Kỳ 1: “Khát” ở các khu tái định cư…
ThienNhien.Net – Quy hoạch thủy điện của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều đợt điều chỉnh nhưng số công trình thủy điện trong quy hoạch vẫn còn quá lớn, mật độ quá dày đặc trên các lưu vực sông. Chuyện khai thác thủy điện tác động xấu đến môi trường và xã hội nghiêm trọng; đặc biệt là các sự cố thủy điện xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua như rò rỉ nước, động đất ở thủy điện Sông Tranh 2, việc xả lũ ở thủy điện A Vương trước đây gây ngập vùng hạ du trong mùa mưa, việc thủy điện Đăk My 4 “chuyển nước” gây khô hạn vùng hạ lưu sông Vu Gia và những vấn đề xã hội khác như công tác TĐC của người dân nhường đất cho thủy điện… vẫn còn quá bất cập, chưa có lời giải…
Khát đất sản xuất…
Xã Mà Cooih, H. Đông Giang có 2 khu TĐC thủy điện A Vương là Pache Palanh và Cut Chrun với gần 300 hộ dân được chuyển về từ năm 2006. Để bảo đảm cuộc sống và sản xuất cho đồng bào Cơ Tu nằm trong vùng lòng hồ thủy điện A Vương phải di dời đến nơi ở mới, năm 2005, Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (chủ dự án) cùng với chính quyền địa phương đã xây dựng các khu TĐC trên vùng đất cao với đầy đủ cơ sở hạ tầng như: giao thông, điện thắp sáng, đường ống nước, bể chứa nước, trường học… với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
Có thể nói, việc đầu tư xây dựng các khu TĐC để sớm di dời dân vùng lòng hồ A Vương về nơi ở mới ổn định cuộc sống và sản xuất là chủ trương đúng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ dự án với chính quyền địa phương trong việc thăm dò, khảo sát, nhất là việc tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân, cho nên sau khi xây dựng các khu TĐC, đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
Đó là địa điểm xây dựng cũng như thiết kế xây dựng nhà ở không phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi cao. Các ngôi nhà xây dựng liền kề san sát nhau trên một quả đồi được san ủi theo kiểu ruộng bậc thang, không có sân vườn, chuồng trại nhốt gia súc. Đất đai ở đây cằn cỗi, người dân muốn có đất sản xuất phải đi xa cách nơi ở 5-7 km. Bên cạnh đó, người dân lại nơm nớp lo sợ nhà bị sập do sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ đến.
Mặc dù theo quy hoạch, mỗi nhà được xây dựng trên diện tích 400m2 (kể cả sân vườn) và 1.000m2 đất sản xuất, song đã gần 10 năm trôi qua, diện mạo của khu TĐC này chưa có nhiều thay đổi. Anh Hội Khia ở khu TĐC Cút Chrun cho biết: “Đất ở đây xấu lắm, trồng cây lúa, cây sắn cũng không lên được. Mà lại ít hơn chỗ cũ nhiều. Đường đi cũng đã xuống cấp, xấu lắm rồi, khó đi lắm”. Và để cải thiện cuộc sống, từ nhiều năm nay vợ chồng Hội Khia hàng ngày về lại nơi ở cũ, khu vực chưa ngập nước và chưa được đền bù để trồng lúa, trồng keo…
Ở các khu TĐC trên địa bàn xã Mà Cooih, hầu như nhà nào cũng phải làm thêm nhà gỗ truyền thống để ở. Bởi theo lý giải của già làng Hội Blơn (99 tuổi), ở khu TĐC Cút Chrun thì “mùa nắng ở trong nhà xây nóng lắm, phải xuống dưới đất hoặc làm nhà gỗ để ở. Còn mùa mưa thì không ngủ được vì mái tôn nó kêu to quá. Dân ở đây nuôi con bò, làm lúa nước nhưng nhà ở san sát như vậy thì không được, mất vệ sinh lắm”…
Ông Nguyễn Tài, Chủ tịch UBND xã Mà Cooih trăn trở: Năm 2006, khu TĐC Pache Palanh có 120 hộ chuyển về, đến nay đã phát sinh lên đến 170 hộ; còn tại khu TĐC Cút Chrun lúc mới chuyển có 96 hộ, nay đã lên đến 140 hộ. “Vấn đề đặt ra là 96 hộ phát sinh từ năm 2006 đến nay không có đất sản xuất. Chính quyền địa phương đang rất lúng túng trong việc tìm giải pháp khắc phục. Trước mắt, địa phương xin chủ trương của tỉnh cho phép lấy 38ha đất (đồi) ở khu TĐC Cút Chrun để cấp cho các hộ mới phát sinh nhằm ổn định cuộc sống lâu dài cho họ”, ông Tài cho biết.
