ThienNhien.Net – Nằm lọt thỏm giữa lòng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng, làng chài trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đác Som, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông) trông càng nhỏ bé, chông chênh khi những cơn mưa rừng ập đến, bốn bề rừng núi sâu thẳm, đen ngòm, mặt nước hồ thủy điện dậy sóng.
Kể từ khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước phát điện, người dân từ khắp nơi trôi dạt về đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, nuôi cá rồi hình thành nên làng chài này. Cuộc sống nay đây mai đó khiến cuộc đời của họ luôn dập dềnh theo con sóng, không biết bao giờ mới được neo đậu bến bờ.
Vất vả mưu sinh
Cả làng chài ấy có khoảng 50 hộ, chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả bên Campuchia trôi dạt về đây kể từ khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước để phát điện vào năm 2010.
Để tìm hiểu cuộc sống của các hộ dân ở làng chài, chúng tôi phải nhờ các cán bộ của Khu BTTN Tà Đùng dùng xuồng tuần tra đưa ra. Tháng 9, mùa mưa Tây Nguyên chưa dứt, mực nước lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 dâng cao như biển hồ mênh mông giữa núi rừng. Sau hơn nửa giờ ngồi trên chiếc xuồng nhỏ tròng trành giữa lòng hồ, chúng tôi đến với làng chài nhỏ hắt hiu, cô quạnh giữa mênh mông nước và núi rừng. Mỗi gia đình ở đây sinh sống trên một chiếc bè được làm bằng gỗ, ván và cây rừng ghép lại đặt trên những chiếc phao bằng thùng phuy hay những can nhựa lớn đỡ bè nổi trên mặt nước.
Chúng tôi ghé thăm chiếc bè của gia đình anh Nguyễn Văn Diên, 48 tuổi ở ngay đầu làng chài. Đúng vào lúc giữa trưa, cả làng chài đang chợp mắt sau một đêm thức trắng đánh bắt cá, còn anh Diên vẫn thức tranh thủ vá lại tấm lưới cũ để kịp cho chuyến đánh bắt cá tối nay. Vừa vá lưới, anh Diên vừa trò chuyện, quê anh ở tận xã Vĩnh Thạnh, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Do cuộc sống khó khăn nên anh không được học hành, ở nhà theo cha làm ruộng, nuôi cá sống qua ngày. Khi trưởng thành, anh đi làm thuê ở tỉnh Tiền Giang rồi quen và lập gia đình với một người con gái ở đây. Sau đó, hai vợ chồng làm nghề đánh bắt cá, làm thuê… lang bạt hết tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng và giữa năm 2010 trôi dạt đến lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 dựng bè mưu sinh cho đến nay.
`“Thời gian đầu, ít người đánh bắt, cá còn nhiều nên đỡ vất vả. Còn bây giờ, nhiều người đánh bắt quá, mỗi ngày chỉ kiếm được từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng nên không đủ trang trải cho gia đình. Dù vậy, vợ chồng tôi cũng gắn bó với nghề này để sống qua ngày chứ không biết làm gì hơn”, anh Diên bộc bạch.
Giữa trưa, thấy nhà anh Diên có khách chuyện trò rôm rả nên anh Nguyễn Văn Hậu, làm nghề nuôi cá lồng giữa lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 chèo xuồng ghé sang góp chuyện. Ngồi trên chiếc bè thấp lè tè, dưới mái tôn thấp nóng hừng hực, thỉnh thoảng có vài cơn sóng mang theo làn gió mát từ hồ thổi vào nhưng kèm theo đó là mùi hôi thối từ xác chết của cá, chất thải của gia súc… Chỉ tay về phía mấy rổ cá đang để trên bè của nhà mình, anh Hậu cho biết: “Đây là loại cá nhỏ tôi đánh lưới được để dành làm thức ăn cho cá nuôi nên bốc mùi vậy đó. Trước đây, loài cá nhỏ này dưới hồ nhiều lắm, mỗi ngày đánh lưới được cả tạ, còn bây giờ phải thức cả đêm nhưng cũng chẳng được là bao”.
