Tái cơ cấu ngành trồng trọt: Bắt đầu từ đâu?

ThienNhien.Net – Có loại cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao gấp 30 lần nhóm cây truyền thống như lúa, ngô, tại sao chúng ta không chú trọng vào nhóm này?

Tái cơ cấu nông nghiệp trong đó lĩnh vực then chốt được xác định là tái cơ cấu ngành trồng trọt. Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Trả lời câu hỏi này, tại Hội nghị toàn quốc triển khai tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt diễn ra sáng 23/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tư duy sản xuất cần thay đổi từ chạy theo số lượng hướng tới những cây trồng tăng thu nhập cho nông dân”.

Cây ngô năng suất cao, thu nhập thấp (Ảnh: Hoàng Long)
Cây ngô năng suất cao, thu nhập thấp (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)

Cần xác định đâu là “xương sống”

Trong một thời gian dài, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển vượt bậc: Giá trị, sản lượng tăng, xuất khẩu cũng gia tăng theo từng năm. Cùng với đó, thu nhập cuả người nông dân cũng được cải thiện khá rõ nét. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua chủ yếu dựa trên việc phát huy tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng đầu vào và không chú trọng đến sự phát triển một cách bền vững, do đó dẫn đến một số hệ lụy: Năng suất các cây trồng chủ lực tăng chậm lại, chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản vẫn ở trạng thái manh mún, khiến cho thu nhập cho người nông dân vẫn thấp, đời sống bấp bênh… Nghịch lý ở chỗ, chúng ta xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực thuộc về lĩnh vực nông nghiệp, song người trực tiếp làm ra các sản phẩm nông nghiệp đó – nông dân – cứ mãi nghèo, cứ mãi khó. Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, của Bộ NN&PTNT.

Từ đó, giới quản lý cũng như giới chuyên gia thống nhất cho rằng, cần phải gấp rút tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó lĩnh vực then chốt là tái cơ cấu ngành trồng trọt.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, để tái cơ cấu ngành trồng trọt, Việt Nam cần phải xác định được 4 trụ cột, 4 trụ cột này chính là cái khung hay nói cách khác là “xương sống” phát triển của ngành.

Thứ nhất, trong tái cơ cấu ngành trồng trọt, cần lưu ý đến nhóm cây thức ăn chăn nuôi, vì trồng trọt phải gắn với chăn nuôi. Phát triển nhóm cây này với mục tiêu cung cấp thức ăn chăn nuôi cho ngành chăn nuôi. Là một nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam lại đang tồn tại nghịch lý phải nhập lượng thức ăn chăn nuôi quá lớn, dẫn đến bà con tăng chi phí, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bán ra với giá cao nên khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Đây cũng là bất cập tồn tại trong ngành chăn nuôi lâu nay. Bởi vậy, theo ông Ngọc, phát triển nhóm cây thức ăn chăn nuôi không những tạo đà để giảm nhập khẩu thức ăn chăn nuôi như lâu nay mà còn kết hợp thúc đẩy cả việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Thứ hai là nhóm cây trồng lâu năm, nhóm nay đã và đang được Nhà nước chú trọng đầu tư và coi đó là một trong số những sản phẩm chủ chốt trong lĩnh vực xuất khẩu, không ít loại cây như cà phê, hồ tiêu góp mình vào việc xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Do đó, theo ông Ngọc, cần phải tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất đối với nhóm cây này. Một nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt được đề xuất không thể thiếu trong việc đầu tư, tái cơ cấu ngành trồng trọt đó là nhóm rau củ quả. Đây là nhóm cần được xem như “quả đấm” của ngành này do đặc thù khí hậu, vị trí địa lý của nhiều địa phương có thể phát triển nhiều loại rau quả làm thế mạnh. Do đó, nhóm này cần được đặc biệt quan tâm, và là động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt.

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhóm rau củ quả giữ vai trò quan trọng. Đây là nhóm cần được xem như “quả đấm” của ngành trồng trọt, do đặc thù khí hậu, vị trí địa lý của nhiều địa phương có thể phát triển nhiều loại rau củ quả làm thế mạnh. Do đó, nhóm này cần được đặc biệt quan tâm, phải xem là động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt.

Và cuối cùng, vị chuyên gia ngành trồng trọt nhấn mạnh tới nhóm cây dược liệu. “Có loại cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao gấp 30 lần nhóm cây truyền thống như lúa, ngô, tại sao chúng ta không chú trọng vào nhóm này?” – ông Ngọc đặt vấn đề.

Đồng tình với ý kiến của vị nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến yếu tố cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đứng ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình đề xuất, bất cứ một đề án nào cũng cần phải xác định vấn đề cốt lõi để đề án phát triển là gì. Đối với đề án tái cơ cấu nông nghiệp nói chung, tái cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng, cần phải xác định, ai, đối tượng nào là “người lính” tham gia trên “chiến trường” này. Từ đó, ông Báo nêu quan điểm, tái cơ cấu ngành trồng trọt, chúng ta cần phải xác định hai đối tượng chính: doanh nghiệp và người nông dân- họ chính là những “người lính xung trận”, bởi vậy cần phải có sự đầu tư và đặc biệt chú trọng vào hai đối tượng này.

Tái cơ cấu ngành trồng trọt trong nông nghiệp là đòi hỏi cấp bách (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)
Tái cơ cấu ngành trồng trọt trong nông nghiệp là đòi hỏi cấp bách (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)

Nhanh chóng thay đổi tư duy

Những năm qua ngành trồng trọt đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và tăng trưởng của ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt chiếm đến 52% cơ cấu của ngành.

Thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng “Dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030”, đến nay Cục Trồng trọt tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng phê duyệt ban hành trong quý 4 năm nay. Mục tiêu của tái cơ cấu ngành trồng trọt nhằm duy trì tăng trưởng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện tái cơ cấu trồng trọt hiệu quả, các đại biểu cho rằng, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài việc chú trọng đầu tư phát triển các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao của mỗi địa phương, vùng và khu vực theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường, còn phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố cơ giới hóa nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch… Theo đại diện tỉnh Hậu Giang, nếu tái cơ cấu nông nghiệp mà quên mất yếu tố cơ giới hóa thì vẫn chỉ làm một cách thủ công, Việt Nam mãi vẫn sẽ đi sau các quốc gia khác.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nêu rõ, tái cơ cấu ngành trồng trọt là giải pháp quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Để thực hiện được điều này, cần phải thay đổi tư duy cũ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết để hướng tới phát triển bền vững.

“Phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức và cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là phải thay đổi từ các tiếp cận phát triển sản xuất tự cung tự cấp, cách tiếp cận chạy theo số lượng để có sự tăng trưởng sang nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững, chạy theo thu nhập của nông dân một cách bền vững”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.