Khát nước sinh hoạt…
Trở lại khu TĐC thôn 3 xã Trà Đốc, H. Bắc Trà My thuộc công trình thủy điện Sông Tranh 2 – nơi mà thời gian gần đây, người dân phải chịu cảnh “sống cùng động đất”. Mới đầu giờ chiều nhưng hầu hết người già, trẻ nhỏ trong thôn dắt díu nhau xách xô, can nhựa đi… xin nước cách đó khoảng 1km. Theo họ, công việc này diễn ra thường xuyên từ năm 2011 đến nay. Mặc dù được đầu tư xây dựng hệ thống chứa nước sinh hoạt kiên cố, tuy nhiên tất cả đều trơ đáy, vòi nước hư hỏng, ống nước thay vì được kết nối từ đầu nguồn thì được đấu nối vào ống nước từ… mái nhà, khô khốc giữa trời nắng. Hỏi vì sao không có nước dùng, ai cũng thở dài, có người còn mỉa mai rằng, có nói thì các chú cũng chẳng giải quyết nổi.
“Phóng viên về đây nhiều rồi, hỏi han, tìm hiểu cũng nhiều, nhưng rồi có thay đổi được gì đâu”, bà Hồ Thị Đ., thôn 3 nói. Một số người dân còn kể lại câu chuyện khá khôi hài: cách đây mấy năm, khi có một lãnh đạo cấp cao về thăm hỏi, tìm hiểu đời sống người dân ở khu TĐC thôn 3 xã Trà Đốc. Đến nơi, nhìn cảnh nước sinh hoạt chảy tràn trề, vị lãnh đạo ghi nhận và biểu dương chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và đơn vị khai thác công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã làm tốt công tác TĐC cho người dân. Tuy nhiên, khi đoàn quay về chưa được bao lâu thì đâu lại vào đấy. Người dân lại tiếp tục “điệp khúc” xách xô, thùng nhựa đi hàng cây số xin nước về dùng.
Khát nước sinh hoạt, đất sản xuất trầm trọng, tại khu TĐC thôn 3 xã Trà Đốc gần đây xuất hiện tình trạng người dân bán nhà TĐC hoặc bỏ không để tìm về nơi ở cũ khai hoang đất sản xuất. Với họ, “ở chỗ cũ đi lại khó khăn, xa xôi một tí nhưng muốn trồng cây rau, nuôi con gà con vịt, gia súc gia cầm lại thuận tiện gấp mấy lần, nước nôi sinh hoạt lại thoải mái… Ở đó, chuyện thiếu đói, ăn kham mặc khổ không dễ gì xảy ra”, anh Đinh Văn Liên, thôn 3 Trà Đốc khẳng định.
Khát chuyện thoát nghèo…
Câu chuyện giải quyết “hậu TĐC” tại một số khu TĐC thủy điện ở Quảng Nam hiện đang rất nan giải. Điển hình như dự án thủy điện Sông Tranh 2 đã khiến cho 1.046 hộ gia đình phải di dời TĐC. Hay như trường hợp 69 hộ dân ở hai khu TĐC thôn 2, xã Phước Hòa và thôn Nước Lang, xã Phước Xuân (H. Phước Sơn) nhường đất cho công trình thủy điện Đăk Mi 4.
Tại các khu TĐC của 2 công trình thủy điện này, theo phản ánh của người dân, khi về nơi ở mới và nhận đất sản xuất, tình trạng chung là đất được cấp rất ít và kém màu mỡ nên thu nhập kém. Nhiều người dân phải vào rừng khai thác gỗ trái phép, săn bắn động vật, đốt rừng để lấy đất sản xuất. Tại Thủy điện Sông Bung 4, sau khi TĐC người dân chỉ nhận được 1,5 ha đất đền bù, quá ít so với chỗ ở trước. Người dân còn mất đi nguồn thu nhập từ việc đánh bắt thủy sản và khai thác “lộc rừng”… Chương trình phục hồi sinh kế (LRP) đã được thiết lập tuy nhiên cũng không thể phục hồi sinh kế cho người dân TĐC.