ThienNhien.Net – Rừng Khánh Vĩnh đang mùa mưa. Từng cơn mưa tí tách càng khiến cho những con đường mòn trong rừng trở nên trơn trượt. Mặc trời mưa, đường trơn, nhiều người dân ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vẫn cặm cụi vượt núi Đá Tây, lội suối Sê Oóc để vào rừng nhặt trái ươi.
Bám theo một nhóm người bản địa, chúng tôi đến khu vực Km44 (trên đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng) nơi có nhiều ươi đang vào vụ nhất. Ở ngay cửa rừng, nhìn lên những vách núi mờ sương, cây ươi vẫn nổi bật nhờ thứ hoa nở bung màu đỏ thẫm.
Đi tìm cây “triệu phú”
Mấy năm gần đây, vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa, thương lái nước ngoài thường đổ về Khánh Hòa tìm mua trái ươi với giá khá cao. Theo lời đồn thổi, trái ươi chữa được “bách bệnh” thế nên bỗng dưng nó trở thành “trái quý” được nhiều người săn lùng.
Hà R (thôn Bố Lang, xã Sơn Thái), người được xem là có kinh nghiệm hái ươi nhất trong nhóm cười khà khà, trầm trồ: “Ươi thế này thì tha hồ mà hái. Mỗi cây phải kiếm tiền triệu chứ chẳng chơi. Cách đây gần một tuần, bọn mình lên đây khai thác ươi ba ngày, mỗi ngày kiếm được mấy triệu đấy. Vào rừng nhìn thấy ươi mà ham. Có cây người ta hái bán được 20 triệu đồng. Giá cao thế bỏ rẫy lúa cũng được, hái ươi có tiền hơn…”.
Mùa ươi trước, giá mỗi ký ươi tươi chỉ mấy ngàn đồng, năm nay bỗng dưng giá lên vùn vụt. Người khắp nơi đổ xô lên rừng săn tìm loại cây “triệu phú”. Ngoài dân bản địa, người dân Ninh Hòa, Diên Khánh… thậm chí cả ở Lâm Đồng cũng tìm về những cánh rừng có cây ươi để mưu sinh. Mỗi người một ngày vào rừng cũng có thể hái được cả chục ký ươi. Chưa có lúc nào kiếm tiền của rừng lại dễ dàng đến thế. Từ chỗ là loại cây không được mấy người quan tâm, nay bỗng nhiên được giá, dân hay ví trái ươi là “vàng xanh của rừng”.
Theo nhóm người hái ươi vượt qua hai con dốc cao, chúng tôi bắt gặp cảnh nhiều tốp người vào rừng khai thác ươi. Nhìn thấy một nhóm người đang hái ươi ở gần lối đi, chúng tôi định ghé lại nhặt vài trái xem chơi. Thấy vậy, Bo Bo Đ (người đi trong nhóm) ngăn lại: “Không được đâu. Khu vực đó người ta xí phần rồi, chỉ họ được hái thôi. Trước kia, ai muốn hái sao cũng được nhưng từ bữa giá cao, người ta giành nhau từng gốc. Tất cả đều được đánh dấu bằng ký hiệu riêng, ươi của ai người đó khai thác”. Chỉ tay về mấy chiếc chòi làm tạm bợ bằng cây rừng, Bo Bo Đ giải thích thêm: “Dù được đánh dấu, nhưng thỉnh thoảng vẫn có tình trạng nhóm khác đến hái trộm. Vì vậy để chắc ăn nhiều nhóm cắt cử người vào rừng, dựng lán để canh ươi. Từ đầu mùa đến giờ có mấy vụ đánh nhau vì ươi rồi…”.
Trong hành trình đi tìm ươi, nhóm người bản địa kể vanh vách về cách hái loại trái này cho chúng tôi nghe. Theo họ, có nhiều cách thu hoạch loại quả này. Mỗi cây ươi có khoảng 30kg trái trở lên. Quả ươi được giá nhất khi chúng đã chín và rụng xuống đất, còn gọi là “ươi bay”. Đặc biệt, quả này khi ngâm vào nước sẽ trương lên khá to. Ươi khi chín, quả phát tán xuống đất trong chu vi chừng 100m. Người nhặt chỉ việc tìm cây ươi đã rụng quả, sau đó đi quanh gốc nhặt. Nếu trúng mánh chỉ cần nhặt một cây đã có chừng mấy chục ki lô gam quả, với giá hiện nay 300 nghìn đồng/kg ươi khô là đã thu được tiền triệu.
