ThienNhien.Net – Mùa lũ ở các huyện Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) được người dân xem là “mùa cá tôm”, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng cào điện, xung điện trong đánh bắt cá đang diễn ra tràn lan khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt và đe dọa trực tiếp tới tính mạng người đánh bắt.
Từ đầu mùa lũ, một số người dân các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng của tỉnh Long An đã dùng xung điện bắt cá trong ruộng và kênh rạch nội đồng. Đến thời điểm nước lũ rút, nhiều người dùng ghe và cào điện xuống tận lòng sông để đánh cá.
Ông Tô Văn Chảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng cho biết: Từ đầu mùa lũ tới nay, đơn vị đã phối hợp với công an các xã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sử dụng xung điện đánh bắt cá. Tuy nhiên, việc đánh bắt cá bằng xung điện trong nội đồng rất khó phát hiện và xử lý.
Việc sử dụng bình ắc quy và bộ kích điện để đánh bắt cá đã xuất hiện từ lâu và đang trở thành công cụ mưu sinh của nhiều gia đình trong vùng lũ. Người dân có thể tự mua bình ắc quy và dây điện về tự chế tạo hoặc mua bộ kích điện bán sẵn với giá chưa tới 2 triệu đồng/bộ. Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện rất đơn giản, chỉ cần kích điện là tất cả các loại cá lớn, nhỏ trong bán kính 2 – 3m đều bị chết hoặc nổi lên mặt nước. Sau đó, người dân dùng lưới, vợt để vớt cá, tôm.
Không chỉ dùng bình ắc quy nhỏ, nhiều người còn sử dụng cào điện công suất lớn, trang bị cả ghe, lưới để quét sạch các loại thủy sản trên diện rộng. Trung bình mỗi ngày người sử dụng xung điện bằng bình ắc quy cầm tay có thể bắt được gần chục kilogam thủy sản các loại, còn với các ghe cào điện thì số thủy sản thu được tăng lên từ 3 -5 lần. Chính do cách khai thác tận diệt này mà nguồn lợi thủy sản trên các kênh, rạch vùng Đồng Tháp Mười bị suy giảm đáng kể và đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Các dụng cụ xung điện không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên mà còn là “lưỡi hái tử thần” đe dọa tính mạng người đi đánh bắt cá. Trường hợp anh Võ Thành Đô, , ở ấp 2, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước là một ví dụ. Anh Đô dù đã có công việc ổn định nhưng lại có sở thích bắt cá đồng về ăn cùng bạn bè. Một ngày cuối tháng 9, trong lúc dùng bộ kích điện mua sẵn để bắt cá ở ao nước gần nhà, anh Đô bị điện giật gây tử vong, để lại người vợ trẻ và đứa con trai mới 3 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch xã Tân Trạch, huyện Cần Đước cho biết: Dù đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của việc sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, thậm chí bị tịch thu bình ắc quy, cần kích điện nhưng một số người dân vẫn cố tình vi phạm. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ phối hợp với các ban ngành, đến từng nhà tuyên truyền để người dân bỏ nghề đánh bắt cá bằng xung điện; đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp để giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản và đảm bảo tính mạng cho người dân.