ThienNhien.Net – Dọc hai bờ sông Kinh Thầy, đoạn chảy qua huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) các nhà máy xi măng, luyện thép, vật liệu xây dựng… mọc lên như nấm. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn bởi khói, bụi và tiếng ồn, chất thải… Ô nhiễm và bệnh tật, chết chóc dường như đang bị xem thường.
Ăn cơm, uống nước trộn khói bụi, mạt sắt
Đứng từ triền đê sông Kinh Thầy ở huyện Kinh Môn nhìn vào các xã Duy Tân, Hiệp Sơn lúc nào cũng thấy khói bụi nhờ nhờ. Những nhà máy xi măng, luyện thép, bãi tập kết vật liệu xây dựng thi nhau xả khói bụi lên không trung. Những tiếng ầm ầm như động đất có thể nghe rõ mồn một dù cách xa hàng cây số.
Nằm sát bên sông Kinh Thầy, Hiệp Sơn (Kinh Môn) vốn là xã thuần nông, nhưng nay đã biến thành một cụm CN rộng lớn với hàng loạt nhà máy của các DN tên tuổi như Cty CP thép Hòa Phát, Cty VLXD Thành Công III…
Tận cùng của xã Hiệp Sơn là một xóm nhỏ có tên gọi nghe là lạ, xóm Đèn Đuốc. Xóm có 64 hộ dân, sống sát sạt khu SX của Cty CP thép Hòa Phát nên bất kể ngày hay đêm đều phải đóng cửa, phủ rèm. Người làng đi lại thường phải trùm kín mặt, không dám thở nhiều.
Bà Vũ Thị Luyến, xóm Đèn Đuốc lắc đầu nguây nguẩy, cái gì chứ môi trường ở đây thì không còn gì để nói rồi. Từ sáng đến đêm, tiếng ồn từ khu SX của Cty thép Hòa Phát liên tục phát ra “tra tấn” người dân. Những hôm nhà máy hoạt động mạnh, chúng tôi có cảm tưởng như đang xảy ra động đất. Cửa kính, mái ngói rung lên bần bật. “Đi đâu nửa ngày mà không được nghe tiếng ồn của nhà máy có khi lại thấy nhớ chú à”, bà Luyến nói với giọng đầy đau khổ.
Không chỉ tiếng ồn, khói bụi từ nhà máy thép Hòa Phát “tra tấn” người dân xóm Đèn Đuốc cả ngày lẫn đêm. Bà Vũ Thị Lai dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà để “nói có sách, mách có chứng”.
Trên trần nhà bà Lai, tấm tôn đỏ đã bị phủ một lớp bụi, đông kết lại như xi măng. Bà Lai dùng một thanh sắt cạy, gõ mạnh nhiều lần, từng mảng cứng bong ra. Tại những chỗ đó, tấm tôn đỏ bị ăn mòn đến thủng lỗ chỗ.
Còn tại những chỗ không có tấm tôn đỏ che chắn, bụi đóng thành bánh, dày đến nửa gang. Bà Lai vơ từng vốc tay một rồi thả xuống, trông óng ánh như kim loại. Trẻ con ở xóm Đèn Đuốc lấy thử nam châm ra hút đống bụi thì phát hiện ra đó là mạt sắt.
Từ nhà đến bếp, ra đóng vào khép, ngày hai lần quét vẫn ra cả đống bụi. Riêng quần áo, bà Lai bảo, giặt xong khi đem ra phơi là phải để nguyên mặt phải ra ngoài. Hôm nào quên lộn mặt trái ra ngoài, khi mặc vào da ngứa như bị sâu đốt.
Bể nước ăn dưới sân nhà bà Lai cũng như nhiều hộ dân khác trong xóm còn kinh khủng hơn. Dưới đáy bể, bụi đóng thành bánh, dày cả gang tay. Dùng gậy khuấy mạnh, nước trở lên đục ngầu, đặc quánh như nước cống. “Bể nước nhà tôi che chắn kiểu gì cũng bị bụi vào như vầy. Mỗi lần bơm nước vào phải để lắng cả ngày, gạn lấy phần trong để đun.
