ThienNhien.Net – Tiện dụng, rẻ tiền là hai ưu thế làm cho túi nylon trở thành vật dụng hết sức cần thiết cho cuộc sống. Bản thân sản phẩm này không có hại cho môi trường sống nhưng chính cách sử dụng và thải bỏ loại sản phẩm này của mỗi người đã và đang trực tiếp hoặc gián tiếp gây hại cho môi trường. Từ đó gây tác hại trở lại sức khỏe và cuộc sống của chính bản thân mình.
Một nghiên cứu gần đây nhất do Chính phủ Hà Lan tài trợ cho TPHCM cho thấy, việc sử dụng và thải bỏ nhựa không đúng quy trình đã và đang gây nên những tác hại rất nghiêm trọng cho môi trường nói chung và TPHCM nói riêng. Điển hình nhất là toàn bộ hệ thống kênh rạch của TP gần như bị tắc nghẽn bởi rác thải mà thành phần chủ yếu lại chính là nylon và nhựa các loại. Điều đáng nói là nhựa gần như không thể phân hủy trong môi trường tự nhiên mà thường vỡ vụn thành những hạt có kích thước rất nhỏ.
Các hạt nhựa này có khả năng hấp thụ rất tốt các loại chất độc hữu cơ bền. Chúng có thể hấp thụ chất độc gấp hàng triệu lần so với trọng lượng của nó. Sau đó, thông qua chuỗi thực phẩm, các hạt nhựa chứa hàng trăm loại chất độc trở thành thức ăn của nhiều loại động, thực vật và chuyển thành thực phẩm cung cấp cho con người. Đây chính là tác nhân gây nên hàng loạt dịch bệnh ở người như rối loạn thần kinh, ung thư, dị tật thai nhi, tả lỵ, và các bệnh liên quan đến tiêu hóa, hô hấp…
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, tác nhân đã thấy rõ. Nhưng rõ hơn nữa là nguyên nhân khiến cho tình trạng rác thải nylon tràn lan trong môi trường. Đó chính là do ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn kém. Nhiều người dân vẫn giữ thói quen vứt rác ra kênh rạch.
Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố vẫn còn rất nhiều nhà dân sống ven hệ thống kênh rạch chưa được giải tỏa, di dời. Một nguyên nhân khác là hiện Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định mức xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi từ 300.000 – 500.000 đồng nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được lực lượng nào có chức năng thực thi quy định này. Do vậy, đã tạo tâm lý lờn thuốc trong một bộ phận người dân thành phố.
Xuất phát từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi nylon trên địa bàn thành phố. Cụ thể, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sử dụng túi nylon sang túi thân thiện với môi trường; xây dựng và đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ vốn cho hoạt động thu gom, tái chế nylon.
Đồng thời, có những chính sách nhằm khuyến khích việc kinh doanh sản phẩm túi thân thiện môi trường. Áp dụng chặt chẽ Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm túi nylon không thân thiện môi trường. Riêng các trung tâm thương mại, các siêu thị, cửa hàng, nhà sách, ban quản lý các chợ…, nơi tập trung sử dụng túi nylon cũng được khuyến cáo áp dụng giải pháp nhằm giảm thiểu sử dụng túi nylon. Trong đó, phải hạn chế không phát túi nylon miễn phí cho khách hàng (ngoại trừ túi nylon dùng để chứa đựng và cân các mặt hàng tươi sống); bố trí điểm thu gom túi nylon đã qua sử dụng; có túi, phương tiện đựng hàng thay thế túi nylon để khách hàng lựa chọn kết hợp với khuyến cáo người tiêu dùng về những tác hại khi sử dụng túi nylon…
Có thể nói, đây là những chính sách cần thiết và cấp bách nhằm góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm và nhiều bất cập tại TP. Tuy nhiên, để những giải pháp trên có thể phát huy tối đa hiệu quả, thành phố cần phải đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn. Bởi đây chính là cơ sở để người dân vừa đóng góp, vừa thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường.
Chỉ khi người dân thực hiện tốt hoạt động phân loại rác tại nguồn thì rác thải nói chung mới được chuyển giao một các triệt để, không bị thải bỏ bừa bãi ra môi trường. Đồng thời, tạo nền tảng bền vững để thiết lập ngành tái chế chất thải nói chung thành những sản phẩm thân thiện môi trường, từng bước thay thế những sản phẩm không có lợi cho môi trường.