ThienNhien.Net – Hai cơn mưa lớn, gây ngập tầng hầm giữ xe, làm một người chết và làm hư hỏng nhiều xe hơi tại TPHCM đã khiến không ít người dân băn khoăn về mức độ an toàn của các công trình ngầm. Đặc biệt, TPHCM đang xây dựng hàng loạt công trình ngầm như metro, bến bãi đậu xe dưới lòng đất hàng mấy chục mét. Trong khi đó, thời tiết thành phố, mưa với vũ lượng lớn đang ngày một nhiều…
Vấn đề kỹ thuật
“Người dân không nên lo lắng quá về mức độ an toàn của các công trình ngầm trước tình trạng ngập của thành phố”, ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, khẳng định.
Theo ông Hoàng Minh Trí, với công nghệ xây dựng hiện đại, các công trình ngầm hoàn toàn có thể được an toàn trước những cơn mưa lớn. “Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, nằm sâu dưới lòng sông hàng chục mét, cửa hầm phía quận 2 tiếp giáp ngay với vùng đất thấp, cỏ lau còn mọc um tùm, đâu có bị ngập trong những cơn mưa lớn vừa qua? Nhiều cao ốc khác gần cao ốc có tầng hầm bị ngập ở quận 1 gây chết người vừa qua, cũng có tầng hầm… nhưng đâu bị ngập. Vậy tại sao một số công trình an toàn trước các cơn mưa lớn, còn số khác thì không? Theo tôi có vấn đề về kỹ thuật xây dựng ở các công trình này!”, ông Hoàng Minh Trí lập luận.
Đã từng cùng đoàn lãnh đạo của TPHCM qua Bangkok (Thái Lan) làm việc về những giải pháp chống ngập trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến thời tiết, trong thời gian Bangkok bị “trận đại hồng thủy” gây ngập gần 2 tháng, ông Hồ Long Phi, Phó Giám đốc Ban điều hành chương trình chống ngập TPHCM, Giám đốc Trung tâm Nước và biến đổi khí hậu TPHCM thuộc Đại học Quốc gia TPHCM nhận xét, mặc dù nước chảy tràn, gây ngập nhiều tuyến đường trong nội đô Bangkok nhưng hệ thống metro nằm sâu dưới lòng đất của thành phố này cơ bản vẫn an toàn.
Công nghệ xây dựng hiện đại đã tạo điều kiện cho các kỹ sư xây dựng làm được các bức tường ngăn nước và tiến hành dẫn dòng, đưa nước thoát ra, bảo vệ hệ thống metro. Lối vào dành cho hành khách của các tuyến metro được xây cao, nước từ đường không thể tràn tới. Hệ thống metro ở TPHCM được xây dựng với công nghệ hiện đại, chắc chắn cũng sẽ được bảo vệ an toàn trước những cơn mưa lớn.
“Lệch pha” do tầm nhìn?
Khẳng định chắc nịch như trên nhưng ông Hoàng Minh Trí vẫn cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ngày một cao, tình trạng ngập ở TPHCM cần được giải quyết hiệu quả hơn để các công trình ngầm được bảo vệ tốt hơn. Các bức ngăn bảo vệ hệ thống metro hay bậc thang cao của các lối vào metro dù được xây dựng kiên cố, vững chắc nhưng sức chịu đựng của chúng cũng nằm trong giới hạn thiết kế. TPHCM đã có bài học về sự giới hạn này.
Các tuyến cống vừa mới được lắp đặt ở các lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé… được thiết kế với công suất tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng khoảng 80 – 85mm trong thời gian mưa 3 giờ. Nhưng những cơn mưa gần đây lại có vũ lượng lớn và mưa lại dồn dập chỉ trong khoảng nửa giờ. Nhiều khu vực ở TPHCM bị ngập sâu trong những cơn mưa vừa qua, chủ yếu do sự “lệch pha” này.
Xây dựng hồ điều tiết và lắp đặt hệ thống bơm nước… là những giải pháp mà ông Hoàng Minh Trí cho rằng cần phải được triển khai ngay để giải quyết hiệu quả hơn tình trạng ngập nước ở thành phố cũng như để bảo vệ nhiều công trình ngầm đang được triển khai. Gần 20 năm trước, trong quy hoạch thoát nước mưa do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản hỗ trợ TPHCM thực hiện, có xác định nhiều khu vực cần xây dựng hồ điều tiết nước. Yêu cầu này cũng đã được cập nhật vào đồ án Quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025.
Tuy nhiên, đã 4 năm kể từ khi đồ án Quy hoạch xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM gần như vẫn chưa triển khai xây dựng được hồ điều tiết nào, ngoại trừ một số hồ nhỏ được hình thành từ việc cải tạo các hồ nước có sẵn trong công viên.
Mặc dù hệ thống công trình ngầm của thành phố, đặc biệt là hệ thống metro sẽ được xây dựng với các công nghệ tối ưu nhưng việc chậm xây dựng các hồ điều tiết nước cùng việc triển khai các giải pháp chống ngập khác vẫn là mối lo cho sự an toàn của các công trình ngầm, bởi như một chuyên gia về môi trường, xin được phép giấu tên, nhận xét: “Không biết ông trời mấy tuổi” để mà lường cho hết. Do vậy, cảnh giác vẫn tốt hơn.