ThienNhien.Net – Theo KTS Đặng Văn Doanh, làm được việc này mà không cần thay đổi kiến trúc, kết cấu, giá thành rẻ, bền và người dân có thể tự triển khai.
Nhà ở cho người dân vùng lũ, lụt đang được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các thành phần xã hội trong và ngoài nước. Trước đó, VOV Online đã có bài viết với nhan đề “Giải pháp xây nhà ở chống lũ, lụt chủ động với giá 100 triệu đồng”.
Phóng viên VOV Online đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư ông Đặng Văn Doanh, Trưởng nhóm nghiên cứu Greenarchi (tác giả của giải pháp nhà ở chống lũ, lụt chủ động EBH Greenarchi 2.0 và là người đầu tiên triển khai thành công nhà làm bằng bao cát tại Việt Nam) về vấn đề này.
Thưa ông, dưới góc độ là kiến trúc sư, trong quá trình nghiên cứu cho giải pháp nhà ở chống lũ, lụt chủ động, ông đánh giá như thế nào về các nguyên nhân, đặc điểm lũ, lụt ở Việt Nam?
Ông Đặng Văn Doanh: Trong quá trình nghiên cứu giải pháp chống lũ chủ động EBH Greenarchi 2.0, chúng tôi đã thu thập các nguồn tư liệu, tiến hành nghiên cứu, đánh giá và tạm nêu đặc điểm các vùng lũ, lụt ở Việt Nam như sau:
Trước tiên, về nguyên nhân chung của lũ, lụt là do các trận mưa bão ở miền thượng lưu, nạn phá rừng, khai thác cát, sỏi, hệ thống kênh rạch, sông ngòi, đê ngập mặn, thủy điện…
Về lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long: Ủy ban Quốc tế Sông Mekong đánh giá, các cơn lũ bắt đầu khi nước sông Cửu Long dâng cao làm ngập vùng Savannakhet và Pakse ở miền Nam Lào rồi đến vùng Kratie ở miền Đông Campuchia.
Nước lũ từ thượng lưu theo sông Tiền và sông Hậu chảy vào nước ta rồi thoát ra biển Đông. Mùa lũ thường kéo dài từ cuối tháng 6 cho đến cuối tháng 12 và được chia ra ba giai đoạn.
Trong giai đoạn 1, từ tháng 7 đến tháng 8, nước lũ chảy vào các kênh và các mương rạch thiên nhiên vùng Đồng tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên. Cao điểm lũ lụt xảy ra trong giai đoạn 2 khi mực nước sông Tiền ở Tân Châu cao hơn 4,2 m, và mực nước sông Hậu ở Châu Đốc cao hơn 3,5 m. Giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 10 khi mực nước hạ thấp dần cho đến cuối tháng 12.
Với lũ, lụt ở Miền Trung (bao gồm Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận). Với bờ biển dài khoảng 1.200 km, có nhiều sông tương đối lớn như Sông Gianh ở Quảng Bình, Sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, Sông Hương ở Huế- Thừa Thiên, Sông Thu Bồn ở Quảng Nam, Sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi. Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng. Những năm gần đây, do ảnh hưỡng của biến động thời tiết trên toàn thế giới như dòng nước El Nino và La Nina, những trận bão biển và mưa lớn xảy ra càng khốc liệt hơn. Mùa bão thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11, và trung bình hàng năm có 4 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới, 23 đợt gió mùa Đông Bắc. Ngoài ra, nạn phá rừng, việc xả lũ thủy điện làm trầm trọng hóa lũ, lụt của vùng này. Do vậy, đặc điểm lũ, lụt ở vùng này là lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh. Lũ, lụt kéo dài từ vài ngày đến hàng tuần. Mực nước dâng cao vài mét và tình hình sẽ phức tạp hơn trong thời gian tới.
Còn với lũ, lụt ở đồng bằng Sông Hồng nói riêng và miền Bắc nói chung là những trận mưa lớn ở thượng lưu và vùng đồng bằng, những trận mưa lớn do các cơn bão biển Đông và gió mùa Tây Nam. Các nguyên nhân khác như nạn phá rừng, xả lũ thủy điện chỉ có thể làm lũ lụt trầm trọng hơn mà thôi.
Chúng ta đã biết hậu quả của lũ, lụt gây ra hàng năm là rất nặng nề, xin ông cho đánh giá thêm về vấn đề này?
Ông Đặng Văn Doanh: Thật khó thống kê được đầy đủ hậu quả của lũ lụt đã, sẽ và đang gây ra hàng năm mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Tôi chỉ biết nói rằng nó rất khủng khiếp, nó ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống người dân.
