ThienNhien.Net – Đây là nội dung cuộc tọa đàm do Liên minh năng lượng vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội nhằm nêu thực trạng cũng như tìm giải pháp để phát triển bền vững nguồn năng lượng tại Việt Nam.
Những thách thức đáng lo ngại
TS.Ngô Đức Lâm – chuyên gia năng lượng – cho biết, giai đoạn 2001-2011, ngành năng lượng Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc về quy mô với sản lượng điện đạt 100 tỷ kWh và cơ bản đáp ứng đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, từ năm 2014 trở đi, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng do nhu cầu sử dụng tăng cao mà nguồn cung lại thiếu. Theo dự báo đến năm 2015, chúng ta cần đến gần 200 tỷ kWh, đến năm 2020 là 350 tỷ kWh và năm 2030 là 750 tỷ kWh. Nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng gần một nửa cơ cấu nguồn điện, tiếp đến là thủy điện, nhiệt điện khí… Như vậy đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50 triệu tấn than và đến năm 2025, sẽ thiếu hụt 77 triệu tấn cho phát điện và các ngành sản xuất khác.
Trong khi đó, theo TS. Đào Trọng Tứ – chuyên gia của Liên minh lượng, nguồn tài nguyên hóa thạch như than, dầu khí ngày càng cạn kiệt, khai thác khó khăn với chi phí cao hơn; thủy điện cũng đã triển khai hết các dự án lớn và Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng từ năm 2015 để bù đắp cho sự thiếu hụt này.
“Có thể nói, ngành năng lượng Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển biến lịch sử từ một đất nước chưa bao giờ phụ thuộc vào nguồn năng lượng bên ngoài, nhưng từ năm 2015 sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Điều này có thể dẫn đến nhiều ràng buộc trong tương lai” – ông Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.
TS. Đào Trọng Tứ Chuyên gia của Liên minh năng lượng: Bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình năng lượng, cần thúc đẩy chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua việc thực hiện mô hình thị trường điện cạnh tranh gắn liền với tái cấu trúc ngành điện theo hướng công khai, minh bạch. |
Tập trung phát triển năng lượng tái tạo
Theo TS. Ngô Đức Lâm, hiện chính sách về năng lượng của Việt Nam mới chỉ tập trung vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, còn các nguồn năng lượng tái tạo khác chưa được quan tâm, phát triển đúng mức. Trong khi đó, nguồn tài nguyên này ở Việt Nam rất dồi dào, nếu có chính sách, cơ chế phát triển hợp lý thì không cần phải nhập khẩu năng lượng.
Ông Jackob – chuyên gia năng lượng Đan Mạch – cho hay, vào những năm 70 của thế kỷ trước, Đan Mạch cũng rơi vào tình trạng phụ thuộc quá lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu nhưng với sự thay đổi chiến lược, chính sách ưu tiên cho năng lượng tái tạo, đến nay quốc gia này không chỉ tự chủ về nguồn năng lượng mà còn xuất khẩu năng lượng và công nghệ ra thế giới.
Theo ông Jackob, xu hướng của thế giới là phát triển nguồn năng lượng tại chỗ và Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này, nhưng với điều kiện phải thay đổi chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách hợp lý, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nâng cao nhận thức của cả cộng đồng. Đơn cử như nguồn biogas ở nông thôn, chất thải rắn đô thị đang bị lãng phí nếu chấp nhận đầu tư, cho dù chi phí ban đầu có thể đắt nhưng xét về tổng thể sẽ giải quyết được hai vấn đề phát điện và xử lý môi trường. Hay như điện năng lượng mặt trời, cũng có thể tận dụng phát triển trong tương lai, nhất là ở các khu vực miền núi, hải đảo vì công nghệ phát triển, chi phí đầu tư sẽ giảm đi.
Các chuyên gia đều có chung quan điểm, Việt Nam cần quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên cơ sở rà soát cơ chế, chính sách phát triển năng lượng, để đưa ra quy hoạch hợp lý loại bỏ những rào cản để năng lượng tái tạo có chỗ đứng thực sự.