Theo lời anh Hậu thì thời gian gần đây, do nguồn cá tự nhiên dùng làm thức ăn cho cá nuôi ngày càng cạn kiệt, nhiều chủ bè phải vay mượn tiền để mua thức ăn cho cá, nhưng do nguồn nước bị ô nhiễm, cá nuôi chậm lớn, thậm chí bị bệnh nên nhiều chủ bè bị thua lỗ nặng bỏ đi nơi khác kiếm sống.
Góp vào câu chuyện mưu sinh trên lòng hồ thủy điện, anh Võ Văn Tài, quê ở tỉnh Tiền Giang than thở: “Vợ chồng tôi dựng bè đánh bắt cá kiếm sống khi đứa con đầu lòng mới được năm tuổi. Lúc đầu là lòng hồ thủy điện Trị An, mình nghĩ làm một thời gian rồi lên bờ cất nhà làm ăn, nhưng rồi số phận cứ đưa đẩy hết hồ thủy điện Trị An đến lòng hồ Hàm Thuận 1-2, Thác Mơ, Đại Ninh và nay là hồ thủy điện Đồng Nai 3, đứa con đầu đã 20 tuổi nhưng vẫn chưa lên bờ được”.
Theo anh Diên, anh Hậu, anh Tài thì phận người mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá không bao giờ cất đầu lên được. Bởi cứ đến một nơi mới làm ăn được vài ba năm là nguồn lợi thủy sản tự nhiên bắt đầu cạn kiệt, muốn đầu tư làm lồng nuôi cá thì không có vốn, vay mượn không ai cho nên cứ thế hết hồ này lại đến hồ khác, nhiều gia đình ở đây trải qua năm, bảy hồ và hai ba đời theo nghề đánh bắt cá.
“Phận người đánh bắt cá của anh em chúng tôi cứ dập dềnh trôi nổi theo sóng nước, cứ nay đây mai đó không biết đâu là bến bờ của cuộc đời”, anh Diên buồn rầu buông miệng.
Chủ tịch UBND xã Đác Som K’Tang cho biết: “Hiện nay, có khoảng 50 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Các hộ dân ở đây thường xuyên dao động, lúc thì thuộc địa bàn xã Đác Som, lúc chuyển sang địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, địa phương cũng chỉ kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con làm ăn, sinh sống… Còn việc ổn định cuộc sống lâu dài cho những hộ dân này không thuộc thẩm quyền của xã”. Do không ở ổn định và cuộc sống khó khăn nên việc học hành của con em họ cũng hết sức bấp bênh, gập gềnh như những con đường mòn vượt sông suối, núi rừng lên đỉnh núi Tà Đùng vậy.
