ThienNhien.Net – Các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên được chuyển đổi từ lâm trường sang, nhưng hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng khi rừng bị mất hàng loạt. Để cứu rừng, các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới phương thức hoạt động.
“Bình mới rượu cũ”
Nói về việc để mất rừng, các công ty lâm nghiệp thường biện hộ rằng: “Lực lượng bảo vệ rừng ít, trong khi diện tích rừng quản lý rộng lớn; kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng không đủ, nợ lương kéo dài nên nhiều lúc anh em chưa làm hết mình…”. Trong khi đó, ông Vũ Minh Khôi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, lại nói rằng: “Chính sách quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Chính quyền địa phương không quản lý chặt chẽ nên người dân dễ dàng vào xâm chiếm đất rừng”.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, ngoài những lý do các công ty lâm nghiệp trình bày trên, việc ngành chức năng chưa xử lý nghiêm, triệt để, tận gốc các đối tượng xâm hại rừng… là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc phá rừng, xâm chiếm đất rừng tràn lan.
Theo ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế – Ban chỉ đạo Tây Nguyên, sở dĩ các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên chuyển đổi không đạt như kỳ vọng là việc chuyển đổi diễn ra nửa vời, thực chất chỉ thay đổi về tên gọi để hoạt động theo luật doanh nghiệp, còn cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động vẫn như cũ… Bên cạnh đó, có quá nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức có thể chi phối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến việc công ty lâm nghiệp không được tự chủ.
Phân tích về tính tự chủ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng: “Một công ty lâm nghiệp muốn hoạt động được thì phải có tư liệu sản xuất (gồm rừng, đất rừng) và vốn. Lúc chuyển từ lâm trường sang, các công ty chỉ có rừng và đất rừng, còn vốn không có. Bây giờ muốn kêu gọi vốn phải xin chủ trương liên doanh liên kết đủ thứ. Trong khi cơ chế nhà nước chưa rõ ràng nên chưa làm được”.
Kỳ vọng Nghị quyết 30
Trước những hạn chế của các công ty lâm nghiệp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30 về việc “tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp”. Theo tinh thần của Nghị quyết 30, tùy theo tình hình thực tế mà các công ty lâm nghiệp sẽ được sắp xếp, đổi mới theo các dạng “tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển các công ty lâm nghiệp 100% vốn nhà nước”; duy trì công ty lâm nghiệp công ích 100% vốn nhà nước hoặc chuyển sang ban quản lý rừng; cổ phần hóa công ty lâm nghiệp sản xuất giống cây lâm nghiệp; thành lập công ty lâm nghiệp TNHH 2 thành viên trở lên hoặc giải thể các công ty lâm nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài, các công ty thực hiện khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai…
Theo ông Trần Đức Thanh, Nghị quyết 30 nêu rất rõ các tiêu chí để chuyển đổi các công ty lâm nghiệp và nếu làm theo nghị quyết này thì công ty lâm nghiệp sẽ sống được. Ông Thanh phân tích: “Nếu công ty nào được cấp chứng chỉ rừng quốc tế thì được khai thác, được sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Nơi nào không đủ điều kiện thì chuyển thành doanh nghiệp hoạt động công ích. Khi đó, Nhà nước sẽ cấp toàn bộ kinh phí để công ty triển khai công tác bảo vệ rừng…”.
Còn ông Vũ Minh Khôi cho rằng: Nghị quyết 30 ra đời trong bối cảnh các mô hình công ty lâm nghiệp hoạt động không hiệu quả nên đã tạo sự phấn khởi rất lớn.
“Theo tinh thần Nghị quyết 30, Nhà nước sẵn sàng đặt hàng để các đơn vị giữ rừng có đủ kinh phí bảo vệ rừng. Lúc đó các công ty lâm nghiệp chỉ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ rừng nên chắc chắn tình trạng mất rừng tại các công ty lâm nghiệp sẽ từng bước được chặn lại. Nhưng việc này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn”, ông Khôi cho hay.
Hiện tỉnh Đắk Lắk đang chờ các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết 30 để có hướng sắp xếp, đổi mới 15 công ty lâm nghiệp. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, căn cứ vào thực tế địa phương có thể sẽ có 12 hoặc 13 (chiếm 80%) công ty lâm nghiệp được tổ chức lại theo dạng doanh nghiệp công ích, số còn lại là cổ phần hóa hoặc chuyển thành ban quản lý rừng.
Ông Dương khẳng định: “Cần phải hiểu rằng việc tiếp tục sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp không phải chỉ để cứu các công ty lâm nghiệp, điều quan trọng nhất là để cứu rừng Tây Nguyên. Dù chuyển đổi thành hình thức nào thì cũng phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ cụ thể của các công ty lâm nghiệp, gắn trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng thì mới giữ rừng được”.