ThienNhien.Net – Theo Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, nếu không tổ chức tốt lực lượng liên ngành, rất khó bắt quả tang và xử lý sai phạm liên quan đến khoáng sản.
Bà Nguyễn Tuyết Liên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Gần đây, tình hình khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại ĐBSCL (trong đó có Sóc Trăng), diễn ra thường xuyên và tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý. Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hậu gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tình hình an ninh chính trị của địa phương…
Do đó, bà Liên đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có giải pháp gì đột phá để chấn chỉnh tình trạng trên, đặc biệt là chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép?
Rất khó bắt quả tang và xử lý
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Bộ TNMT đang tham mưu cho Chính phủ để ra chỉ thị tăng cường hơn nữa công tác quản lý, khai thác khoáng sản, trong đó có cát sỏi ở lòng sông.
Về giải pháp cụ thể, theo ông Quang, vấn đề quản lý liên quan chặt chẽ đến công tác thanh tra kiểm tra, trong đó, lực lượng công an các địa phương có vai trò rất quan trọng. Nếu không tổ chức tốt lực lượng liên ngành thì rất khó trong việc bắt quả tang và xử lý. Nếu các cơ quan cùng kiên quyết ra tay thì hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều.
Ông Quang còn cho rằng, hoạt động nạo vét, khai thác cát sỏi dưới lòng sông còn liên quan đến cả ngành giao thông, xây dựng. Do đó, sẽ cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ để kiểm soát các hoạt động này.
Là cơ quan liên quan được đề nghị tham gia trả lời về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phổ biến, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Từ năm 2008 đến nay, đã phát hiện 6.200 vụ vi phạm về lĩnh vực này, đã xử phạt trên 40 tỷ đồng; đề nghị khởi tố 4 vụ, 16 đối tượng. Trong đó, tập trung phát hiện, xử lý 3.343 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát sỏi trên lòng sông…
Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề rất phức tạp trong thực tiễn. Đơn cử, từ tháng 10/2005-8/2008, các tỉnh, thành phố đã cấp phép 3495 giấy phép khai thác. Đây là số lượng giấy phép rất lớn, gấp 8 lần so với trong 12 năm trước.
Nhiều sai phạm từ khâu cấp phép
Đồng thời, còn nhiều sơ hở, thiếu sót liên quan. Trong đó, có tình trạng sai phạm từ khâu cấp phép, như: cấp phép không đúng thẩm quyền; cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh hành nghề thăm dò khai thác khoáng sản; cấp phép không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân tại khu vực, không tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép cả khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản; cấp phép khi không có gấy chứng nhận đầu tư; cấp phép cả khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cấp phép khai thác khi hồ sơ không có báo cáo đánh giá tác động tới môi trường; cấp phép khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản…
Ông Lê Quý Vương cũng lưu ý, công tác quản lý sau cấp phép cũng có vấn đề, thiếu sót. Trong đó, có tình trạng cấp phép xong, một số địa phương chưa làm tốt việc giám sát thực hiện giấy phép, cho nên để xảy ra sai phạm.
Về sai phạm trong thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ khoáng sản, Thứ trưởng Vương cho rằng, có nổi lên vấn đề về công tác quản lý tại một số địa phương. Đặc biệt, liên quan đến khai thác khoáng sản gây hậu quả rất nghiêm trọng đến môi trường, tàn phá về môi trường, thất thoát, lãng phí tài nguyên, gây mất trận tự an ninh, mất an toàn lao động….