ThienNhien.Net – Cùng với ba nhánh sông, suối khác, sông Năng có vai trò rất quan trọng đối với thủy văn, môi trường sinh thái, môi trường sống của các loài cá, đa dạng sinh học, điều hòa mực nước hồ Ba Bể (Bắc Cạn) lên, xuống tự nhiên. Tuy nhiên, dư luận trên địa bàn đang rất lo ngại khi Nhà máy thủy điện Sông Năng được xây dựng, chặn dòng điều hòa nước hồ Ba Bể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến danh thắng nổi tiếng này.
Trên độ cao 178m so với mực nước biển, hồ Ba Bể rộng khoảng 500ha, dài 8km, rộng từ 500 – 800m, sâu từ 17 – 23m, nằm giữa Vườn quốc gia Ba Bể, chung quang là rừng nguyên sinh trên núi đá vôi bao bọc. Chảy vào hồ Ba Bể có ba sông, suối là Tà Han, Bó Lù, Chợ Lèng. Đồng thời, phía tây – bắc hồ Ba Bể tiếp giáp với sông Năng trước khi chảy xuống thác Đầu Đẳng sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Vì thế, sông Năng có chức năng điều hòa mực nước, thủy văn hồ Ba Bể, khi có lũ, nước sông Năng đổ vào hồ Ba Bể, khi cạn thì nước hồ chảy ra sông Năng cho nên mực nước hồ Ba Bể lên, xuống tuân theo quy luật tự nhiên. Điều đó đã tạo cho hồ Ba Bể có sự đa dạng về hệ cá nước ngọt vào bậc nhất ở nước ta, với 105 loài, trong đó có một số loài quý hiếm như cá cóc bụng hoa, một loài ếch nhái đặc hữu.
Khu vực hồ Ba Bể là danh lam thắng cảnh nổi tiếng bởi quần thể tự nhiên, bao gồm hồ nước, sông, suối, hang động, rừng núi, khí hậu ôn hòa, trong lành. Năm 1995, hồ Ba Bể được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ; năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Di sản ASEAN; năm 2011, hồ Ba Bể được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là Vùng Ramsar thứ ba của nước ta (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) và năm 2012, hồ Ba Bể được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt. Do đó, hồ Ba Bể rất có giá trị về cảnh quan, bảo tồn thiên nhiên, hệ động, thực vật, môi trường sinh thái tự nhiên và có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái. Tuy nhiên, các giá trị ấy đang bị đe dọa khi Nhà máy thủy điện Sông Năng được xây dựng trên dòng sông Năng, con sông có ý nghĩa điều hòa mực nước hồ Ba Bể.
Năm 2009, UBND tỉnh Bắc Cạn phê duyệt dự án thủy điện Sông Năng với công suất 5 MW, tại thôn Nà Nộc, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể với diện tích sử dụng (bao gồm cả hồ chứa nước) là 103 ha, đã qua ba chủ đầu tư, hiện nay là Công ty TNHH một thành viên Thủy điện Sông Năng.
Thời gian vừa qua, chủ đầu tư đã triển khai nhiều công việc của dự án, như thiết kế, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình điện, đường giao thông vào khu vực xây dựng nhà máy, đặt cọc chế tạo máy… với chi phí hơn 26 tỷ đồng.
Ngày 22-11-2012, UBND tỉnh Bắc Cạn ban hành Thông báo 147/TB- UBND yêu cầu: Tạm dừng dự án, vì báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM) đã được phê duyệt từ năm 2009 không phù hợp với hồ sơ thiết kế cơ sở hiện tại (chủ đầu tư đã thay đổi hạng mục từ đập đất cao 33m sang đập bê-tông cốt thép).
