ThienNhien.Net – Vì sao đào bán gần 7 tấn vàng nhưng doanh nghiệp khai thác vàng vẫn cứ kêu lỗ, đóng cửa mỏ vàng và không chịu trả nợ tiền thuế hơn 300 tỷ đồng?
VOV đã nêu nỗi khổ của người dân sống trên vùng đất vàng Quảng Nam. Việc Công ty Besra Việt Nam đóng cửa 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, tỉnh Quảng Nam đã gây ra nhiều bức xúc với chính quyền và người dân địa phương. Vì sao đào bán gần 7 tấn vàng nhưng doanh nghiệp khai thác vàng vẫn cứ kêu lỗ, đóng cửa mỏ vàng và không chịu trả nợ tiền thuế hơn 300 tỷ đồng?
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu là 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc Tập đoàn Besra. Tập đoàn này thành lập Công ty Besra Việt Nam để điều hành 2 Công ty Vàng nêu trên. Sau thời gian đầu làm ăn hiệu quả, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, từ năm 2010 đến nay, 2 Công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu bắt đầu chậm nộp thuế.
Đến nay, 2 công ty còn hơn 300 tỷ đồng tiền thuế, chưa kể hàng chục tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thời gian gần đây, lãnh đạo 2 công ty này tỏ thái độ không hợp tác với các ngành chức năng của địa phương, vi phạm pháp luật về thuế. Lãnh đạo 2 công ty nhiều lần cam kết trả nợ thuế nhưng không thực hiện đúng lời hứa.
Ông Lương Đình Đường, Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Việc nợ thuế công ty đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế Việt Nam, mà cụ thể là Luật quản lý thuế. Trong đó, Luật quản lý thuế yêu cầu, người nộp thuế phải có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng hạn”.
Giải thích cho việc 2 công ty nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, ông David Seton – Chủ tịch Tập đoàn Besra hết vin vào khó khăn chung của kinh tế thế giới, giá vàng sụt giảm sâu lại kêu ca về thuế suất tài nguyên, phí môi trường quá cao và chịu ảnh hưởng của đợt bão năm 2013. Giải thích như vậy là không thể chấp nhận, bởi số thuế này được tính trên doanh thu. 2 công ty đã bán được vàng sao lại không chịu nộp thuế? Còn đối với thuế tài nguyên và phí môi trường thì đã có quy định chung, các doanh nghiệp làm ăn trong lĩnh vực này đều thực hiện nghĩa vụ một cách đầy đủ nên Tập đoàn Besra không có cớ gì để kêu ca.
Một dấu hiệu bất thường là thời gian qua, Công ty vàng Phước Sơn xin phép chở quặng từ mỏ vàng Phước Sơn về Bồng Miêu để chế biến, cách xa gần 200 cây số. Theo giấy phép đầu tư của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp cho Công ty Vàng Bồng Miêu, thì thuế tài nguyên chỉ ở mức 3% giá trị sản phẩm khai thác theo thời giá.
Trong khi đó, thuế suất tại Công ty vàng Phước Sơn là 15%. Phải chăng đây là kẽ hở để doanh nghiệp “lách luật”, trốn thuế. Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đặt nghi vấn, liệu có tình trạng chuyển vàng từ Phước Sơn về Bồng Miêu để hưởng thuế suất thấp 3%, mức chênh lệch lên tới 12%: “Hai Công ty Bồng Miêu và Phước Sơn cùng một chủ là Tập đoàn Basre nhưng 2 mức thuế và 2 quy định khác nhau như thế là bất cập. Thời gian vừa qua, có việc đưa quặng, đưa vàng từ Công ty Phước Sơn qua Công ty Bồng Miêu. Cục thuế có thông tin là công ty Vàng Phước Sơn cho mượn, mà mượn thì nói miệng thế thôi chứ hóa đơn thì không có”.
Việc 2 công ty vàng nêu khó khăn do ảnh hưởng mưa bão cũng được các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, xem xét. Thế nhưng, nội dung biên bản kiểm kê, đánh giá thiệt hại do Công ty lập không nêu rõ địa điểm và thời gian xảy ra thiệt hại do thiên tai; cũng không có văn bản xác nhận của chính quyền và cơ quan chức năng, không có hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường.
Và thực tế năm 2013, địa bàn miền núi Phước Sơn lẫn Phú Ninh, nơi có các mỏ vàng không bị ảnh hưởng trận bão nào đáng kể. Rõ ràng, những lời lẽ mà ông Chủ tịch Tập đoàn Besra biện hộ cho việc nợ thuế là không đúng thực tế, vì thế không được ngành thuế Quảng Nam chấp nhận.
Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Nam thẳng thắn nêu quan điểm: “Thuế đã xuất hiện đến cuối tháng 6 là 293 tỷ đó đã nằm trong doanh thu họ đã bán vàng đi rồi. Và báo cáo tài chính năm nào cũng lãi và tiền đã bán. Thuế này là thuế trong doanh thu anh bán anh phải nộp, nhưng mà vì họ sử dụng vào việc của họ, họ không hợp tác và kiên quyết không nộp”.
Sau nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nộp thuế nhưng Công ty Besra Việt Nam không hợp tác xử lý, số tiền nợ thuế tiếp tục tăng cao. Ngày 28/3/2014, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam ban hành các quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng hình thức trích tiền gửi và phong tỏa tài khoản của Công ty Besra Việt Nam tại 3 Ngân hàng mà công ty có giao dịch, phong tỏa hóa đơn thuế. Thế nhưng, ngày 7/5/2014, Công ty Vàng Phước Sơn vẫn “ tuồn” vàng qua cửa khẩu sân bay, buộc Cục thuế tỉnh Quảng Nam phải đề nghị Hải quan hỗ trợ cưỡng chế. Có gì đó rất không bình thường khi miệng thì kêu lỗ, tuyên bố đóng cửa hoạt động nhưng Công ty Vàng Phước Sơn vẫn “âm thầm” mang vàng bán ra nước ngoài?
Trước thái độ kiên quyết của ngành Thuế, công ty này lại đưa ra những yêu sách vô lý. Ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam tháo gỡ ngay lập tức các biện pháp cưỡng chế thì công ty mới thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền nợ thuế: “Chúng tôi đã chuẩn bị một kế hoạch trả nợ chi tiết trong vòng 24 tháng và đã cho gửi Cục Thuế Quảng Nam xem xét để họ có thể cân nhắc và tháo gỡ lệnh cưỡng chế thuế nhằm đem lại kết quả mà chúng tôi có thể mở lại 2 nhà máy vàng ở vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Cục thuế Quảng Nam không thể chấp nhận kế hoạch chi trả của Công ty vì không có quy định trong luật”.
Tuy nhiên, cái gọi là “ kế hoạch” trả nợ thuế của Công ty này chỉ mang tính đối phó, không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, 2 công ty vàng cam kết trả nợ thuế trong thời gian 24 tháng, bắt đầu từ tháng 11/2014 đến tháng 11/2016.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Quản lý thuế thì người nộp thuế được nộp dần tiền nợ thuế tối đa không quá 12 tháng. Điều khiến dư luận đặt câu hỏi là vì sao một doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật lại được UBND tỉnh Quảng Nam đứng ra can thiệp, đề nghị Cục Thuế tỉnh thu hồi quyết định cưỡng chế đối với công ty này? Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam vẫn kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Sau khi 2 Công ty Vàng Bồng Miêu, Vàng Phước Sơn và tỉnh Quảng Nam không tìm được tiếng nói chung, ngày 18 tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc quản lý thuế đối với 2 Công ty này.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu 2 công ty thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế; đồng thời, phải hợp tác và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho Cục thuế tỉnh Quảng Nam.
Theo Bộ Tài chính, việc gia hạn nộp thuế hoặc phân kỳ nộp dần tiền nợ thuế phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Như vậy, sau một thời gian được UBND tỉnh Quảng Nam “nương tay”, đến nay, các ngành chức năng đã tỏ ra kiên quyết hơn trước những việc làm bất thường của 2 Công ty Vàng Bồng Miêu và Vàng Phước Sơn. Sự việc nợ đọng thuế của 2 Công ty này không thể dùng dằng được nữa trước sự phản ứng gay gắt của người dân địa phương.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét sớm giải quyết. Chính phủ đã chính thức có công văn giao cho Bộ Tài chính chủ trì cùng với các Bộ có liên quan khác. Quan điểm của địa phương là mong rằng các bộ làm sớm để trình Chính phủ, có phương án xử lý thật sớm chứ còn không nếu để tình trạng này kéo dài cũng hết sức khó khăn”.
Lạ thay! Miệng thì kêu lỗ và khó khăn “nghiêm trọng” về tài chính nhưng ông Chủ tịch Tập đoàn Besra cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, đưa ra những đòi hỏi vô lý với các bộ ngành và địa phương để 2 công ty vàng hoạt động trở lại mới có tiền trả nợ thuế và giải quyết việc làm cho người lao động. Thế nhưng, đến bây giờ, không mấy ai tin vào lời nói của lãnh đạo doanh nghiệp này. Bởi họ đã nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện. Người Việt Nam có câu: “Một lần bất tín thì vạn lần bất tin”.