ThienNhien.Net – Ngày 19/9, người dân TPHCM thở phào nhẹ nhõm khi các phương tiện thông tin đại chúng loan tin các cơ quan chức năng TPHCM đã tìm thấy và thu hồi thiết bị có chứa nguồn phóng xạ kín Ir-192 (Iridium-192), có hoạt độ 20,5 Curie (Ci). Trước đó, vào trưa 12-9, nhân viên Công ty TNHH APAVE Châu Á – Thái Bình Dương đã đến trình báo các cơ quan chức năng về việc thất lạc thiết bị có chứa nguồn phóng xạ kể trên.
Đây là thiết bị phục vụ công tác kiểm tra khuyết tật của mối hàn trên các sản phẩm và công trình. Trong trường hợp nguồn phóng xạ được đưa ra khỏi thiết bị sẽ gây nguy hiểm đến môi trường và sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân. Nhận thấy mức độ nguy hiểm khi thiết bị này bị thất lạc, Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM đã ra thông báo khẩn cho các tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để có thể nhanh chóng thu hồi lại thiết bị. Cuộc tìm kiếm trong lo âu suốt mấy ngày với sự tham gia của nhiều lực lượng cuối cùng đã đạt được kết quả một cách may mắn. Chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra do thiết bị vẫn trong trạng thái đóng kín.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao một thiết bị chuyên dùng với kỹ thuật đặc biệt và có mức độ nguy hiểm rất cao như vậy lại được quản lý và bảo vệ lỏng lẻo đến mức một kẻ bình thường cũng có thể đánh cắp và đem cất giấu trong khu dân cư? Và với sự không chuyên, nếu kẻ lấy cắp thiết bị lại mày mò mở hộp chất phóng xạ và không biết cách đóng lại thì trong mấy ngày qua, hậu quả cho xã hội, cho người dân sẽ đến mức nào? Tại TPHCM hiện nay có bao nhiêu thiết bị có chứa chất phóng xạ và đang được quản lý như thế nào?…
Trong một lần tham quan Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, chúng tôi đã được chứng kiến quy trình quản lý cực kỳ nghiêm ngặt đối với tất cả các nguyên liệu, công cụ, thiết bị, dây chuyền sản xuất và sản phẩm của trung tâm này. Với sự quản lý chặt chẽ như vậy, VINAGAMMA đã hoạt động an toàn tuyệt đối trong suốt gần 15 năm qua.
Trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, chúng ta sẽ còn phải sử dụng rất nhiều công cụ, thiết bị công nghệ cao. Ngoài thiết bị sử dụng chất phóng xạ còn có cả những thiết bị dùng các chất hóa học – cũng rất độc hại nếu người bình thường tiếp xúc, nhiễm phải.
Mở rộng ra, trong quá trình hoạt động của các đơn vị và doanh nghiệp, các nguyên liệu, sản phẩm, thiết bị đặc chủng phải được quản lý bởi những quy định riêng biệt một cách chặt chẽ. Ngay tại trung tâm TPHCM, dư luận đã rất nhiều lần phản ánh về một nơi mua bán công khai nhưng rất cẩu thả các loại hóa chất, trong đó có rất nhiều loại hóa chất độc hại, đó là chợ Kim Biên (quận 5). Song bao nhiêu năm qua, các ngành chức năng vẫn bó tay với tình trạng buôn bán sôi động và không thể kiểm soát mức độ an toàn của khu chợ này.
Rõ ràng, từ chuyện thất lạc thiết bị phóng xạ trên đây đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý, bảo vệ và sử dụng các loại thiết bị có chất gây độc hại; từ các loại có chất phóng xạ, hóa chất đến các thiết bị laser, quang phổ, từ trường… Trách nhiệm trong vấn đề này phải được xem xét từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đề ra các quy định một cách chặt chẽ. Đồng thời, phải kiểm tra thường xuyên và xử lý triệt để các sai phạm, tránh tình trạng khi sự việc xảy ra mới huy động lực lượng truy xét và khắc phục.
Về phía các đơn vị sử dụng và doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc các quy định đã được ban hành, bởi đó là cách bảo vệ an toàn cho chính mình và cho cộng đồng. Riêng đối với người dân, khi phát hiện những thiết bị đặc biệt nói trên, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương gần nhất để các đơn vị có phương án xử lý kịp thời.