Tận diệt “vàng xanh”
Câu chuyện về ươi cứ thế tiếp diễn, đến suối Sê Oóc, cả nhóm ngồi bệt xuống đất tăm tia. Thấy mấy cây ươi nổi bật giữa rừng, Bo Bo Đ nhanh chân mang ná đi bắn thử xem ươi đã già chưa. Ngồi chừng 10 phút, Bo Bo Đ đã quay lại bảo chỉ một cây ươi quả đã già, có thể hái bán được, mấy cây còn lại quả còn non. Nghe vậy, cả nhóm bật dậy, đi vội về phía cây ươi già. Lên đến gốc ươi già, nhóm Hà R lập tức vác máy cưa ra để hạ cây, hái quả. Ngước mắt nhìn, Bo Bo Đ ước lượng: “Cây này không dưới 40kg ươi tươi”. Nhìn cây ươi gốc lớn cỡ 2 người ôm sắp bị chặt hạ, chúng tôi không khỏi xót xa.
Hà R khởi động máy cưa, mất chừng 30 phút cây ươi gần đứt lìa. Hà R hô lớn “chạy đi, đổ rồi”. Chúng tôi vội vã chạy trong tiếng cây đổ ầm ầm; hàng chục cây lớn nhỏ quanh gốc ươi cũng bị đè gãy. Đốn hạ xong, cả nhóm của Hà R lao đến nhặt quả rụng và hái những quả còn trên cành. Vừa nhặt, Bo Bo Đ vừa hả hê nói: “Người ta chỉ mua những quả không bị dập. Nhìn cây ươi lớn vậy cũng chỉ thu hoạch được chừng 30kg, còn lại quả non và quả dập thì bỏ hết”.
Chúng tôi thắc mắc: “Hạ một cây ươi lớn thế này chỉ để hái được khoảng 30kg quả thì tiếc quá”. Bo Bo Đ nói: “Mình không hạ thì người khác cũng hạ. Ươi đang được giá nên thấy cây có quả già, mình phải hạ ngay, chần chừ người khác giành mất”.
Sau khi nhặt xong, cả nhóm lại tiếp tục đi tìm cây ươi khác. Khi lên đến lưng chừng núi Đá Tây, phát hiện một cây ươi quả già, cả nhóm lại xúm vào chuẩn bị máy cưa. Oái oăm, khởi động máy đến dăm bảy lần chả được, Hà R chặc lưỡi: “Máy hư rồi, phải về thôi. Đen đủi quá đi, chưa kiếm được bao nhiêu đã phải xuống núi”. Theo lời kể của nhóm Hà R, ở khắp các cánh rừng Gia Quế hay núi Đá Tây… mỗi ngày có hàng chục tốp người đi khai thác quả ươi, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng chục gốc ươi bị “hạ sát”.
Bảo vệ để rừng cho lộc
Sau một ngày vào rừng nhặt ươi, chúng tôi trở về thôn Giang Biên, xã Sơn Thái với biết bao nỗi niềm. Ghé vào nhà một đầu nậu thu mua ươi, bà Dung chỉ vào mớ ươi còn non choẹt thở dài: “Ươi được giá, họ vào rừng chặt hạ cả cây. Quả non thế này thì bán sao nổi. Cứ khai thác kiểu này, đến đời con, đời cháu làm gì còn ươi mà hái”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Liên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thái cho biết, trước thực trạng khai thác ươi theo kiểu tận diệt, lãnh đạo xã Sơn Thái đã tuyên truyền, vận động bà con tận thu ươi theo cách chờ ươi rụng, bởi ươi “bay” vừa cho thu nhập cao vừa bảo vệ được rừng. Lãnh đạo xã cũng đã có văn bản kiến nghị lực lượng chức năng cần tăng cường xử lý các đối tượng sử dụng máy cưa để hạ ươi nhưng xem ra kết quả còn hạn chế.
Cũng về vấn đề này, ông Lê Thanh Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh cho biết: Qua nắm bắt tình hình giá ươi tăng cao, thương lái không chỉ thu mua ươi già rụng mà ươi già trên cây cũng thu mua nên khả năng bà con sẽ mang máy cưa vào rừng để hạ cây hái quả. Chính bởi vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tăng cường lực lượng tuần tra, đặc biệt là các khu vực người dân tập trung khai thác cây ươi. Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện đã phá dỡ 3 lán trại, thu giữ 1 máy cưa, 2 xe máy của người khai thác ươi bỏ lại hiện trường. Dù đã có kế hoạch bảo vệ cây ươi ngay từ đầu vụ nhưng do giá ươi tăng cao đột biến, cây ươi lại phân bố rải rác khắp các cánh rừng nên việc bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn…
Chúng tôi rời Khánh Vĩnh khi mặt trời đã bắt đầu khuất dần. Ở ven rừng, cả chục thương lái đang đợi người khai thác ươi trở về để thu mua. Chứng kiến cảnh cây ươi lớn bị hạ, chúng tôi không khỏi xót xa và chợt nghĩ đến ngày không xa, “vàng xanh của núi rừng” chắc không còn nữa.