ThienNhien.Net – Thời gian qua, việc chuyển đổi ồ ạt rừng sang trồng cao su, thực hiện các dự án thủy điện, áp lực di dân tự do cùng với tập quán canh tác nương rẫy, nạn phá rừng lấy gỗ và lấy đất trồng cà phê… đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp nghiêm trọng. Tại Tây Nguyên, nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất nước (với khoảng 2,6 triệu ha, độ che phủ dao động từ 39,9% – 60,1%), mỗi năm có khoảng 26.000ha rừng bị mất.
Như một quy luật tất yếu, khi rừng bị mất, “cỗ máy” thanh lọc không khí giảm công suất, bức tường thiên nhiên che chắn mưa bão bị thủng thì tác động xấu của thiên nhiên đối với đời sống con người ngày một gia tăng. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC), nạn mất rừng và suy thoái rừng trên thế giới đã làm phát thải khoảng 18% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, chỉ đứng sau ngành năng lượng.
Tại Việt Nam, tình trạng mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ước tính làm phát thải 19,3 triệu tấn CO2, chiếm hơn 18% tổng lượng khí phát thải. Độ che phủ rừng thấp, chất lượng rừng suy giảm đã làm ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở các vùng miền trong cả nước. Từ đó, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn. Đó là những trận mưa lũ khủng khiếp nhấn chìm hàng ngàn nhà dân ở các tỉnh miền Trung; các trận siêu bão càn quét làng mạc; những trận lũ ống ở miền núi phía Bắc làm hàng chục người chết; những trận mưa gây ngập nặng tại Hà Nội hoặc triều cường biến nhiều tuyến đường TPHCM thành sông…
Ngay cả Đà Lạt – Lâm Đồng, nơi được coi là có thời tiết, khí hậu khá ôn hòa, nhưng gần đây cũng liên tiếp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó phải kể đến những trận mưa đá tàn phá rau hoa tại Đà Lạt, hoặc những đợt mưa lũ liên tiếp tại huyện Lạc Dương, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo đánh giá, thiệt hại do thiên tai gây ra ở Việt Nam thuộc loại lớn trên thế giới, mỗi năm có hàng trăm người chết. Riêng năm 2013, thiên tai làm gần 300 người chết và mất tích, 1.150 người bị thương, gây thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngoài những con số có thể đo đếm được, việc mất rừng, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, nhất là ngành trồng trọt.
Theo Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sự thay đổi về thời tiết có xu hướng nóng lên làm cho sâu bệnh hại cây trồng phát triển nhanh và khó dự báo, đáng chú ý là rệp sáp và tuyến trùng hại cà phê, bệnh chết nhanh, chết chậm cây tiêu, rầy nâu hại lúa, bọ xít muỗi hại điều và ca cao… làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng ở nhiều địa phương.
Hệ lụy, tác hại của việc mất rừng đối với đời sống con người đã quá rõ ràng. Bởi vậy, để hạn chế điều đó thì không còn cách nào khác là phải bảo vệ rừng. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật và các chính sách (như chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, chính sách giao khoán bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…) đã tạo được những chuyển biến quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế thì việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ phát triển rừng ở nhiều nơi còn chưa tốt, dẫn đến rừng vẫn bị tác động.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, các công ty nông, lâm nghiệp sẽ có sự phân định rõ ràng hơn giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất, kinh doanh, tạo cơ sở cho việc điều chỉnh đất nông – lâm nghiệp và rừng một cách rạch ròi, hợp lý hơn; tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà các công ty lâm nghiệp đang gặp phải.