Khát vọng con chữ
Trở lại câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Văn Diên, anh chị có ba người con, do cuộc sống nay đây mai đó nên hai người con đầu chỉ học đến lớp bốn, lớp năm thì bỏ học, nay đã lập gia đình và cũng theo nghiệp cha mỗi người dựng một bè để ở và mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Nghe tin chúng tôi ghé thăm nên Nguyễn Văn Toàn, 26 tuổi, con đầu anh Diên ở bè bên cạnh chèo xuồng đưa hai con nhỏ sang chơi. Toàn cho biết: “Từ nhỏ, em đã theo cha mẹ lênh đênh mưu sinh kiếm sống trên nhiều lòng hồ thủy điện, sông suối. Những tưởng khi lớn lên mình sẽ được lên bờ sinh sống, nhưng vì bỏ học sớm, không ngành nghề, không có vốn nên không biết làm gì. Năm 22 tuổi, em lập gia đình và theo cha mẹ về đây dựng bè, làm nghề đánh bắt cá sống qua ngày. Số phận của vợ chồng em cũng như con cái em cứ lênh đênh theo sóng nước, không biết bao giờ mới được lên bờ sinh sống”. Đứa con út của anh Diên là Nguyễn Văn Mãi năm nay tám tuổi, đang theo học lớp 2 tại trường Lê Văn Tám tận trung tâm xã Đác Som, cách lòng hồ 10 km. Do bận việc mưu sinh nên hằng ngày, vợ chồng anh phải thuê người chở cháu ra xã học với tiền công 50.000 đồng/ngày. Hôm chúng tôi ghé thăm, cháu Mãi chỉ học buổi sáng nên được chị dâu đi chợ đón về cùng. Nhìn con đi học về giữa trưa, mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm lem, anh Diên chia sẻ: “Làng chài này cách trung tâm xã 10 km, giao thông đi lại cách trở, đèo dốc nên việc học chữ của cháu cũng bấp bênh. Trước mắt cho cháu học để biết chữ, khi nào cháu không thích học nữa thì ở nhà nối nghiệp cha mẹ đánh bắt cá mưu sinh chứ biết làm gì bây giờ”.
Theo giới thiệu của anh Diên, chúng tôi ghé thăm chiếc bè của ông Chín, bà Năm, đây là cặp vợ chồng già nhất ở làng chài này. Bà Năm, người dân tộc Khmer nhưng nói tiếng Kinh rất giỏi, bà kể: “Vợ chồng tôi quê ở tận vùng biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang, ở quê nghèo quá, già rồi không biết làm gì nên theo con cháu lên đây phụ giúp mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, nuôi cá. Ở đây đã hơn ba năm rồi nhưng cuộc sống chẳng đỡ hơn chút nào, trong khi các cháu nhỏ lại không được học hành, mù chữ”.
Bà Năm dẫn chứng cụ thể đó là thằng Sóc, cháu ngoại của bà, năm nay đã hơn 15 tuổi nhưng vẫn ngô nghê, nói tiếng Kinh chưa rõ và mù chữ, là đứa lớn nhất trong những đứa trẻ của làng chài này. Bà Năm rưng rức nước mắt: “Không chỉ có thằng Sóc mà hơn chục đứa trẻ ở đây đều thất học, cuộc đời chúng rồi cũng gắn bó với những chiếc bè dập dềnh theo sóng nước này chứ biết làm gì kiếm sống khi không biết con chữ”.
Nghe những lời tâm sự thốt ra tận đáy lòng của bà Năm, lòng chúng tôi thắt lại bởi những gia đình dạt về đây mưu sinh, ai cũng nuôi hy vọng ngoài lo cái ăn, cái mặc hằng ngày còn lo được con cái học hành để sau này không còn lặp lại cảnh đời cơ cực như cha mẹ chúng. Nhưng với cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, quá cơ cực của các hộ dân ở làng chài này thì việc học chữ của con em họ cũng mãi chỉ là khát vọng mà thôi.
Thay lời kết
Chia tay với với ông Chín, bà Năm và những hộ nghèo côi cút ở làng chài hiu quạnh, nhỏ bé nép mình dưới chân núi Tà Đùng và giữa cái sâu lạnh của con nước đầu nguồn lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, chúng tôi mang câu chuyện làm thế nào để giúp gần 50 gia đình ở làng chài này thoát nghèo, lên bờ cất nhà và chăm lo con cái học hành để sau này chúng không còn lặp lại cảnh đời cơ cực như cha, mẹ chúng trao đổi với các ngành chức năng ở huyện Đác Glong và tỉnh Đác Nông nhưng không nhận được câu trả lời, bởi họ không phải là cư dân của địa phương. Và cứ vậy, trên con đường mưu sinh trôi dạt hết lòng hồ thủy điện này đến lòng hồ thủy điện khác, họ như những con người bị gạt ra ngoài rìa xã hội và cứ thế trôi dập dềnh theo sóng nước không biết đâu là bến, là bờ.