ThienNhien.Net – Cao su là cây công nghiệp chủ lực và là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chính của cả nước. Hiện nay, ngành công nghiệp cao su đang gặp nhiều khó khăn do rớt giá, quy hoạch thiếu tập trung, đồng bộ. Ðể phát triển ngành cao su bền vững cần tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tránh những tác động tiêu cực của thị trường thế giới, bảo đảm đời sống và việc làm ổn định cho người dân trồng cao su…
Bài 1: Tái cơ cấu để phát triển
Theo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, mặc dù sản lượng sản xuất, mức tiêu thụ đều tăng trưởng hằng năm, nhưng lợi nhuận lại có xu hướng giảm do giá bán giảm sâu. Ðây là thời điểm khó khăn nhất của ngành cao su tính từ nhiều năm trở lại đây.
Ðối mặt với khó khăn
Cao su là một trong số những cây công nghiệp góp phần làm giàu cho nông dân và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Có những thời điểm cao su được ví như “vàng trắng”, với mức giá hơn 100 triệu đồng/tấn vào những năm 2010-2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá cao su đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 27-29 triệu đồng/tấn, thấp hơn cả mức giá sàn mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đề ra.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) Võ Sỹ Lực cho biết, trong 10 năm qua, diện tích cao su đã tăng gần gấp hai lần, từ 454 nghìn ha năm 2004 lên 955 nghìn ha năm 2013, vượt khoảng 115 nghìn ha so định hướng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tổng diện tích cao su của tập đoàn tính đến cuối năm 2013 là 392 nghìn tấn, diện tích cao su khai thác đạt hơn 168 nghìn ha, số còn lại đang trong thời gian chăm sóc, sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 2016-2020. Về sản lượng, đến năm 2013, sản lượng cao su cả nước đạt 959 nghìn tấn, tăng 34,4% so năm 2009 (bình quân 6,9%/năm). Và phần lớn diện tích cao su tăng nhanh là vào những năm từ 2007 đến 2011, đây có thể coi là thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su.
Từ năm 2012 đến tháng 6-2014, giá cao su sụt giảm liên tục do kinh tế thế giới phục hồi chậm, trong khi nguồn cung tăng nhanh làm lượng tồn kho cao, gây áp lực giá giảm và nhu cầu nhập khẩu chững lại. Tính riêng sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cao su cả nước giảm 11,7% về số lượng và 33% về giá trị so cùng kỳ, giá xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất, còn 1.979 USD/tấn.
Với giá bán quá thấp như hiện nay, người trồng cao su đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những hộ nông dân trồng với quy mô nhỏ (tiểu điền), hoặc vườn cây đã đến kỳ già cỗi. Tại nhiều địa phương, ngay cả những vùng được coi là cái nôi của cây cao su cũng đã xảy ra trường hợp người dân đốn bỏ cao su để tính toán chuyển sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ðến nay, trong cả nước đã có gần 4.000 ha cao su bị chặt bỏ, chủ yếu là vườn cao su tiểu điền; trong đó có 19% diện tích do không có lãi, còn lại là diện tích cao su được chặt thanh lý do mưa bão gãy đổ, già cỗi cần được tái canh…
Ðến Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng vào những ngày giữa tháng 9, điều chúng tôi nhận thấy đầu tiên là không khí lao động khẩn trương từ công nhân cạo mủ đến công nhân trong nhà máy chế biến. Không khí lao động nhộn nhịp phần nào xua đi nỗi lo ảm đạm về giá của ngành cao su trong bối cảnh hiện nay. Gặp Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng Trần Văn Du đang chuẩn bị đi tiếp xúc với công nhân trình bày về tình hình hoạt động kinh doanh, ông chia sẻ, khó khăn của công ty cũng là khó khăn của tập đoàn và của cả ngành do giá cao su thế giới liên tục sụt giảm. Hiện, giá bán của công ty đã xuống thấp hơn giá sàn mà tập đoàn đưa ra, điều này gây rất nhiều khó khăn và áp lực cho công ty về vấn đề bảo đảm lương cho cán bộ, công nhân viên. Cũng may, toàn bộ số cao su doanh nghiệp xuất khẩu đều theo hợp đồng với các đối tác ký từ năm trước nên giá vẫn giữ vững. Tuy nhiên, cứ theo đà giảm giá như vậy, công ty rất khó có thể giữ vững thu nhập bình quân cho cán bộ, công nhân viên là 4,5 triệu đồng/tháng. Cùng chung mối trăn trở với lãnh đạo công ty, Phó Quản đốc Nhà máy chế biến mủ cao su Bến Súc Nguyễn Văn Trai cho biết thêm, nhà máy có dây chuyền ly tâm sản xuất mủ cao su công suất 7.000 tấn/năm, với 165 cán bộ, công nhân viên, đơn vị nhiều năm hoàn thành tốt kế hoạch được giao. Nhưng hiện nay giá cao su xuống quá thấp đã khiến người lao động lo lắng về thu nhập của mình.
