ThienNhien.Net – Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng không thay đổi dòng chảy sông ngòi quốc tế 1997 (Law of the Non-Navigational Uses of International Watercourses – UNWC) chính thức có hiệu lực vào 17/8 vừa qua, 90 ngày sau khi Việt Nam trở thành quốc gia thứ 35 gia nhập Công ước. Đây thực sự là tin vui đối với việc quản lý, sử dụng và chia sẻ công bằng nguồn nước xuyên biên giới. Tuy nhiên việc thực thi Công ước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Công ước đã hợp nhất những nguyên tắc pháp lý và quy định hiện hành đang áp dụng trên khắp các lưu vực sông xuyên biên giới; tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn cầu và sự đồng thuận quốc tế về quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Ý nghĩa chính của Công ước này là giúp hệ thống hóa các quy định pháp luật quốc tế liên quan đến quản lý nguồn nước xuyên biên giới hiện hành.
Tuy nhiên, cũng cần đặc biệt lưu ý rằng Công ước này không được thiết kế để áp dụng phổ biến, phù hợp với mọi mô hình quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Thay vào đó, Công ước nên được áp dụng như một hướng dẫn tốt nhất để dựa vào đó các thỏa thuận về nguồn nước xuyên biên giới song phương và khu vực có thể để xây dựng khung pháp lý phù hợp.
Tránh gây thiệt hại nặng nề và cùng nhau chia sẻ, sử dụng công bằng, hợp lý nguồn tài nguyên nước là một trong những nguyên tắc đặc biệt quan trọng của Công ước mà các quốc gia tham gia cùng nhau phê chuẩn. Ngoài ra, Công ước cũng nêu rõ nghĩa vụ của các quốc gia trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin và dữ liệu thủy văn; nghĩa vụ thông báo cho các nước láng giềng về các kế hoạch phát triển (chẳng hạn như kế hoạch xây dựng hệ thống đập thủy điện) trên hệ thống sông chung.
Việc phê chuẩn Công ước là một bước đi sáng suốt trong việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới quốc tế, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức trong việc đảm bảo thực thi có hiệu quả trên toàn cầu. Thách thức này xuất phát từ chính sự mất cân bằng về khu vực có các quốc gia tham gia Công ước.
Công ước về Luật sử dụng nguồn nước nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc, đủ để được thông qua vào 21/5/1997, duy chỉ có ba nước phản đối là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Burundi.
Trong số 35 quốc gia hiện đã phê chuẩn Công ước về Luật sử dụng không thay đổi dòng chảy sông ngòi quốc tế, các quốc gia châu Âu (16 quốc gia) và châu Phi (12 quốc gia) chiếm đa số. Công ước cũng nhận được sự ủng hộ từ 5 quốc gia Trung Đông, còn lại chỉ có hai quốc gia ở châu Á là Uzbekistan và Việt Nam.
Từ danh sách này có thể dễ dàng nhận thấy có một sự khuyết vắng đáng chú ý. Ngoài các quốc gia Bắc và Nam Mỹ, Công ước còn không nhận được đồng thuận từ các quốc gia có tình trạng tranh chấp nguồn nước căng thẳng nhất cũng như các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tăng cường tính hiệu quả về quản lý nước xuyên biên giới.
Đặc biệt, việc hai gã khổng lồ châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc – hai quốc gia đang cùng chia sẻ nguồn nước quan trọng của châu Á bắt nguồn từ dãy Hymalaya là sông Mê Kông cũng vắng bóng, không tham gia Công ước.
Điều này cũng không phải là quá khó hiểu. Các nguyên tắc và điều lệ trong Công ước được thiết kế nhằm hướng tới tối đa hóa lợi ích chung và tất cả các quốc gia cùng nhau hưởng lợi. Tuy nhiên, những gì thể hiện trong Công ước chỉ có thể thực thi hiệu quả trong một môi trường quốc tế xây dựng dựa trên sự tin tưởng và hợp tác giữa các quốc gia láng giềng.
