ThienNhien.Net – Trong giai đoạn 2009-2011, khi giá mủ cao su đạt mức cao kỷ lục (110-120 triệu đồng/tấn mủ quy khô), trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đã xảy ra tình trạng phát triển cao su ồ ạt, vượt quy hoạch, thậm chí trồng cao su cả trên diện tích đất chuyển đổi từ rừng khộp. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh Đắc Lắc đã trồng hơn 4.440ha cao su trên đất rừng khộp.
Trong đó, huyện Ea Súp trồng 3.526ha, vượt 280%; huyện Buôn Đôn trồng 920ha, vượt gần 100% so với quy hoạch phát triển cao su giai đoạn 2009-2015. Diện tích cao su trồng trên đất chuyển đổi từ rừng khộp vượt quy hoạch chủ yếu là cao su tiểu điền do các hộ nông dân trồng tự phát. Hậu quả, sau 5-7 năm kiến thiết cơ bản, cây cao su trồng trên đất chuyển đổi từ rừng khộp phát triển chậm, còi cọc, không cho mủ, hoặc cho mủ với năng suất và chất lượng thấp, khiến cả doanh nghiệp lẫn người nông dân lâm vào cảnh nợ nần và bế tắc. Hơn 4.440ha cao su đã trồng đang đứng trước tình trạng sản xuất thua lỗ, phải chuyển đổi, nhất là từ năm 2013 đến nay, khi giá mủ cao su trên thị trường đang ở mức thấp hơn giá thành sản xuất. Hiện nay, hầu hết diện tích cao su trồng trên đất rừng khộp ở tỉnh Đắc Lắc đều lâm vào cảnh tiêu điều. Nông dân bỏ bê vườn cao su, không chăm sóc, không cạo mủ. Nhiều hộ đã và đang phải chặt bỏ vườn cao su, chuyển đổi sang trồng cây nông sản ngắn ngày.
Được biết, trước khi chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su ở Đắc Lắc, đã có nhiều cuộc hội thảo nhằm bàn luận về hiệu quả kinh tế. Tại các hội thảo này, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những luận cứ cho rằng, không nên trồng cao su trên đất rừng khộp. Bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi phân bố rừng khộp khá khắc nghiệt, tầng đất mỏng; dễ ngập úng trong mùa mưa và khô hạn trong mùa khô, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển, sinh trưởng của cây cao su. Hơn nữa, cây cao su trồng trên tầng đất canh tác mỏng, chủ yếu lại là đất pha cát, sỏi, nên dễ đổ ngã.
Trong định hướng phát triển hơn 26.000ha cao su giai đoạn 2009-2020, Đắc Lắc quy hoạch trồng 7.886ha cao su trên đất chuyển đổi từ rừng khộp. Thiết nghĩ, từ thực trạng trên, chúng tôi cho rằng UBND tỉnh Đắc Lắc cần sớm xem xét lại, loại bỏ quy hoạch trồng cao su trên đất chuyển đổi từ rừng khộp, bởi không những không có hiệu quả kinh tế mà còn gây nhiều hệ lụy về môi trường sinh thái, mất rừng tự nhiên. Mặt khác, với hơn 4.440ha cao su đã trồng mà không đạt hiệu quả kinh tế, cần hỗ trợ để doanh nghiệp và nông dân chuyển đổi sang cây trồng phù hợp.