Hiểm họa ô nhiễm không khí

ThienNhien.Net – Không chỉ còn là cảnh báo, ô nhiễm không khí (ÔNKK) đã hiển hiện nhức nhối qua những con số đánh giá tác động đến đời sống thường nhật của người dân. Ấy thế nhưng, ngoài những “nai nịt” cho riêng mình, dường như nhiều người dân vẫn ở bên lề những nỗ lực phòng chống và giảm thiểu ô nhiễm không khí. Làm sao để những cảnh báo và băng-rôn khẩu hiệu đi vào đời sống?

Nguồn dưỡng khí đang cạn

Không khí và nước là hai nguồn tài nguyên quan trọng nhất tạo nên và duy trì sự sống. Người ta có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể nhịn uống, càng không thể nhịn thở chỉ trong vài phút. Vậy mà càng ngày con người càng “nhiệt tình” đầu độc hai nguồn sinh dưỡng ấy. Nghe đài, đọc báo thấy đưa tin ở Trung Quốc, Thái-lan, Pa-ki-xtan, Nê-pan… khói bụi mù mịt, không ít người bàng quan cho đấy là chuyện xa xôi đâu đó.

Nhưng không, cuốn đi theo nhịp sống hối hả, cũng không ít người thường mơ đến ngày xa xưa được hít thở không khí “tươi”. ấy là cảm nhận chủ quan, còn nếu nhìn vào những con số hẳn sẽ nhiều người giật mình. Ðó là công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2012 cho thấy, Việt Nam có Chỉ số năng lực bảo vệ môi trường (EPI) xếp hạng 123/132, là một trong mười nước có chất lượng không khí tồi tệ nhất đứng cuối bảng đánh giá. Ở trong nước, nhiều chuyên gia môi trường cũng khuyến nghị, tình trạng ÔNKK ngày một nặng nề và đến nay vẫn chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả.

Một kết quả quan trắc mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cũng đưa ra con số giật mình không kém, mức độ ÔNKK tại Hà Nội cao hơn cả so với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Ðáng chú ý, tại các nút giao thông và công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm tăng lên gấp 5-6 lần TCCP. “Thủ phạm” gây ô nhiễm lớn nhất cũng được “điểm mặt chỉ tên” chính là hoạt động giao thông (chiếm tới hơn 70% tỷ lệ gây ô nhiễm ở Hà Nội). Tiếp đó là ô nhiễm bởi hoạt động từ làng nghề, khu tái chế, xây dựng…

Dĩ nhiên, ô nhiễm không chỉ thể hiện ở những con số quan trắc khảo sát được mà nó còn gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, làm giảm sút hiệu quả công việc của mỗi người. Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, những năm gần đây có đến 72% hộ gia đình có người mắc bệnh do ÔNKK. Thông tin từ Bộ Y tế cũng khẳng định, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, và một trong các nguyên nhân được xác định là do ÔNKK. Kết quả thống kê cứ 100.000 dân thì có đến 419 người mắc các bệnh về viêm phổi; 350 viêm họng và viêm amidan cấp; 273 viêm phế quản và viêm tiểu phế quản.

Trong bối cảnh ấy, càng đáng quan ngại hơn, khi mà vị trí xếp hạng xu hướng cải thiện năng lực quản lý môi trường của nước ta chỉ ở mức khiêm tốn 73/132, thuộc nhóm các quốc gia có những cải thiện nhỏ (mức trung bình) về năng lực quản lý môi trường. Con số ấy nói lên điều gì – chỉ một câu trả lời, thực trạng công tác quản lý môi trường của nước ta còn nhiều bất cập. Và vấn đề “làm sao để cứu môi trường?” trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Lượng khí nhà kính đã lập kỷ lục mới ở mức 40 tỷ tấn (so với mức 32 tỷ tấn năm 2010)
Lượng khí nhà kính đã lập kỷ lục mới ở mức 40 tỷ tấn (so với mức 32 tỷ tấn năm 2010)

Câu hỏi “treo”

GS, TS Trần Ngọc Chấn, cán bộ giảng dạy Bộ môn Vi khí hậu – Môi trường khí Viện Kỹ thuật môi trường (ÐH Xây dựng Hà Nội), tác giả giáo trình “Ô nhiễm không khí và xử lý khí thải”, bức xúc: “Chỉ cần nhìn bảng chỉ số ô nhiễm cứ tăng đều hằng năm là thấy ngay trách nhiệm quản lý, năng lực ứng phó yếu kém của mỗi quốc gia. Dựa trên cơ sở trình độ khoa học công nghệ hiện nay, cùng với một hệ thống chế tài quy định và các ban, ngành quản lý các cấp thì Việt Nam có đủ cơ sở khả thi trong khâu xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí. Vậy tại sao, giảm thiểu ô nhiễm vẫn còn vấn nạn chưa có lời giải? Câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ là bởi ý thức trách nhiệm của mỗi người, từ cán bộ quản lý, các nhà khoa học đến từng người dân. Chúng ta đã thật sự thường trực tinh thần trách nhiệm BVMT hay chưa?”.