Đun xong lại cho qua máy lọc nước mới dám uống. Còn nước đun nấu thì phải đi mua theo bình. Mang tiếng có nước sạch mà chẳng sạch đâu. Nhiều lúc ăn cơm xong, nhìn dưới đáy nồi canh toàn mạt sắt li ti thôi”, bà Lai tâm sự. Trên những tán lá nhãn, bưởi, hay chuối đã không còn màu xanh. Một màu đen, óng ánh bám chặt lấy những chiếc lá.
Bẻ một nhành lá nhãn, bà Lai ngâm vào chậu nước và cọ mạnh. Từng mảng bụi trên lá cây bong ra, cứng đúng như xi măng. Người dân Đèn Đuốc nhà nào cũng trồng rau… để làm cảnh mà chẳng dám ăn. Có dám ăn cũng nước đâu mà rửa rau cho vừa. Anh Q, người xóm Đèn Đuốc buồn rầu bảo, do hít phải khói bụi của nhà máy, hai đứa nhỏ nhà anh quanh năm bị ho, phế quản, viêm đường hô hấp.
Về lâu dài, không biết chúng nó có bị gì nữa không. Gặp những trận gió bấc, bụi như xối thẳng vào nhà, người lớn cũng lăn ra ốm chứ đừng nói trẻ con.
Một công nhân của Cty thép Hòa Phát cho biết, ở phía rìa sông Kinh Thầy, có rất nhiều xưởng đốt, tỏa ra khí màu da cam độc hại. Chỉ cần đi qua, hít phải một chút là bị tức ngực, choáng váng đầu óc. Còn từ trong nhà máy, có rất nhiều cống ngầm đưa nước thải xả ra sông Kinh Thầy.
Trong đó có một đường ống nối chung với hệ thống nước thải sinh hoạt của người dân chảy ra con sông cái. Mùa này, nước sông to, có xả cũng không phát hiện ra. Công nhân này còn tiết lộ, những đợt các cơ quan liên ngành về kiểm tra môi trường, không hiểu sao cả Cty đã biết từ 2 ngày trước.
Dân cứ chết, chính quyền chỉ biết báo cáo
Nằm phía bên kia sông Kinh Thầy, đối diện xóm Đèn Đuốc là thôn Trại Xanh của xã Duy Tân (cùng huyện Kinh Môn). Bao quanh thôn Trại Xanh là 4 nhà máy xi măng, cả chục lò vôi hoạt động hết công suất. Nguồn nước ở Trại Xanh hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Từ lâu, các ao hồ đã không còn thả được cá. Nhiều người bảo, có khi bọ gậy còn chết huống gì con cá. Dạo đầu, khi nước mới bị ô nhiễm, cá chết nổi trắng ao, người dân vớt về làm thức ăn cho lợn. Ăn xong, lợn cũng… theo đường cá. Nhắc tới Trại Xanh, người dân quanh vùng đều rùng mình bởi nơi đây có quá nhiều người chết trẻ. Trại Xanh được gọi bằng nhiều cái tên nghe chẳng lấy gì làm hay ho như “Làng chết oan”, “Làng ma ám”…
Trong quá trình điều tra chúng tôi được một công nhân ở trong nhà máy thép Hòa Phát tiết lộ: “Mỗi đợt có 1 hoặc 2 xe 16 chỗ về kiểm tra. Nhưng chúng tôi đã được báo từ 2 ngày hôm trước, tạm ngừng hoạt động để công nhân đi dọn dẹp đường sá sạch tưng. Hôm kiểm tra thì cho máy chạy cầm chừng, thế thì họ về kiểm tra còn nhìn thấy cái gì nữa. Sau khoảng 2 tiếng, đoàn kiểm tra đi, máy móc lại chạy bình thường”. Được biết, năm ngoái chính DN này từng bị bắt quả tang xả thải ra sông Kinh Thầy, sau vụ việc ấy, người ngoài hầu như rất khó tiếp cận. Các lối ra bờ sông đều bị bịt kín. Chúng tôi men theo một đường ống xả thải của Cty, đường ống này không xả trực tiếp ra sông Kinh Thầy mà chạy vòng vèo rồi đổ ra sông Đào, một nhánh nhỏ của sông Kinh Thầy. |
Theo thống kê của Trạm y tế xã Duy Tân, chục năm trở lại đây, toàn xã có đến gần 100 trường hợp tử vong vì mắc các bệnh ung thư. Người chết chủ yếu mắc ung thư phổi, gan, vòm họng… Có những gia đình, chưa đầy trăm ngày có ba người chết vì ung thư, xóm nhỏ phủ một màu tang trắng.