Sỡ dĩ các quốc gia châu Âu nhiệt tình tham gia Công ước, hợp tác quản lý nguồn nước chung, bởi các quốc gia này vốn có sự liên hệ chặt chẽ về chính trị, kinh tế cũng như thường xuyên hợp tác với nhau trong các lĩnh vực khác. Điều này cũng lý giải tại sao đại đa số các quốc gia châu Á khó khăn hơn trong việc quyết định gia nhập Công ước.
Chẳng hạn, các quốc gia Nam và Đông Á, bao gồm cả Trung Quốc, hiện thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. “Văn hóa đổ lỗi ” bao trùm các mối quan hệ quốc tế của khu vực, đặc biệt kể khi vấn đề khan hiếm nước trở thành nguyên nhân gây nên căng thẳng giữa các quốc gia. Pakistan và Bangladesh quy kết Ấn Độ về những tai ương liên quan tới nguồn nước mà hai quốc gia này phải đối mặt, trong khi Ấn Độ cho rằng vấn đề là do Nepal và Trung Quốc gây ra.
Do thiếu lòng tin nên các nước vẫn giữ thế cảnh giác với láng giềng, khiến vấn đề nguồn nước xuyên biên giới trong khu vực vẫn được nhìn nhận theo kiểu lợi ích của nước này sẽ đồng nghĩa với thiệt hại cho nước khác và ngược lại. Chính vì vậy, các quốc gia ít có khả năng tìm được tiếng nói chung. Thay vào đó họ chỉ tìm cách tối đa hóa lợi ích cho riêng mình bất chấp lợi ích của các nước láng giềng. Chính phủ của các quốc gia này do đó không nhìn thấy lợi ích đáng kể của việc tham gia Công ước.
Thực trạng quan hệ quốc tế như hiện nay tại khu vực Nam Á sẽ còn kéo dài chừng nào nguồn nước vẫn được coi là vấn đề an ninh quốc gia thay vì việc bắt tay hợp tác quản lý hiệu quả và chia sẻ lợi ích công bằng giữa các quốc trong khu vực.
Việc thiếu hợp tác giữa các quốc gia Nam Á và Trung Quốc về các vấn đề nguồn nước xuyên biên giới không chỉ gây ra các vấn đề nghiêm trọng về an ninh nguồn nước trong khu vực mà còn cản trở việc tối ưu hóa lợi ích chung thông qua việc cùng nhau chia sẻ nguồn nước.
Điển hình như các vấn đề tranh chấp liên quan tới sông Tsangpo-Brahmaputra, chảy trên lãnh thổ ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh. Để đối phó với những lo ngại rằng việc Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn sẽ tác động đến an ninh nguồn nước của nước này, Ấn Độ bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống đập riêng của mình dọc theo hạ lưu của con sông này. Hành động của Ấn Độ như một lời tuyên bố tranh giành nguồn tài nguyên nước của dòng sông. Hai nước Ấn – Trung tập trung đọ sức bằng cuộc chạy đua xây dựng càng nhiều đập, càng nhanh càng tốt dọc theo chiều dài con sông. Điều đáng nói ở đây chính là việc cả hai nước này đều thờ ơ đối với quyền lợi của quốc gia cuối nguồn là Bangladesh.
Xu hướng cạnh tranh này này làm gia tăng tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên nước, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước toàn bộ khu vực cũng như đời sống của hơn 100 triệu dân sống dựa vào con sụng Tsangpo-Brahmaputra.
Chính tình trạng này đã chứng minh sự cần thiết của việc áp dụng Công ước cho toàn bộ các nguồn nước xuyên biên giới tại các quốc gia Nam Á, Trung Quốc và trên toàn thế giới. Công ước dù đã chính thức có hiệu lực song hiện mới ở giai đoạn khởi đầu và đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Tuy nhiên, khi có càng nhiều quốc gia đồng thuận tham gia Công ước, các nguyên tắc của Công ước sẽ ngày càng thu hút luật pháp quốc tế. Điều này sẽ tiếp tục đặt ra những kỳ vọng và gia tăng áp lực buộc các quốc gia không ký kết Công ước cư xử theo chuẩn mực quốc tế.