Song hành cải thiện khí hậu và phát triển kinh tế

ThienNhien.Net – Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra tại New York vào tuần tới. Chủ đề sẽ được bàn đến là: Tăng trưởng kinh tế và giảm lượng khí thải carbon đối chọi nhau hay có thể cùng song hành?

Một bản cáo của Ủy ban Toàn cầu về Năng lượng và Khí hậu vừa mới ban hành trước khi khai mạc hội nghị quan trọng và bổ ích này.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói: “Hành động để biến đổi khí hậu là cấp bách” (Ảnh: Word Press)
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói: “Hành động để biến đổi khí hậu là cấp bách” (Ảnh: Word Press)

Một nền kinh tế khí hậu mới

Ủy ban Toàn cầu về Năng lượng và Khí hậu (NL-KH) do cựu Tổng thống Mexico, Felipe Calderón làm Chủ tịch và các thành viên là các cựu nguyên thủ quốc gia, nhiều bộ trưởng tài chính, kinh tế và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Hơn 100 tổ chức đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho bản báo cáo của Ủy ban bằng các kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi các viện nghiên cứu kinh tế và chính sách của các nước.

Bản dự thảo báo cáo mang tên “Tăng trưởng tốt hơn, khí hậu tốt hơn: Một nền kinh tế khí hậu mới” đã được trình bày trước với sự hiện diện của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Bản báo cáo sẽ đóng góp vào cuộc tranh luận toàn cầu về chính sách kinh tế, và thông báo các chính sách đang được các chính phủ theo đuổi và các quyết định đầu tư của các tập đoàn kinh doanh và tài chính trên thế giới.

Theo báo cáo, bất kể sự khác nhau trình độ, về sự giàu có, các nước hiện nay đang có thời cơ để vừa xây dựng, tăng trưởng kinh tế và vừa đồng thời giảm rủi ro biến đổi khí hậu. Và nguồn vốn cần thiết để thực hiện đầu tư là sẵn có và tiềm năng cho sự đổi mới là rất lớn, vấn đề còn lại cấp thiết là giới lãnh đạo chính trị có mạnh mẽ và đáng tin cậy và các chính sách đưa ra có phù hợp.

Và trong thực tế, một số quốc gia ở các châu lục khác nhau đã bước vào con đường đó trong vài năm gần đây. Có thể lấy dẫn chứng là nước Ba Lan và Ấn Độ.

Ở Ba Lan, bao nhiêu năm qua, nguồn than đá dồi dào đã được khai thác và sử dụng triệt để, cung cấp đến 90% sản lượng điện, hậu quả là gây ô nhiễm nặng nề về môi trường, trở thành đất nước có chất lượng không khí thấp nhất ở Châu Âu. Cụ thể, nồng độ bụi hạt kích cỡ lớn dễ gây ra các vấn đề về tim mạch và hô hấp tại các thành phố của Ba Lan thường xuyên vượt quá giới hạn cho phép hàng ngày và hàng năm. Vì vậy, việc Ba Lan đi tìm nguồn điện năng sạch để thay thế là điều cấp bách. Và nước này đã chọn điện hạt nhân như là biện pháp tối ưu nhất trong sự tính toán về nhiều phương diện. Theo bản kế hoạch dự thảo gần đây về chính sách năng lượng thì đến năm 2050 nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào than đá, cả carbon đen và carbon nâu, nhờ vào việc tăng cường điện hạt nhân và một phần đáng kể năng lượng tái tạo.

Hoặc ở Ấn Độ, nguồn điện cung cấp cho khoảng 300 triệu dân cũng đang lệ thuộc vào nhiên liệu than đá. Dù có một tiềm lực điện hạt nhân đáng kể với 21 tổ máy (hay lò phản ứng), Ấn Độ cũng vẫn phải sử dụng đến 80% than carbon cho các nhà máy nhiệt điện và nước này cũng, tất nhiên, nước này cũng bị xếp vào danh sách các nước có bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Và vì vây, Ấn Độ có kế hoạch mạnh mẽ hơn nữa để giảm thiểu quá trình dùng than carbon cho phát điện từ 80% hiện nay xuống dưới 20% bằng cả hai mũi nhọn, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Từ các dẫn chứng trên, chúng ta hiểu được sự đánh giá tổng quát của bản báo cáo của Ủy Ban Toàn cầu về Năng lượng và Khí hậu, trong đó có đoạn: “Sự biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính trong quá khứ đã gây những hậu quả kinh tế nghiêm trọng … Nếu không có hành động mạnh mẽ hơn trong 10-15 năm tới, điều này sẽ dẫn đến khí thải toàn cầu đạt đỉnh và sau đó rơi xuống, kết quả gần như chắc chắn là sự ấm lên toàn cầu trung bình sẽ vượt quá 2°C , một mức mà cộng đồng quốc tế đã đồng ý không được để vượt qua”, nguyên văn báo cáo viết.

