức của bà con nông dân cũng như cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền trong nhân dân để tạo ra sự đồng thuận và thống nhất cao trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu đến từng địa phương, các cấp ở cơ sở.

“Phối hợp đồng bộ giải pháp” là cụm từ không xa lạ nhưng việc thực kiện rốt ráo đòi hỏi nhận thức thông suốt từ cấp Trung ương đến địa phương. Việc tái cơ cấu ngành trồng trọt cũng không phải là một ngoại lệ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh không nhất thiết phải sản xuất để tự cung cấp cho nhu cầu của mỗi địa phương các loại lương thực, thực phẩm mà điều kiện hiện nay cho phép chuyển mạnh sang sản xuất những loại cây trồng đem lại thu nhập cao. Việc gia tăng sản lượng thì mới tăng thu nhập cho nông dân mà cái chính là phải lựa chọn những cây trồng có lợi thế và cách làm phù hợp để có thu nhập cao hơn cho nông dân.

“Ví dụ như cây lúa, chúng ta cần phải tập trung để nâng cao hiệu quả để có thu nhập cao hơn thay vì sản xuất ra nhiều loại lúa gạo mà có chất lượng thấp, tiêu thụ khó khăn và có khi làm giảm giá, giảm thu nhập của nông dân”, ông Cao Đức Phát nói.