ThienNhien.Net – Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến 2020, ngành Trồng trọt sẽ giảm 5,7 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 10% lượng khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt.
Các mô hình thử nghiệm canh tác lúa cải tiến, giảm phát thải khí nhà kính ở một số địa phương đã thu được kết quả thực sự, vừa mang lại hiệu quả bền vững về môi trường, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân.Trên cơ sở này, ngành Nông nghiệp sẽ xem xét tính khả thi của quy trình, kiến nghị về chính sách, chiến lược, các kế hoạch hành động để nhân rộng quy trình sản xuất lúa ở ĐBSCL và trên cả nước nhằm bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Đó là những đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tại diễn đàn Nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính do Bộ NN&PTNT, Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG), Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp tổ chức ngày 17/9, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong các nguồn phát thải khí nhà kính, sản xuất nông nghiệp chiếm 14%. Để giảm phát thải trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu đến 2020, ngành Trồng trọt sẽ giảm 5,7 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 10% lượng khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt.
Để đạt được kết quả trên, ngành Trồng trọt sẽ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước và chi phí đầu vào; thu gom, tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ… nhằm hạn chế tối đa việc gây phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Cục Trồng trọt cho biết, sẽ nghiên cứu hoàn thiện phương pháp kiểm kê khí nhà kính đối với các hệ thống canh tác trồng trọt; hoàn thiện quy trình canh tác nâng cao năng suất, giảm phát thải, đồng thời nghiên cứu công nghệ xử lý và tái sử dụng chất thải nông thôn, phế phụ phẩm trong trồng trọt, tăng hiệu quả kinh tế, giảm mức độ phát thải…
Qua quá trình thực hiện dự án Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính của Quỹ Bảo vệ môi trường ở An Giang và Kiên Giang, bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án cho biết: Mô hình đã giảm được 50% lượng giống, 30% phân bón, 30-40% thuốc bảo vệ thực vật, 40-50% nước, 20-30% công lao động. Năng suất lúa cũng tăng 10-15% nên thu nhập của nông dân tăng 5-10%.
Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa này tại An Giang đã giảm trung bình 7,7 tấn khí thải/ha/năm, tại Kiên Giang giảm 45 tấn khí thải/ha/năm, bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái, đồng thời tạo ra sản phẩm gạo an toàn, chất lượng cao, thân thiện môi trường.