Những ống khói phát thải khí nhà kính của nhà máy điện chạy than (Ảnh: VietNamNet)
Những ống khói phát thải khí nhà kính của nhà máy điện chạy than (Ảnh: VietNamNet)

Vì vậy, một quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp nằm ở trung tâm của kế hoạch hành động 10 điểm cụ thể đã được Ủy ban Toàn cầu về Năng lượng và Khí hậu đưa ra. Vấn đề khí hậu phải được lồng ghép vào tất cả các quyết định kinh tế, được hỗ trợ bởi một thỏa thuận khí hậu quốc tế “mạnh mẽ, lâu dài và công bằng” với giá carbon cần dự tính đủ mạnh, đủ cao. Sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển cơ sở hạ tầng carbon thấp và rút lui dần việc sử dụng than đá cũng được đề cập trong bản kế hoạch.

Công nghệ hạt nhân đã được chú ý

Hình ảnh một nhà máy điện hạt nhân với hai lò phản ứng của Iran (Ảnh: wwwpennenergy.com)
Hình ảnh một nhà máy điện hạt nhân với hai lò phản ứng của Iran (Ảnh: wwwpennenergy.com)

Các nguồn năng lượng carbon thấp và tái tạo khác nhau có thể dễ dàng chiếm hơn một nửa tổng điện lượng thuộc tất cả thể loại phát trong vòng 15 năm sắp tới. Căn cứ tình hình đó, Ủy ban Toàn cầu kiến nghị nâng cao hơn nữa tham vọng về các dạng năng lượng tái tạo và không-carbon khác nhau. Trong khi, sự chú ý đặc biệt được dành cho sự phát triển nhanh chóng và triển khai các năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, trong những năm gần đây, hạt nhân đã được công nhận là một loại điện năng carbon thấp. Điều này đã được chứng minh và khẳng định. Tuy vậy, việc thu hút và lưu giữ carbon, ngược lại, cũng nên được xem là một công nghệ “giai đoạn đầu” cần đầu tư lớn và hỗ trợ nếu nó trở thành một phương án hiện thực.

Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu đã phát điện lên lưới điện quốc gia (Ảnh: baobaclieu)
Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu đã phát điện lên lưới điện quốc gia (Ảnh: baobaclieu)

Nếu thực hiện đầy đủ, Ủy ban toàn cầu NL-KH cho rằng đề xuất của mình có khả năng đạt được sự cắt giảm đến 90% lượng khí thải vào năm 2030 cần thiết để tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm, mặc dù điều này sẽ đòi hỏi “sự quyết định và hành động sớm của các nhà xây dựng chính sách kinh tế.”

Nhà kinh tế Nicholas Stern, đồng chủ trì Ủy ban toàn cầu NL-KH nhận định: “Nếu chọn đầu tư carbon thấp, chúng ta có thể khởi phát sự tăng trưởng chất lượng cao, mạnh mẽ, không chỉ trong tương lai, mà cả lúc này. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục lao theo con đường-carbon cao, gây biến đổi khí hậu thì sẽ tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sự thịnh vượng lâu dài”, Nicholas Stern nhận định. Và ông Ban Ki-moon sốt ruột: “Không còn thời gian nữa. Độ phát thải khí nhà kính đã ở mức kỷ lục. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã quá rộng khắp, gây tốn kém và hậu họa”.

Để kết luận, có thể lấy câu nói của vị Chủ tịch Ủy ban Toàn cầu NL-KH: “Thông điệp đến với các nhà lãnh đạo quả đã rõ ràng. Chúng ta không phải lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và khí hậu an toàn. Chúng ta cần chọn cả hai.”