Trong báo cáo ĐTM được phê duyệt năm 2009, chưa đề cập cụ thể tác động của dự án (nhà máy) tới kinh tế, xã hội, môi trường khu vực hạ lưu, trong đó có chế độ thủy văn sông Năng và hồ Ba Bể. Do đó, UBND tỉnh Bắc Cạn yêu cầu chủ đầu tư lập lại báo cáo ĐTM của dự án, trong đó cần làm rõ tác động của dự án đối với hồ Ba Bể và người dân sống ở khu vực hạ lưu đập, trình cơ quan chuyên môn thẩm định theo quy định. UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong quá trình lập, thẩm định báo cáo ĐTM cần xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ đầu tư dự án đã lập lại báo cáo ĐTM bổ sung. Ngày 10-7-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Cạn có Văn bản số 635/STNMT-CCBVMT về việc xin ý kiến bằng văn bản trước khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Thủy điện Sông Năng gửi các bộ, ngành chức năng. Đến nay, mới chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời tại Văn bản số 3286/BTNMT-TCMT ngày 6-8-2014, trong đó nêu rõ “dự án có điều chỉnh kết cấu thân đập để bảo đảm tính an toàn của công trình. Đây là những điều chỉnh về hạng mục công trình không làm thay đổi về vị trí, phạm vi dự án đã được phê duyệt báo cáo ĐTM và không thay đổi quy mô, công suất làm gia tăng mức độ tác động xấu đến môi trường. Do vậy, việc xem xét những điều chỉnh về nội dung báo cáo ĐTM của dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Bắc Cạn”.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Cạn Ngô Văn Viện cho biết: “Sau khi xin ý kiến báo cáo ĐTM của các bộ, ngành chức năng, Hội đồng đánh giá ĐTM của tỉnh đối với dự án thủy điện Sông Năng sẽ thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt”. Tuy nhiên, Hội đồng đánh giá ĐTM của tỉnh chỉ là sự tập hợp theo “cơ cấu”, bao gồm đại diện của các sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Văn phòng UBND tỉnh… Một số thành viên Hội đồng thẳng thắn: Bản thân không có chuyên môn về môi trường, làm thành viên của Hội đồng đánh giá ĐTM của dự án cho đủ thành phần “cơ cấu”.
Điều mà dư luận trên địa bàn băn khoăn là, trong Hội đồng đánh giá báo cáo ĐTM là những người không có chuyên môn sâu về môi trường, sinh thái, chuyên gia về bảo tồn di sản thì sự đánh giá, thẩm định báo cáo ĐTM của dự án tác động đến hồ Ba Bể, lưu vực sông Năng, đời sống, sản xuất của nhân dân có thấu đáo, khách quan, chính xác?
Mặt khác, những năm gần đây, vào mùa mưa, mực nước sông Năng dâng cao, độ dốc lớn, nước chảy xiết, mặc dù kết cấu thân đập đã được chuyển từ đập đất sang đập bê-tông, nhưng Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Văn Cường cho biết: “Sở chưa nhận được báo cáo thiết kế thân đập”. “Thiết kế thân đập phải được xem xét rất kỹ từ khảo sát, thăm dò địa chất đến thiết kế xây dựng bởi chuyên gia và cơ quan quản lý có thẩm quyền trước khi cho thi công xây dựng để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ lưu”- ông Cường khẳng định.
Dư luận nhân dân các xã vùng hạ lưu sông Năng lo ngại, vào mùa khô, lưu lượng nước sông Năng xuống rất thấp, khi được xây dựng, Nhà máy thủy điện Sông Năng sẽ chặn dòng tích nước phát điện thì hạ lưu sẽ cạn kiệt, dẫn đến thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, đời sống; việc lưu thông trên sông Năng bằng tuyền để phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân cũng sẽ rất khó khăn, nguồn lợi về thủy sản mà nhiều hộ kiếm sống bằng nghề chài lưới trên sông sẽ không còn. Sông Năng cạn kiệt khi bị chặn dòng, làm cho mực nước hồ Ba Bể sẽ xuống thấp, kéo theo thủy văn bị biến động mạnh, môi trường sinh thái tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ngô Văn Viện thừa nhận: “Mặc dù thiết kế xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Năng có cửa xả đáy, nhưng bản thân tôi cũng rất lo sẽ ảnh hưởng đến hồ Ba Bể và sẽ tác động đến đời sống, sản xuất, đi lại của nhân dân”.
Tua du lịch từ bến thuyền Buốc Lốm dọc sông Năng, qua động Puông với nhiều nhũ đá lộng lẫy, huyền ảo hấp dẫn du khách trước khi đến thác Đầu Đẳng, rẽ vào hồ Ba Bể. Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bắc Cạn Nguyễn Văn Hà khẳng định: “Khi Nhà máy thủy điện Sông Năng chặn dòng, tích nước để phát điện, mực nước hạ lưu cạn kiệt, tầu, thuyền mắc cạn, không thể đi lại được sẽ làm cho tua du lịch dọc dòng sông Năng vào hồ Ba Bể vốn hấp dẫn du khách sẽ “biến mất”.
Nhà máy thủy điện Sông Năng cần vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng, công suất 5MW, tỉnh Bắc Cạn cần đánh giá hiệu quả kinh tế mà nó mang lại cho chủ đầu tư, cho tỉnh; đặc biệt cần đánh giá đầy đủ, chính xác, khách quan những tác động tiêu cực của Nhà máy đối với danh thắng hồ Ba Bể, đối với du lịch, sản xuất, đời sống của hàng chục nghìn nhân dân ở vùng hạ lưu; đồng thời cần lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường, di tích, danh lam thắng cảnh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trước khi quyết định có tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy này hay không, bởi một khi danh lam thắng cảnh đặc biệt hồ Ba Bể bị tác động, làm thay đổi thì sẽ gây hậu quả xấu và không thể khắc phục được.