ThienNhien.Net – Đó là khuyến nghị của ông David Roberts, cố vấn chiến lược khu vực châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong một bài viết mới đây đăng trên tờ New York Times. Không chỉ đi sâu phân tích những hậu quả môi trường và tác động kinh tế xã hội của các đập thủy điện trên sông Mê Kông, trong bài viết của mình, chuyên gia David Roberts còn đưa ra những khuyến nghị để cứu dòng sông Mê Kông đang lâm nguy.
Ông David Roberts nhận xét, nhiều thể chế chính thức khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đã được thiết lập nhằm thúc đẩy hợp tác, cùng chia sẻ dòng sông chung nhưng hiện những thế chế này vẫn chưa phát huy tác dụng. Nổi bật nhất trong số này là Ủy hội sông Mê Kông quốc tế. Do không có cơ chế thực thi thực tế nên cho đến nay cơ quan này vẫn không thể giải quyết các vụ tranh chấp nguồn nước xuyên biên giới, bao gồm cả những vấn đề liên quan tới việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi. Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cũng có rất ít khả năng có thể tác động đến các dự án đập khác.
Theo ông David Robert, sẽ không thể dừng hoặc thậm chí là chỉ làm chậm quá trình xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông nếu không tìm ra các nguồn năng lượng thay thế. Ông cho rằng có nhiều cách khác tốt hơn để để tạo nguồn cung năng lượng cho khu vực này như thiết kế lại nhằm làm tăng hiệu quả và hạn chế tác động môi trường của những đập thủy điện đã xây dựng, phát triển những mô hình thủy điện nhỏ hay năng lượng mặt trời…
Viện dẫn kết quả nghiên cứu mới đây của Trung tâm Quản lý môi trường Quốc tế (một tổ chức phi chính phủ), ông David cho biết nếu có thể phát triển kết hợp một cách cẩn trọng các loại hình năng lượng tái tạo thì sẽ cung cấp được gấp vài lần sản lượng năng lượng vào năm 2015 mà các dự án thủy điện dự kiến có thể tạo ra.
Đồng thời, ông David cũng gợi ý nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thực thi các biện pháp tiết kiệm – ví dụ như cắt giảm tiêu thụ điện ở các tòa nhà thương mại lớn trên khắp Thái Lan – cũng là một giải pháp giúp tiết kiệm đáng kể và hạn chế nhu cầu năng lượng.
Tuy nhiên, ông David Roberts cũng nhận định, trái ngược với các dự án thủy điện lớn, những dự án năng lượng tái tạo có vẻ ít hấp dẫn và kém cạnh tranh hơn một phần vì thiếu nguồn hỗ trợ tài chính trước mắt. Những đập thủy điện thu hút nhiều vốn đầu tư, sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và kích thích tăng trưởng GDP (ít nhất là tạm thời). Những dự án này cũng cho phép chính phủ nước sở tại thu lợi một cách nhanh chóng bằng cách trao quyền xây dựng các nhà phát triển tư nhân. Và ở những nước mà luật pháp còn yếu, điều này sẽ tạo nhiều cơ hội cho các hoạt động thu lời bất chính. Thêm nữa, những người đề xướng xây dựng các đập thủy điện lớn hầu hết thường đánh giá cao lợi nhuận và xem nhẹ các chi phí môi trường. Các dự án như vậy có thể thúc đẩy các mô hình phát triển nhanh chóng nhưng phải đánh đổi bằng những tiến bộ kinh tế và xã hội to lớn.
Do vậy, ông David đề xuất một cách tiếp cận tốt hơn có thể thỏa mãn nhu cầu năng lượng chính đáng của các nước và hạn chế chi phí môi trường, xã hội của những thủy điện lớn là thành lập một quỹ đầu tư để tài trợ cho phát triển các hình thức năng lượng thay thế trên quy mô lớn.
Quỹ năng lượng bền vững sẽ được mô phỏng gần như Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét. Giống như Quỹ toàn cầu, quỹ này sẽ tập hợp nguồn lực chung của các chính phủ, các tổ chức và khu vực tư nhân. Nhưng khác là quỹ này sẽ không hỗ trợ cho nhiều loại hình đối tượng mà chỉ tài trợ cho các đối tác công – tư. Trong đó, các chính phủ sẽ cung cấp những ưu đãi cần thiết và cấp phép quản lý; các đối tác tư nhân sẽ thực hiện các dự án năng lượng, bao gồm cả việc xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng.
Tiếp cận tới quỹ này sẽ là điều kiện thể hiện sự sẵn sàng của các đối tác chính phủ trong việc áp dụng các hướng dẫn phát triển bền vững tương tự như Nguyên tắc Xích đạo. Để khuyến khích các chính phủ thực hiện các cam kết sâu rộng và từ bỏ một số thỏa thuận sinh lời hấp dẫn, quỹ này phải có ngân sách hang trăm triệu USD và là đầu mối phân chia các khoản tài trợ quan trọng. Những tài trợ khởi động lớn cũng có thể được vay bởi các đối tác công – tư để bảo đảm vay được số tiền lớn hơn, như vậy các đối tác sẽ nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường và có cơ hội hơn để chống lại các dự án thủy điện trên dòng chính.
Mặt khác, quỹ này sẽ chỉ nên tồn tại trong một khoảng thời gian đủ để thiết lập một chính sách năng lượng bền vững cho các nước hạ lưu sông Mê Kông, không nên quá dài tới khi các khoản tài trợ của nó làm biến dạng thị trường năng lượng khu vực bằng cách kiểm soát giá của một số các nguồn năng lượng tái tạo.
Về nguồn tiền, David Roberts cho rằng những nhà tài trợ tiềm năng có thể là các ngân hàng đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu. Các thành viên đã và đang phải chi hàng triệu USD để giảm thiểu những thiệt hại về môi trường và thúc đẩy quản lý tài nguyên trong hạ lưu sông Mê Kông cũng là nhà tài trợ cho quỹ. Những người góp quỹ cũng có thể đến từ các bên tư nhân quan tâm tới việc tạo ra các thị trường năng lượng mới.
Quỹ bền vững năng lượng này có thể được quản lý bởi một ngân hàng đa phương có chuyên môn và kết nối tốt với các chính phủ chẳng hạn như ADB. Hay tốt hơn thì có thể là một Quỹ Toàn cầu, một đơn vị hoàn toàn độc lập mà các bên liên quan, cả công cộng hay tư nhân, có thể tham gia vào quá trình ra quyết định.
Việc ồ ạt xây dựng các đập thủy điện lớn dọc theo hạ lưu hạ lưu sông Mê Kông là một chính sách năng lượng lạc hậu, một bước lùi trở lại với những tham vọng phát triển thủy điện vô trách nhiệm với môi trường của những năm 1960. Thiết lập một cơ chế tài chính mới mẻ và táo bạo khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng khác đáp ứng nhu cầu năng lượng trong khu vực là một cách tiếp cận tốt hơn nhiều – vừa giúp ổn định mối quan hệ giữa các quốc gia có chung dòng Mê Kông, đồng thời cũng bảo vệ được dòng sông hùng vĩ này – Ông David kết luận.