ThienNhien.Net – Khuyến cáo trên được rút ra từ những phân tích của Andrew Friedman, chuyên gia nghiên cứu về cải cách pháp lý và hiến pháp các quốc gia châu Phi, đối với trường hợp nghiên cứu điển hình Cộng hòa Congo.
Andrew Friedman cho biết trong năm 2012 ngân sách của Congo tăng 73% do nguồn thu từ các loại thuế, phí tài nguyên, mà phần lớn là từ dầu mỏ. Quốc gia này đang dẫn đầu thế giới về mức độ phụ thuộc vào nguồn thu tài nguyên và dầu mỏ, trên cả các nước truyền thống xuất khẩu dầu mỏ Kuwait và các quốc gia vùng Vịnh. Song, điều này có nghĩa rằng Congo sẽ phải đối mặt với thách thức lớn về phát triển.
Thách thức do phụ thuộc tài nguyên quá mức
Trước hết, đó là thách thức tài nguyên hữu hạn. Dự báo lượng dự trữ dầu mỏ của Congo chỉ khoảng 1,6 tỷ thùng dầu (barrel), kém xa các nước dầu mỏ Arab Saudi (267 tỷ), Veneduela (211,2 tỷ), Libya (47,1 tỷ) hay Nigeria (37,2 tỷ).
Nguồn thu dầu mỏ của Congo hoàn toàn phụ thuộc vào sự biến động thường xuyên của giá cả thị trường thế giới bởi không có cơ chế thích nghi bình ổn. Với lượng xuất khẩu trung bình 250.000 thùng dầu/ngày, năm 2007 Congo thu về 7,04 tỷ USD, năm 2008 nguồn thu tăng lên 9,35 tỷ USD và năm 2009 giảm mạnh xuống 5,97 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế nghèo, hoạch định kém, lại quá phụ thuộc vào nguồn thu tài nguyên, sự biến động lớn nguồn thu từ dầu mỏ giữa các năm khiến Congo lâm vào tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề.
Friedman nhận xét, lấy Cộng hòa Congo làm ví dụ dường như hơi cực đoan vì đây là nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cũng cần phân tích trường hợp điển hình này để rút ra bài học cho những quốc gia khác cùng cảnh ngộ.
Cùng với Congo, năm quốc gia châu Phi khác cũng nằm trong tốp phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhất thế giới, gồm Libya, Mauritania, Equatorial Guinea, Gabon và Angola. Trong đó có những quốc gia có lượng xuất khẩu dầu mỏ lớn hơn cả Congo, nghĩa là sự phụ thuộc vào giá cả thị trường thế giới còn nặng nề hơn nữa.
Trong phân tích của Friedman còn đưa ra một thách thức khác đối với Congo, đó là áp lực giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Các nhà máy lọc và hóa dầu hiện đại đều sử dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao và đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ, người dân bản địa thường không đáp ứng được.
Điều này có nghĩa rằng khai thác tài nguyên mang lại nguồn thu cho chính phủ, nhưng không tạo ra cơ hội việc làm cũng như nâng cao kỹ năng cho người dân châu Phi để gia tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của họ.
Đa dạng hóa giúp giảm rủi ro
Xuất phát từ những luận điểm trêm, Friedman khuyến nghị các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu tài nguyên cần phải đa dạng hóa nền kinh tế để giảm rủi ro trong ngắn hạn là sự biến động chóng mặt của giá cả thị trường tài nguyên thế giới. Đây cũng là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đối với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên trong tương lai.
Về lâu dài, cần phải quan tâm tới tính hữu hạn các nguồn tài nguyên. Đối với các quốc gia sản xuất dầu mỏ, cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp thay thế để đối mặt với nguồn cung dầu hạn chế và tác động môi trường của nó.
Nguồn thu từ tài nguyên giàu cần được tái đầu tư một cách thiết thực, ưu tiên cho phát triển giáo dục và nâng cao trình độ, kỹ năng cho chính người dân.