Không thể lý giải ô nhiễm trầm trọng là do ý thức tự giác của mỗi người dân còn kém, mà phải nhìn thẳng vào nguyên nhân, các thể chế quản lý môi trường, nhất là môi trường không khí còn gặp nhiều bất cập. Vấn đề bảo vệ MTKK và chế tài xử phạt những hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng còn chưa được đề cập chi tiết và cụ thể trong luật. Trên thực tế, đến nay, nước ta vẫn chưa xây dựng được Kế hoạch quản lý chất lượng không khí ở cấp Quốc gia cũng như ở cấp địa phương. Một vài chương trình hợp tác BVMT thực hiện còn manh mún, dang dở; chồng chéo chức năng nhiệm vụ về quản lý MTKK.

Chúng ta sẽ mãi không thể cải thiện được gì nếu vẫn chỉ hành động trên giấy. Bầu khí quyển cũng chẳng thể trong lành nếu chỉ chờ các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, hằng ngày, không ít nhà máy, xí nghiệp chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, bất chấp hậu quả, vụng trộm xả nước thải – khí thải chưa qua xử lý ra môi trường; từng đoàn dài xe quá khổ quá tải không che chắn chạy mù đường; nạn khai thác gỗ, khoáng sản, phá rừng tràn lan… Ðáng chú ý, khi chính chúng ta chưa thật sự ý thức được trách nhiệm của mình thì đã có những vị khách quốc tế, các chuyên gia nước ngoài tình nguyện đến Việt Nam, lăn lộn nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Thêm những tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, đã có những bạn trẻ, tổ chức đoàn thể có những hành động thiết thực kêu gọi cộng đồng vì một môi trường xanh – sạch – đẹp, như: Vòng tay bè bạn, Ði và mở, Tôi hai mươi,… Tuy thế, xã hội đang mong mỏi các cấp quản lý vào cuộc quyết liệt hơn nữa, để thúc đẩy, cổ vũ và hậu thuẫn những nỗ lực ấy.

Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây 27 năm, nhân sự kiện một cậu bé Nam Tư (cũ) ra đời và trở thành công dân thứ 5 tỷ của hành tinh, Liên hợp quốc đã lấy ngày đó làm Ngày Dân số Thế giới. Nhưng, cần phải nhấn mạnh, đó không phải là sự kiện để chào mừng, mà ý nghĩa đích thực của nó là lời nhắc nhở mỗi gia đình, mỗi công dân sống trên Trái đất về nguy cơ tăng dân số quá nhanh, con người sẽ không đủ điều kiện sống và bảo vệ sức khỏe. Ðến nay, dân số thế giới đã hơn 7 tỷ người, môi trường tự nhiên ngày càng kiệt quệ.

Ngoài kia, trên quảng trường Thời đại ở Niu Oóc (New York), bên lề Hội nghị cấp cao LHQ về biến đổi khí hậu vừa diễn ra, hàng nghìn bước chân tuần hành, hàng nghìn tiếng kêu gọi khẩn thiết về việc “cứu lấy Trái Ðất” cũng đang vang lên…

 

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế):Chúng ta còn nhiều hạn chế trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các viện nghiên cứu. Suốt thời gian qua, mỗi ngành, mỗi đơn vị mới chỉ có những nghiên cứu về ô nhiễm chỉ như một “lát cắt ngang” ở một thời điểm và trong phạm vi hẹp; chưa có sự phối hợp liên ngành, kết hợp nghiên cứu có hệ thống và áp dụng giải pháp tổng thể với tầm nhìn xa nhằm cải thiện chất lượng không khí nên hiệu quả chưa cao.

Ông B.Pha-vrơ (Bernard Favre, Công ty ARIA Technologies, chuyên gia nghiên cứu và tư vấn môi trường của Pháp):

Một trong những cách cải thiện chất lượng không khí của Pháp là đưa xe đạp làm phương tiện giao thông công cộng trong nội thành. Tất nhiên, cũng mất vài tháng đầu người dân phản đối quyết liệt chính sách mới, nhưng sau khi cảm nhận được lợi ích BVMT, họ đã dần quen và thích đi xe đạp.

Theo báo cáo về hiện trạng chất lượng môi trường không khí 2013 vừa được Tổng cục Môi trường công bố, đã khẳng định trong khoảng năm năm trở lại đây, chất lượng không khí đô thị chưa có nhiều cải thiện. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) vẫn duy trì ở mức cao, điển hình như ở Hà Nội số ngày có AQI ở mức kém (101 Ự 200) chiếm tới 40-60% tổng số ngày quan trắc trong năm; có không ít ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu (201 Ự 300) và ngưỡng nguy hại (>300).