Chúng ta đều đã biết, sau lũ rồi lụt, lội, hàng trăm người chết hàng năm, giao thông gần như tê liệt, những công trình hạ tầng bị tàn phá, những cánh đồng cây cối hoa mầu, gia súc, gia cầm bị chết trong biển nước mênh mông. Kéo theo đó là những thảm họa lương thực, thảm họa y tế, vệ sinh môi trường. Đời sống văn hóa, tinh thần cho không chỉ những vùng lũ lụt mà nhiều vùng lân cận đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tài chính của quốc gia hàng năm chi phí cho việc này là rất lớn. Tình trạng này sẽ không giảm mà sẽ tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu, mà rất không may cho chúng ta lại là một trong mười nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Vậy theo ông, chúng ta sẽ phải làm gì để khắc phục điều này?
Ông Đặng Văn Doanh: Như tôi đã phân tích ở trên, chúng ta thấy những nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra lũ, lụt. Chúng ta sẽ có những vấn đề có thể khắc phục được và những vấn đề không thể khắc phục được mà chỉ có thể đối phó với chúng.
Ở các nước phát triển, văn minh, giầu có như Nhật Bản, Hà Lan, Australia… họ có những giải pháp tổng thể, toàn diện để giải quyết vấn đề này như quy hoạch tổng thể, đồng bộ hệ thống dòng chảy, đập tràn, hệ thống các công trình kiến trúc xây dựng khác kết hợp với một số giải pháp cảnh báo thiên tai tân tiến, chính xác và khá tốn kém.
Họ ý thức trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu rất tốt. Còn chúng ta vẫn chưa làm tốt được điều đó. Không những vậy, nhiều nguyên nhân chủ quan của của chính chúng ta đã làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Những hình ảnh từng đoàn người của nhiều tổ chức, cá nhân cứu trợ vùng lũ lụt quá quen thuộc trên các phương tiện truyền thông hết năm này qua năm khác. Như vậy, theo tôi, về mặt vỹ mô, các nhà quản lý cần hoạch định chiến lược cùng các nhà chuyên môn trong vấn đề này phải nhanh chóng nghiên cứu triển khai việc điều tiết dòng chảy, hệ thống đập tràn, các mô hình vĩ mô của các nước văn minh đã triển khai thành công.
Mặt khác, phải ngăn chặn khẩn cấp nạn phá rừng, tài nguyên và khoáng sản, phải tiến hành đánh giá minh bạch tác động của các thủy điện, hệ thống thủy lợi và các nguyên nhân khác để có hướng giải quyết hợp lý.
Về giải pháp cho không gian sống chống lũ, lụt chủ động cho người dân, chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành được nếu có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành một cách đắc lực.
Chúng ta sẽ làm được điều mà chính quyền và người dân địa phương vùng lũ, lụt cần là được an toàn trong một ngôi nhà quen trong giai đoạn lũ, lụt. Ngôi nhà có khả năng chịu được đỉnh lũ cao, có khả năng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, có tính tùy biến cao, chống nóng, chống lạnh.
Ngôi nhà phải có giá thành xây dựng thấp, bền vững, tính kiến trúc, sự hài hòa với không gian kiến trúc chung. Khai thác được tối đa vật liệu địa phương với thời gian thi công nhanh chóng, đơn giản để có thể tận dụng các nguồn lực từ chính quyền và nhân dân.
Áp dụng được đại trà cho các khối công trình khác như chuồng gia súc, gia cầm, sân vườn… Mặt khác, chúng ta hoàn toàn có thể biến những ngôi nhà bình thường hiện nay thành ngôi nhà phòng, chống lũ chủ động mà không cần thay đổi kiến trúc, kết cấu, kỹ thuật đơn giản, giá thành rẻ, bền vững và người dân có thể tự triển khai.
Xin cảm ơn ông!
Sau một thời gian khá dài nghiên cứu, nhóm Greenarchi đưa ra giải pháp cho ngôi nhà phòng, chống lũ, lụt chủ động, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, có tuổi thọ hàng trăm năm, tính nhân văn cao, có ý nghĩa xã hội lớn, với tên gọi EBH Greenarchi 2.0. Nó thỏa mãn được hầu hết các nhu cầu cốt lõi của người dân, giúp chính quyền thuân lợi hơn trong việc tổ chức quản lý, hướng dẫn người dân tự triển khai xây dựng một cách nhanh chóng, đơn giản.
Vật liệu làm tường nhà chủ yếu bằng bao cát nên có khả năng chống lũ có vận tốc dòng chảy lớn, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không gây ảnh hưởng môi trường ngay cả giai đoạn thi công, tận dụng được rác thải (vỏ bao tải). Nhà mẫu tại ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã được xây dựng với công nghệ này. |