ThienNhien.Net – Hiện tại, tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT có biến chuyển gì; DN XK gỗ sẽ được hưởng lợi ích cũng như phải đối mặt với khó khăn như thế nào sau khi hiệp định chính thức ký kết…? Phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn ông Cao Chí Công- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.
Tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT đã sắp kết thúc. Còn có vướng mắc gì khó giải quyết giữa đôi bên, thưa ông?
Ông Cao Chí Công: Hiện tại, những vấn đề cơ bản của Hiệp định đã được thống nhất giữa Việt Nam và EU. Các điều khoản đảm bảo thuận lợi cho cả phía mình và phía “bạn”. Tuy nhiên, chỉ còn duy nhất một điểm chưa thống nhất cao là kiểm soát nguồn gốc gỗ NK. Phía EU yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát nguồn gốc gỗ NK vào nước mình. Ví dụ, nếu Việt Nam NK gỗ từ Nga thì phải kiểm soát được tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ Nga.
Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam là, Việt Nam chỉ cần thấy thủ tục của nước XK cho XK đạt là sẽ thông quan. Bởi, Việt Nam tin tưởng các đối tác XK gỗ và cũng rất khó để tự tiến hành kiểm soát nguồn gốc gỗ từ quốc gia XK. Dự kiến, vào ngày 26-9 tới sẽ có một cuộc họp nữa giữa Việt Nam và EU để tiếp tục bàn bạc và đi đến thống nhất trong vấn đề này.
Theo ông, Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết sẽ mở ra những cơ hội gì cho XK gỗ Việt Nam?
Ông Cao Chí Công: Trước hết phải khẳng định rằng, khi ký kết hiệp định thì việc kiểm soát gỗ của Việt Nam được tăng cường, có lợi cho đất nước. Hiện, Việt Nam cũng đang hướng tới làm sao quản lý chặt chẽ để giữ rừng, phát triển rừng bền vững. Thêm một điều chắc chắn là, XK gỗ vào thị trường 28 nước EU sẽ bài bản và thuận lợi hơn. Hiện tại, lượng gỗ XK sang EU chiếm 15% trên tổng ố gỗ XK của Việt Nam. Sau hiệp định ký kết, kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 20%.
Để nâng cao năng lực cho các DN gỗ, Dự án “Nâng cao năng lực cung cấp thông tin cho DN và cơ quan truyền thông trong quá trình thực thi FLEGT” đã thực hiện năm nội dung cụ thể. Thứ nhất, đánh giá nhu cầu đào tạo và thông tin về FLEGT của các DN ngành Gỗ và các bên liên quan. Thứ hai, tiến hành hội thảo đào tạo cho nhóm truyền thông về các vấn đề liên quan đến FLEGT. Thứ ba, thực hiện kế hoạch truyền thông về các vấn đề FLEGT. Thứ tư, xây dựng và xuất bản tài liệu cung cấp thông tin cho các DN. Thứ năm, xây dựng một trang web về VPA /FLEGT và các vấn đề liên quan dành cho DN. |
Ngoài ra, điều đáng nói là, nếu gỗ Việt đã có thể xâm nhập vào thị trường EU thì các thị trường khác trên thế giới cũng sẽ tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm gỗ Việt Nam, nhờ đó nâng cao uy tín cũng như khả năng gia tăng kim ngạch XK vào các thị trường này.
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh thuận lợi, các DN trong ngành gỗ sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề chứng minh nguồn gốc gỗ khi Hiệp định VPA/FLEGT chính thức có hiệu lực. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Cao Chí Công: Thực tế hiện nay, những DN lớn và vừa thường xuyên XK gỗ sang EU đã làm tốt việc chứng minh nguồn gốc gỗ rồi. Chỉ có những DN nhỏ sẽ gặp chút bỡ ngỡ. Điều này không phải do DN không đủ năng lực để làm mà chỉ là vì DN ít làm nên chưa quen.
Từ trước tới nay, các DN nhỏ thường chỉ quen thuộc với thị trường nội địa hoặc XK qua đơn vị trung gian. Do vậy, DN thiếu kinh nghiệm làm việc bài bản, tuần tự. Ví dụ như DN phải phải lưu trữ hồ sơ, giấy tờ từ lúc trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ, vận chuyển… Trước DN không để ý, chỉ lo mua gỗ hợp pháp, XK là được, giờ DN phải chứng minh từng khâu một rõ ràng.
Để hỗ trợ cho DN cũng như người dân quen với việc làm chuyên nghiệp, dễ dàng chứng minh nguồn gốc gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp đã có chương trình đào tạo tập huấn cho người dân trồng rừng, kinh doanh rừng, hướng dẫn cụ thể cách lưu trữ hồ sơ, bảo vệ môi trường… Hiện nay, các chính sách của Việt Nam cũng đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu của EU và tạo điều kiện để DN dễ dàng hoàn thiện mọi thủ tục, giấy tờ. Điều quan trọng là DN phải chú ý, tìm hiểu và chấp hành cho đúng.
Xin ông cho biết, việc cấp phép cho từng đơn hàng XK sẽ được tiến hành như thế nào, liệu có gây phiền hà, khó khăn cho DN?
Ông Cao Chí Công: Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT, giao cho Cơ quan Cites Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp) là đơn vị nòng cốt phụ trách cấp phép cho DN. Ngoài ra, sẽ có thêm một bộ phận riêng biệt liên quan trực tiếp tới Hiệp định VPA/FLEGT của Tổng cục phối hợp triển khai công tác này.
Nhiệm vụ chính của các đơn vị trên là cấp phép cho DN XK gỗ theo đúng những quy định cam kết với EU trong Hiệp định VPA/FLEGT. Dự kiến, số lượng đơn hàng cần cấp phép sẽ rất nhiều nên hoạt động cấp phép được triển khai điện tử, trên một hệ thống mạng riêng. DN có thể đăng ký xin cấp phép trên hệ thống mạng điện tử, việc phê duyệt, cấp phép cũng sẽ được tiến hành nhanh chóng, đảm bảo độ chính xác cho DN.
Thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ triển khai những biện pháp như thế nào để hỗ trợ DN tận dụng tốt nhất những ưu thế từ Hiệp định VPA/FLEGT?
Ông Cao Chí Công: Quan điểm của Tổng cục Lâm nghiệp là sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trước VPA/FLEGT. Cụ thể, để hỗ trợ DN trong vấn đề cấp phép,
Tổng cục sẽ căn cứ vào phân loại DN luồng Xanh, luồng Đỏ theo số liệu của cơ quan Hải quan để cấp phép. Ví dụ, theo số liệu của cơ quan Hải quan, DN nào thuộc luồng Xanh thì chỉ cần chuẩn bị đầy đủ mọi giấy tờ sẽ được xem xét cấp phép nhanh. Chỉ với những DN thuộc luồng Đỏ, cơ quan chức năng mới tiến hành xác minh thông tin cần thiết.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiến hành đào tạo để các DN hoàn toàn thuần thục các bước cấp phép. Đặc biệt, trong quá trình cấp phép, Tổng cục cũng thường xuyên cập nhật, tiếp nhận những phản hồi, vướng mắc, bất cập từ phía DN để giải quyết kịp thời, không để DN gặp khó.
Xin trân trọng cảm ơn ông!