ThienNhien.Net – Quản lý rừng cộng đồng tại Quảng Bình là hình thức cộng đồng dân cư được giao quyền sử dụng dài hạn nguồn tài nguyên rừng để quản lý, bảo vệ và sử dụng lâu dài. Ðiều đó góp phần tăng độ che phủ của rừng và tạo ra nguồn thu nhập để bảo đảm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống trong khu vực rừng.
Quảng Bình có tổng diện tích rừng và đất rừng khá lớn (621.056 ha) chiếm 77% diện tích tự nhiên và đứng đầu cả nước về độ che phủ rừng. Ðể bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng, những năm qua bên cạnh các hình thức truyền thống, tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh việc giao rừng cho cộng đồng.
Bản Cổ Tràng thuộc xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, có 67 hộ với 280 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Từ bao đời nay, bà con sống chủ yếu dựa vào rừng, chặt, đốt, cốt, trỉa. Mặc dù một số hộ đã biết trồng lúa nước và phát triển kinh tế nhưng về cơ bản đời sống của người dân vẫn rất khó khăn. Ðược sự hỗ trợ của Ban quản lý Dự án khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, bà con ở bản Cổ Tràng được UBND huyện Quảng Ninh cấp gần 210 ha rừng tự nhiên có trữ lượng gần 33 nghìn m3 gỗ để quản lý, bảo vệ theo mô hình rừng cộng đồng. Bản Cổ Tràng thành lập ban quản lý rừng cộng đồng gồm bảy thành viên do trưởng bản làm trưởng ban, có nhiệm vụ cùng với các đoàn thể tuyên truyền, vận động dân bản không chặt phá rừng trái phép. Số tiền bảo vệ rừng 200 nghìn đồng/ha (hỗ trợ trong sáu năm liền) được dự án gửi vào một tài khoản ngân hàng để ban quản lý rừng cộng đồng bản chi trả cho hoạt động bảo vệ rừng. Mỗi chuyến tuần tra rừng, mỗi thành viên được trả 100-200 nghìn đồng. Anh Hồ Văn Giáo nói: “Ðược Nhà nước giao rừng cộng đồng, dân bản phấn khởi lắm. Bà con Vân Kiều chúng tôi vận động nhau không phá rừng làm nương rẫy và không cho người lạ vào rừng khai thác bừa bãi… Cứ mỗi tháng tham gia tuần tra bảo vệ rừng, mình được trả lương gần hai triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm cho gia đình”.
Sau hai năm giao rừng cho cộng đồng bản Cổ Tràng, khu vực rừng này không xảy ra nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật trái phép như trước. Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Sỹ cho biết: “Việc giao rừng theo mô hình cộng đồng cho bản Cổ Tràng giúp cho người dân trong bản có kế sinh nhai lâu dài. Mặt khác, dân bản quản lý rừng ngay tại nơi mình cư trú nên rất dễ phát hiện lâm tặc cùng với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn tạo thành ba lực lượng bảo vệ rừng hiệu quả”.
Bí thư chi bộ bản Phú Minh kiêm Phó trưởng ban bảo vệ rừng của bản Ðinh Tiến Hùng nói: “Bà con ở bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa được giao quản lý, bảo vệ 804 ha rừng khu vực đèo Ðá Ðẽo. Khu rừng này có nhiều gỗ quý nên lâm tặc hay đến khai thác. Có lần, tôi cùng các thành viên trong ban bảo vệ rừng đi tuần tra thì phát hiện một nhóm lâm tặc đang chặt gỗ. Số lượng lâm tặc khá đông, thái độ hung hăng nên tôi gọi thêm dân bản và chính quyền địa phương đến ngăn chặn. Nhờ cách giải thích “mềm dẻo”, có lý có tình nên nhóm lâm tặc phải rút lui. Từ đó, không còn đối tượng nào ngoài bản vào rừng cộng đồng của chúng tôi phá nữa”.
Giám đốc Ban quản lý Dự án khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng Nguyễn Trung Thực cho biết, nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), từ năm 2012 đến 2017, Quảng Bình giao khoảng 12 nghìn ha rừng ở khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho cộng đồng dân cư tại 13 xã. Từ năm 2012 đến nay đã giao hơn 5.200 ha rừng cho cộng đồng dân cư ở các huyện Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh. Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh Quảng Bình giao hết toàn bộ diện tích rừng mà tỉnh đã ký cam kết cho cộng đồng quản lý, bảo vệ.
Cùng với nguồn thu nhập hằng tháng từ công việc bảo vệ rừng, người dân tại các thôn, bản nhận quản lý, bảo vệ rừng được khai thác gỗ và các loại lâm sản khác dùng vào mục đích làm nhà và các vật dụng gia đình, với sự đồng ý của Ban quản lý và phải khai thác đúng kỹ thuật, không được ảnh hưởng đến những cây chung quanh. Về lâu dài, cộng đồng được giao rừng có quyền lợi được tận dụng và hưởng lợi nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng, nuôi động vật rừng, thu phí từ hoạt động tham quan du lịch, dịch vụ nghiên cứu khoa học…
Theo ông Nguyễn Trung Thực, thành công lớn nhất qua hai năm giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý là nhận thức về vấn đề bảo vệ rừng của người dân được nâng lên.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là đời sống của người dân ở những khu vực được giao rừng còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, khả năng sử dụng nguồn tài chính để duy trì đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng chưa cao. Mặt khác, năng lực quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng không dễ tạo lập ngay được mà phải có thời gian, do vậy việc hỗ trợ, giám sát thường xuyên của chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm là rất cần thiết.