ThienNhien.Net – Dự án đảo nước từ nam lên bắc ở Trung Quốc được xem là có thể gây ra những hệ lụy khôn lường cho môi trường và xã hội.
“Chất lượng nước ở Tương Dương sẽ giảm một cấp khi các đường dẫn nước hoạt động”, Yun Jianli, lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Hán Giang Xanh có trụ sở ở Tương Dương nói. “Là bởi vì lưu lượng nước giảm cũng làm giảm khả năng tự rửa trôi, tự làm sạch của các dòng sông”.
Các nhà nghiên cứu môi trường còn nói khi hệ thống “Nam thủy Bắc đảo” hoạt động hết công suất, chất lượng nước còn giảm nữa.
Sông chảy chậm đi cũng có nghĩa làm giảm tốc độ lắng đọng trầm tích dọc theo đáy sông, tăng ô nhiễm và giảm dưỡng chất phục vụ hệ sinh thái của sông.
Theo tính toán của chính quyền Tương Dương, mức nước sông Hán Giang (Hán Thủy) đoạn qua thành phố này sẽ giảm 0,51 – 0,82 m. “Chất lượng nước chắc chắn sẽ giảm mạnh và đây là kết luận không thể đảo ngược. Tình hình sẽ rất tồi tệ”, là một đánh giá của giới chức Tương Dương về ảnh hưởng của dự án đối với Hán Giang đoạn gần Tương Dương.
Để một phần chuẩn bị cho dự án, chính quyền tại đây đang tự chuyển đổi. Đầu tiên là cho giải tán các nhà máy giấy và hóa chất, từng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thành phố. Nay chính quyền phải loại bỏ bớt các yếu tố gây hại môi trường để giảm thiểu ô nhiễm Hán Giang.
Họ cũng chú trọng phát triển các lĩnh vực khác như du lịch. Nhưng để làm vậy, thành phố phải mở rộng thêm gấp ba, bốn lần hiện tại. Nhưng cũng có nghĩa là nước phục vụ sinh hoạt cũng sẽ phải tăng lên nhiều lần.
Tồi tệ hơn là tình trạng cả sông Dương Tử và Hán Thủy đều cạn nước hơn tính toán của dự án. Ví dụ, lượng nước dịch chuyển cho đường miền trung là dựa trên số liệu về lưu lượng nước của Hán Thủy đo đạc trong những năm 1950 và đầu những năm 1990.
Nhưng sau đó sông Hán Thủy cạn hơn do nhiệt độ tăng lên khiến hạn hán ở nhiều vùng phía nam xảy ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, lượng nước đưa vào lưu chuyển vẫn không được điều chỉnh.
“Điều này đặt ra câu hỏi vì sao chính phủ Trung Quốc tiêu cả đống tiền lớn chỉ để làm dịu bớt cơn khát nước ngọt của thủ đô Bắc Kinh. Người Bắc Kinh quan trọng hơn ư?”, Kristen McDonald, giám đốc chương trình Môi trường Thái Bình dương, chi nhánh Trung Quốc nói.
Mức nước sông Dương Tử cũng đang giảm xuống. Trong năm 2012, các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng, lượng nước góp vào dòng Dương Tử từ những khối băng tan trên cao nguyên Tây Tạng đã giảm 15% trong bốn thập kỷ đổ lại đây.
Và trong năm 2009, tổng trữ lượng nước ngọt của vùng lòng chảo Dương Tử giảm 17% so với mức của năm 2005.
Do vậy, cắt bớt 5% lưu lượng hằng năm như tính toán của dự án, thực tế là không hề nhỏ. Nhiều đoạn sông Dương Tử sẽ có mực nước rất thấp trong các tháng mùa khô, ảnh hưởng đến lưu thông đường thủy và “sức khỏe” của dòng sông.
Giới chức nói lưu thông thủy dọc sông Dương Tử, được xem là “đường bờ biển thứ hai” của Trung Quốc, sẽ không bị ảnh hưởng nhưng ngay ở thời điểm này, chính quyền nhiều địa phương đã phải nạo vét, khơi luồng đáy sông mỗi năm một lần để tàu bè có thể qua lại.
Mực nước giảm đi cũng đồng nghĩa là nước mặn từ biển sẽ xâm nhập sâu thêm. Các nhà máy dọc sông sẽ phải bỏ thêm chi phí xử lý nước, hoặc phải dùng nước có muối.
Nước sông Dương Tử bị ô nhiễm nay cũng sẽ được chuyển tới miền bắc, mang theo các loại bệnh như giun trong máu và bàng quang (bilharzia). Để giải quyết, người ta phải lắp đặt các hệ thống xử lý nước thải đắt đỏ .
“Với mục tiêu tăng gấp ba lần sản lượng điện của Trung Quốc, nhiều dòng sông sẽ không còn chảy trong vòng 10 năm nữa”, Ma Jun, giám đốc Viện các vấn đề Môi trường và công chúng, nói. |
“Dự án sẽ trở nên vô dụng nếu các vấn đề trên không được giải quyết”, nhà hoạt động môi trường Yang Yong nói. “Anh không những không xử lý được vấn đề cũ mà lại tạo thêm những vấn đề mới”.
Không những thế, vấn đề đáng báo động là thực hiện “Nam thủy Bắc đảo” đã phát sinh một loạt dự án con không ngờ tới, chỉ để giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Ví dụ nhiều địa phương giàu tài nguyên nước, lo ngại nay chính họ sẽ thiếu nước, đã cho xây dựng nhiều đập phụ cũng như hệ thống chuyển nước riêng. Đã có khoảng 1.000 đập được xây dựng trên sông Hán Thủy và các chi lưu của nó cùng hàng trăm đập, dự án thủy lợi trên Dương Tử.
Chính quyền nói họ có thể giải quyết bất cứ vấn đề gì phát sinh với môi trường sau khi hệ thống chuyển nước đã hoạt động, giống như xử lý các vấn đề liên quan đến đập khổng lồ Tam Hiệp hiện đang được xử lý.
Tuy nhiên, có vẻ nói điều này khó làm người dân yên lòng, khi chính Quốc vụ viện Trung Quốc đã dùng từ “các vấn đề khẩn cấp” gồm hàng ngàn vụ động đất và lở đất, thêm hàng chục ngàn người phải di dời, khi nói về đập Tam Hiệp.
Mới rồi, cơ quan chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra cáo buộc tham nhũng đối với một số quan chức liên quan đến đập Tam Hiệp, gồm các hành vi nhận hối lộ và dùng ảnh hưởng cá nhân tác động vào việc đấu thầu dự án.