Lựa chọn cơ hội để tái cơ cấu
Theo Cục Trồng trọt, sáu tháng đầu năm 2014, giá cao su đã xuống mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua và vẫn đang có chiều hướng tiếp tục giảm mạnh. Trong khi đó, diện tích cao su cả nước những năm qua tiếp tục tăng mạnh, hiện đã vượt quy hoạch. Theo dự báo, ngành cao su sẽ tiếp tục dư thừa trong hai năm tới. Chính vì vậy, Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su. Ðồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo mủ để giảm giá thành. |
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Theo đó, cần bảo đảm Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là trồng, chăm sóc và chế biến cao su; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh; tích cực tham gia bảo đảm an sinh, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó nêu rõ, quy hoạch phát triển cao su phải trên cơ sở nhu cầu của thị trường. Khai thác, phát huy có hiệu quả lợi thế về đất đai, tự nhiên ở một số vùng để phát triển bền vững. Phát triển cao su theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng. Phát triển cao su phải gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến và thị trường để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Nhằm giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định phát triển sản xuất, về các giải pháp lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các ngành liên quan kiên trì phát triển cao su bền vững trên cơ sở tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả, không chạy theo diện tích, tập trung nâng cao tính bền vững, hiệu quả. Làm tốt việc trồng trọt để năng suất cao hơn, chi phí ít hơn. Ngoài ra, cần chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su.
Theo quy hoạch, đến năm 2015 tiếp tục trồng mới 150 nghìn ha, để diện tích cao su cả nước đạt 800 nghìn ha, sản lượng mủ đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD; mở rộng công suất chế biến trong năm năm đạt 360 nghìn tấn. Ðến năm 2020, diện tích cao su ổn định 800 nghìn ha, sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hai tỷ USD. |
Thời điểm này, tuy lợi nhuận từ việc trồng cao su không bằng những năm trước, nhưng người dân vẫn có thể thu lãi. Chính vì vậy, người dân chỉ nên chuyển đổi hoặc trồng mới những vườn cây có quá trình đầu tư và giống không tốt hoặc trồng trên loại đất không phù hợp. Ngành cao su cũng đã có giải pháp, thời gian tới là mùa trồng mới cao su, các đơn vị rà soát lại các dự án trồng mới. Những nơi nào tính toán trong dài hạn có lãi thì mới trồng mới, còn không thì kiên quyết không trồng. Thay vào đó, các doanh nghiệp, địa phương cần tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng. Theo nhận định, nhu cầu cao su của thế giới vẫn tăng, nhưng trước mắt việc dư thừa là nguyên nhân dẫn đến giá sụt giảm. Tuy nhiên, chênh lệch cung cầu sẽ rút ngắn dần trong vài năm tới nhờ kinh tế đang phục hồi. Chính vì lý do đó, các công ty cao su và các đơn vị liên quan cần thông tin rõ nguyên nhân và triển vọng của thị trường để người dân hiểu rõ bản chất của khó khăn hiện nay, bình tĩnh ứng phó để duy trì phát triển vì cây cao su là cây lâu năm, cần tính toán hiệu quả trên 25 năm. Ngành cao su cần rà soát quy hoạch, không chạy theo diện tích, thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành và kiên trì phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị giá tăng.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài còn cần những phương án đồng bộ ở cả tầm vĩ mô và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nông dân sản xuất cao su tiểu điền. Ngành cao su cần tập trung vào việc cải thiện khâu trồng trọt để năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn; đồng thời tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho chế biến sâu, giảm lệ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô.
(Còn nữa)