ThienNhien.Net – Nhằm hạn chế những bất cập khi nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về quản trị DN, tình hình tài chính còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp… dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đang được trình để Chính phủ sớm ký ban hành.
Chuyển sang công ty cổ phần
Điểm mới quan trọng của dự thảo Nghị định là quy định chuyển công ty nông nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang công ty cổ phần. Trong đó, quy định loại công ty Nhà nước nắm giữ cổ phần trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần, không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần; hình thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên chỉ trên cơ sở công ty nông nghiệp 100% vốn nhà nước cùng với cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản góp vốn thành lập loại hình công ty này, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Ngoài ra, còn quy định việc hợp nhất, sáp nhập và các trường hợp công ty nông nghiệp phải giải thể.
Đối với các công ty lâm nghiệp, do đặc thù của công ty lâm nghiệp quản lý nhiều loại rừng, mỗi loại rừng có cơ chế quản lý và tổ chức quản lý rừng khác nhau, nên để làm cơ sở cho việc tiến hành sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp, dự thảo Nghị định đã quy định phân loại trên cơ sở các loại hình công ty lâm nghiệp theo 4 nhóm khác nhau.
Một trong những điểm mới quan trọng khác đó là duy trì, củng cố và phát triển công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, quy định rõ loại hình công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hoặc nhiệm vụ công ích là chủ yếu.
Đồng thời, quy định công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng trồng chuyển sang công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần. Đối với công ty lâm nghiệp sản xuất giống cây lâm nghiệp và dịch vụ nông, lâm nghiệp, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối hoặc thoái hết vốn.
Tại dự thảo Nghị định, một điểm mới được quy định nhằm đa dạng hóa các loại hình công ty lâm nghiệp đó là việc thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Tại quy định này, cũng nêu rõ các trường hợp hợp nhất, sáp nhập, giải thể công ty lâm nghiệp như: Thua lỗ 3 năm liên tục, thực hiện khoán trắng, quy mô diện tích dưới 1.000 ha và phân bố xen kẽ với đất nông nghiệp…
Được sử dụng rừng trồng để góp vốn
Trong nhóm các quy định về tài chính tại dự thảo Nghị định, sẽ bổ sung quy định Nhà nước đảm bảo vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Phương pháp xác định vốn điều lệ có khác so với các DNNN khác do hầu hết công ty nông, lâm nghiệp (đặc biệt là công ty lâm nghiệp) đều thiếu vốn điều lệ, chu kỳ sinh trưởng của cây rừng dài nhưng chỉ thu hoạch một lần nên hầu như không có nguồn thu bổ sung trong thời gian chưa có sản phẩm khai thác chính, sản xuất lâm nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, rủi ro cao. Hơn nữa, các công ty lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi huy động các nguồn vốn từ bên ngoài nên cần có sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là đảm bảo vốn để hoạt động.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể hơn việc xử lý tài sản trên đất (rừng, vườn cây lâu năm) trong trường hợp thu hồi đất, chuyển đổi sang công ty cổ phần, giải thể theo hướng phải thu hồi phần vốn nhà nước đã đầu tư và thời gian thu hồi phù hợp với đối tượng nhận chuyển tài sản trên đất.
Đặc biệt, công ty nông, lâm nghiệp được góp vốn bằng giá trị vườn cây, rừng sản xuất là rừng trồng để liên doanh trong các dự án nông, lâm nghiệp và dịch vụ, thế chấp vay vốn để sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, Nhà nước sẽ đảm bảo vốn đầu tư để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa được phép khai thác trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí theo chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định này, dự kiến công ty nông nghiệp sẽ thay đổi như sau: Thực hiện giải thể hoặc hợp nhất, sáp nhập 11 công ty. Giữ nguyên 2 công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Cổ phần hóa DN nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối đối với 15 công ty. Cổ phần hóa DN nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% là 80 công ty. Thực hiện hợp nhất, sáp nhập các công ty, chi nhánh có quy mô nhỏ cùng địa bàn thành công ty có quy mô lớn hơn để cổ phần hóa và giải thể 17 công ty, chi nhánh. |