ThienNhien.Net – Một vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự nhưng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang không chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý mà chỉ đề xuất phạt hành chính
Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, vừa ký kết luận nội dung vụ tố cáo xảy ra tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Theo đó, việc Chi cục Kiểm lâm không chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý hình sự người vận chuyển lâm sản là do… áp lực từ bên ngoài, nặng về tình cảm, vận dụng tình tiết để giảm nhẹ không đúng với quy định của pháp luật.
Cố tình kéo dài thời gian xử lý?
Theo kết luận, ngày 2-11-2013, Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện xe tải biển số 61H-0245 do ông Phạm Thành Trung (SN 1986, ngụ huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước) điều khiển chở 6,8 m3 gỗ gõ mật (nhóm IIA, quy ra gỗ tròn là 11,001 m3) không hóa đơn chứng từ nên tạm giữ.
Đến ngày 18-11-2013, ông Trần Hữu Phúc (SN 1979) đến Chi cục Kiểm lâm nhận là chủ lô hàng nói trên và cung cấp hồ sơ chứng minh nguồn gốc gồm một hóa đơn do Công ty TNHH Rực Sáng (TP HCM) bán cho ông và một bảng kê lâm sản có xác nhận của Chi cục Kiểm lâm TP HCM.
Do trong bảng kê lâm sản, Chi cục Kiểm lâm TP HCM xác nhận ngày 5-11-2013 trong khi gỗ vận chuyển ngày 2-11-2013 nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang phối hợp công an xác minh tại Công ty Rực Sáng thì doanh nghiệp này thừa nhận có bán số gỗ trên cho ông Phúc. Tuy nhiên, xác minh thêm nguồn gốc gỗ thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang cho rằng số gỗ gõ mật mà Công ty Rực Sáng bán cho ông Phúc không phù hợp nguồn gốc lâm sản mà Công ty Quang Minh bán cho Công ty Rực Sáng.
Từ những xác minh trên, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang khẳng định hóa đơn Công ty Rực Sáng xuất bán là hóa đơn khống nhằm hợp thức hóa lô gỗ trái phép vận chuyển trên xe 61H-0245. Vì vậy, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang xử phạt ông Phúc 150 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số gỗ nói trên.
Không đồng ý quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang, ông Phúc làm đơn khiếu nại cho rằng Chi cục Kiểm lâm cố tình kéo dài thời hạn xử lý vi phạm là không đúng.
Tiếp nhận khiếu nại, qua kiểm tra, Sở NN-PTNT kết luận Chi cục Kiểm lâm và cơ quan phối hợp không chấp hành nghiêm thủ tục xử lý từ ban đầu dẫn đến vi phạm luật. Cụ thể, từ khi bắt giữ lô gỗ nói trên đến khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 66 ngày. Thời gian kéo dài này đã tạo điều kiện cho áp lực từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến tâm lý chung. Do đó, Chi cục Kiểm lâm và đơn vị phối hợp lẽ ra phải xử lý ông Phúc bằng biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đã chuyển qua xử lý hành chính.
“Tôi muốn khởi tố vụ án”
Theo ông Phúc, việc Chi cục Kiểm lâm cố tình kéo dài thời gian để xử phạt ông 150 triệu đồng theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ đối với lĩnh vực vi phạm quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là trái pháp luật vì nghị định này có hiệu lực từ ngày 25-12-2013. Trong khi đó, Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ lô hàng của ông vào ngày 2-11-2013 thì phải xử lý theo Nghị định 99/2009 của Chính phủ.
Theo Nghị định 99, hành vi mua bán, vận chuyển gỗ IIA không có nguồn gốc trên 7 m3 sẽ bị xử lý hình sự. Ông Phúc cho rằng nếu cơ quan chức năng khởi tố vụ án thì mới làm sáng tỏ được sự việc.
“Tôi mua gỗ của Công ty Rực Sáng và được xuất hóa đơn, bảng kê lâm sản chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Còn việc Công ty Rực Sáng bán gỗ không hợp pháp cho tôi thì cơ quan công an và kiểm lâm phải có trách nhiệm xử lý chứ sao xử phạt và tịch thu gỗ của tôi” – ông Phúc bức xúc.
Trong lúc khiếu nại đến Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, ông Phúc còn khởi kiện quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Tiền Giang ra TAND tỉnh này.
Xử sơ thẩm, tòa bác đơn khởi kiện của ông Phúc vì cho rằng: “Nếu áp dụng Nghị định 99/2009 thì với lượng gỗ 11 m3 đã vượt 4 m3 thì không xử phạt hình chính mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự nênchủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang áp dụng Nghị định 157/2013 để xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển, mua bán trái phép gỗ đối với ông Phúc là đúng pháp luật (?)”.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang, ông Phúc đã làm đơn kháng cáo lênTòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM.
Từng tố cáo sai phạmTrước đó, ngày 16-4, Báo Người Lao Động đã có bài phản ánh việc ông Trần Hữu Phúc tố cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang giải cứu hơn 120 m3 gỗ lậu do Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ. Đơn cử, ngày 21-11-2013, Công an tỉnh Tiền Giang bắt xe tải biển số 63C-023.28 chở khoảng 35 m3 gỗ của bà Huỳnh Thanh Tuyền (ngụ huyện Cai Lậy) có hồ sơ không đúng với loại gỗ thực tế trên xe.
Công an tỉnh Tiền Giang kết luận tài xế Phạm Văn Thuận có hành vi vận chuyển gỗ trái pháp luật và chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm tiếp tục xử lý. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm mời thợ cưa gỗ đến giám định lại số gỗ nói trên và kết luận chỉ có 3,7 m3 không nguồn gốc và xử phạt hành chính bà Tuyền 40 triệu đồng, trả toàn bộ số gỗ còn lại. “Công an có văn bản kết luận toàn bộ 35 m3 gỗ của bà Tuyền là gỗ lậu, còn Chi cục Kiểm lâm khẳng định chỉ 3,7 m3. Vậy nếu kiểm lâm đúng thì Công an tỉnh Tiền Giang sai (?!)” – ông Phúc đặt vấn đề. Về tố cáo này của ông Phúc, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang vẫn chưa có kết luận cụ thể. |