ThienNhien.Net – Điều tưởng chừng như “ai cũng biết” này mới đây đã được George Wittemyer (ĐH bang Colorado, Mỹ) cùng các cộng sự của ông khẳng định lại trong nghiên cứu mang tên “Illegal killing for ivory drives global decline in African elephants” (Tạm dịch: Săn bắt voi bất hợp pháp để lấy ngà làm suy giảm số lượng voi châu Phi toàn cầu). Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được những số liệu minh chứng để thuyết phục nhận định này.
Xuất phát từ nghiên cứu điểm tại Vườn quốc gia Samburu của Kenya, nhóm nghiên cứu tiến hành đối chiếu số liệu thống kê về số lượng voi chết ngoài thực tế và dữ liệu về quần thể voi châu Phi hoang dã của Vườn. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục khai thác cơ sở dữ liệu của Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) để mở rộng phạm vi nghiên cứu, suy đoán xu hướng chung của khu vực và châu lục.
Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện ra số lượng voi ở Samburu giảm mạnh trong giai đoạn 2009 – 2012. Theo ước tính, trong bốn năm này, cứ 5 con voi thì sẽ có 1 con voi bị săn bắn bất hợp pháp, tương đương với hơn 33.000 cá thể voi bị giết mỗi năm.
Nếu như trong 10 năm từ 1998 đến 2008, trung bình chỉ có 0,6 % số lượng voi bị giết bất hợp pháp mỗi năm thì riêng năm 2011, con số này lên tới 8%. Tình trạng số lượng voi bị giết hại gia tăng trùng với thông tin về gia tăng các vụ bắt giữ, tịch thu ngà voi vận chuyển trái phép và việc tăng giá của ngà voi tại thị trường chợ đen.
Kết hợp với phân tích dữ liệu về voi từ 45 website của châu Phi, nhóm nghiên cứu đã dùng phép ngoại suy và ước tính, khoảng 7% tổng số lượng voi châu Phi bị giết bất hợp pháp mỗi năm trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2012. Số liệu sơ bộ năm 2013 cho thấy con số này dao dộng từ 5 đến 6%.
Hậu quả của tình trạng săn bắn voi trái phép ngày một gia tăng là sự chênh lệch quá lớn về số lượng giữa cá thể voi con và voi cái, số lượng voi trưởng thành bị giết hại nhiều hơn số voi con sinh ra. Điều này dẫn đến sự rối loạn trong cộng đồng loài voi và đe doạ quần thể voi ngoài tự nhiên.
Theo Wittemyer, đối với trường hợp nghiên cứu voi châu Phi, sử dụng tiêu chí tỉ lệ voi bị giết hại, mà không phải là con số tuyệt đối số lượng voi bị giết hại hàng năm, là phương án tối ưu. Sự lựa chọn này đặt trong bối cảnh việc xác định được số lượng voi trên toàn châu lục rất khó khăn.
Nhận xét về ý nghĩa của nghiên cứu, Wittemyer cho rằng đây là bản đánh giá chi tiết đầu tiên về tỉ lệ săn bắn voi châu Phi bất hợp pháp trong quy mô quần thể, khu vực và quy mô châu lục, giúp chúng ta có một cái nhìn rõ ràng hơn về những đe dọa mà loài voi đang phải đối mặt. Cần ước lượng chính xác sự biến động của quần thể trước khi thiết lập và thực hiện các biện pháp quản lý, bảo tồn.