Ông Nguyễn Văn Đậu, Trạm trưởng trạm y tế xã Duy Tân cho biết, số người chết vì mắc ung thư trong xã ngày càng tăng qua các năm. Đặc biệt độ tuổi mắc và chết vì ung thư ngày càng trẻ, đa phần trong độ tuổi lao động. Số người chết trong độ tuổi này cao hơn nhiều lần những người chết vì bệnh già. Ông Lê Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho rằng, việc các nhà máy, cụm CN gây ra ô nhiễm môi trường là có, nhưng… ở mức chấp nhận được.
Và việc người dân nơi đây chết vì mắc bệnh ung thư là có thật, nhưng nếu so với tỉ lệ chung cũng ở dạng trung bình! Xung quanh nhiều xã người chết vì ung thư cũng cao, Duy Tân không phải là nơi trội nhất?! Về nguyên nhân, ông Kha cho rằng là do nguồn nước, không khí, thực phẩm ăn uống hằng ngày. Tại Duy Tân, hiện 2/3 người dân đã được sử dụng nước sạch từ dự án trạm cấp nước sạch tập trung.
Tuy nhiên, nguồn nước lại được lấy từ chính con sông Kinh Thầy đang oằn mình vì ô nhiễm. Chính ông Kha cho biết, hiện từ đầu nguồn sông Kinh Thầy, có rất nhiều bãi tập kết, tuyển rửa quặng đổ thẳng nước thải ra sông.
Trở lại câu chuyện của xóm Đèn Đuốc, ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn cho biết, việc người dân phản ánh về vấn đề môi trường thì xã cũng chỉ biết tiếp nhận rồi báo cáo lên huyện. Việc Cty thép Hòa Phát từng bị các cơ quan chức năng phát hiện việc xả thải chất độc hại ra sông Kinh Thầy là có.
Cũng như Duy Tân, người dân xã Hiệp Sơn nói chung, xóm Đèn Đuốc nói riêng vẫn phải sử dụng nguồn nước từ sông Kinh Thầy, mặc dù đã qua xử lí. Không chịu đựng được cảnh màn trời chiếu đất ngay cạnh Cty thép Hòa Phát, nhiều gia đình đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Diện tích nhà, ao vườn sau đó được chính Cty thép Hòa Phát mua lại với ý định mở rộng SX. Xóm Đèn Đuốc hiện còn hơn chục hộ vẫn kiên quyết bám nhà, bám vườn.
Bà Vũ Thị Luyến than, giờ đi thì tiền đâu mua nhà mua đất để ở đây? “Cty thỏa thuận trả cho chúng tôi có 1 triệu 3 một m2 đất, giờ ra ngoài trung tâm xã một mét vuông cũng phải 4 – 5 triệu. Như đất nghĩa địa kia, “rẻ” cũng 2 triệu rưỡi một mét. Đi rồi chúng tôi ra ngoài đường dựng bạt ở à”. Một hộ khác thì rầu rĩ “Đi thì trước sau gì chúng tôi cũng đi thôi, sống ở đây làm sao chịu được. Đời chúng tôi không cần, nhưng phải đi vì lũ trẻ”.
Người dân trong xóm cũng nói rằng, họ từng chứng kiến chính quyền địa phương đứng về phía DN trong lần bị thu hồi đất để xây dựng nhà máy, bây giờ dân khổ vì ô nhiễm cũng không thấy đứng ra bảo vệ. Chiều muộn, chúng tôi rời xóm nhỏ Đèn Đuốc, những bóng người qua lại dật dờ, ẩn hiện trong khói bụi. Không biết đến bao giờ cuộc sống của người dân ở những nơi như Đèn Đuốc hay Trại Xanh mới thôi bị đe dọa?