ThienNhien.Net – Những bãi thải nồng nặc mùi Cyanua treo lơ lửng trên đầu người dân là hiểm họa khó lường trong mùa mưa bão.
Thiên nhiên đã ban tặng tỉnh Quảng Nam những mỏ vàng trữ lượng cao. Loại khoáng sản quý giá này nằm im trong lòng đất như là báu vật của ông cha để lại. Thế nhưng, chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây, kể từ khi “kho báu” này được giao cho Công ty Vàng Phước Sơn và Công ty Vàng Bồng Miêu khai thác, hàng tấn vàng lần lượt “ra đi”.
Người dân sống gần nơi hầm vàng quanh năm đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, sạt lở đất cùng nhiều tệ nạn xã hội phát sinh. Ở vùng hạ du thì hàng triệu con người phải dùng chung nguồn nước bị nhiễm chất độc Cyanua, gồng mình chống chọi với lũ lụt do phá rừng đầu nguồn để khai thác vàng. Đã vậy, 2 công ty đào vàng đem bán mà vẫn nợ chính quyền và người dân địa phương hàng trăm tỷ đồng, gây nhiều bất bình trong cán bộ và người dân địa phương này.
Mấy ai ngờ rằng, một doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Vàng Phước Sơn lại mắc nợ cả trăm tỷ đồng. Nhiều chủ nợ chờ đợi từ tháng này qua tháng khác, năm nọ sang năm kia vẫn không được trả đồng nào. Đồng tiền có vị mặn mồ hôi, nước mắt của người dân nghèo đã bị công ty vàng chiếm dụng. Những tiếng la ó, chửi bới, tiếng búa đập cửa đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ làm ăn giữa công ty vàng với người dân địa phương.
Bà Lê Thị Bạch Tuyết, ở khối 2, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn ấm ức nói không nên lời. Hàng chục năm nay, đêm nào vợ chồng bà cũng phải dậy từ 2 giờ sáng để làm bún, tráng mì, buôn bán vặt, chắt chiu từng đồng tiền lẻ nuôi 5 đứa con ăn học. Vậy mà, những người ở Công ty Vàng Phước Sơn lại “lờ tịt” món nợ gần 50 triệu đồng với gia đình bà. Cả nhà bà Tuyết rơi vào cảnh túng quẫn.
Những ngày này, trở lại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn – nơi nổi tiếng là “thủ phủ vàng” nằm ở vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, dễ nhận thấy cuộc sống tẻ nhạt khác thường. Những con đường vắng người. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Cả những người buôn gánh, bán bưng cũng “tan gia bại sản” do Công ty vàng Phước Sơn không chịu trả nợ.
Tháng 7/2014, Công ty Besra Việt Nam đóng cửa 2 mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Từ đó đến nay, cuộc sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Bờ Hờ Noong ở huyện miền núi Phước Sơn rơi vào cảnh khốn khó. Hai bên đường vào thôn 4, xã Phước Đức, nơi Công ty đặt nhà máy và hầm mỏ khai thác vàng, thi thoảng gặp vài thanh niên mặc đồ rằn ri, đeo kính đen lượn lờ xe máy qua lại.
Những người này được Lãnh đạo Công ty giao nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt, không cho bất cứ ai đặt chân vào bên trong Nhà máy. Công ty đóng chặt cổng ra vào thì ngoài hàng rào bảo vệ nhiều công nhân tìm mọi cách liên lạc với người quản lý để được biết công việc của họ đi về đâu.
Anh Hồ Văn Chân, ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, mấy hôm nay, anh em không có việc làm nên chiều nào cũng uống rượu, bây giờ mong muốn có việc ổn định để trang trải cuộc sống.
Cả ngàn người lao động tại Công ty Vàng Phước Sơn bị cho nghỉ việc không rõ lý do. Các ngành chức năng ở địa phương vào cuộc kiểm tra mới phát hiện, công ty này không thực hiện đầy đủ các chế độ với người lao động. Công ty nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 4,6 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động huyện Phước Sơn gửi đơn ra Tòa kiện Công ty Vàng Phước Sơn vi phạm Luật Công đoàn.
Ông Đặng Văn Chương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam rất bất bình với kiểu làm ăn coi thường pháp luật Việt Nam của doanh nghiệp này.
“Qua kiểm tra thấy rằng, chế độ đối với người lao động, nhất là bảo hiểm xã hội, Công ty vàng không thực hiện đầy đủ. Nợ đọng bảo hiểm xã hội đã nhiều năm nay, chính sách người lao động chèn ép và không thực hiện chính sách đối với người lao động. Chúng tôi đã có kiến nghị UBND tỉnh giải quyết tồn đọng của Công ty vàng. Hiện nay công ty đang gây sức ép đối với chính quyền của địa phương về việc đóng cửa cho nghỉ người lao động”, ông Chương cho biết.
Sau nhiều năm đầu tư làm ăn tại tỉnh Quảng Nam, 2 Công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu của Công ty Besra Việt Nam để lại những khoản nợ lớn, khó đòi cùng với nhiều hệ lụy mà địa phương đang gánh chịu. Những bãi thải nồng nặc mùi Cyanua treo lơ lửng trên đầu người dân là hiểm họa khó lường trong mùa mưa bão.
Ông Đinh Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Phước Đức, huyện Phước Sơn lo lắng: “Công ty khai thác vàng trên đầu nguồn có hồ chứa nước thải. Mặc dù bên công ty trình bày hồ có hệ thống tuần hoàn nhưng người dân nghi ngờ. Mùa mưa sắp đến trong khi hồ thải diện tích rất lớn, nếu mà không có biện pháp xử lý, nước mưa đổ xuống đó tràn ra ngoài thì hậu quả người dân phải gánh chịu vô cùng nguy hiểm”, ông Đông bức xúc nói.
Sống trên vàng lại khổ vì vàng. Đó là một thực tế đang diễn ra ở vùng đất vàng Quảng Nam. Trước đây, bà con rất bức xúc với nạn đào đãi vàng trái phép gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Kể từ ngày Nhà nước cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư khai thác vàng với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhiều tấn vàng “chảy” ra nước ngoài nhưng người dân sống gần mỏ vàng không có được một ngày được yên ắng.
Ông Nguyễn Cảnh, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nơi có mỏ vàng Bồng Miêu đề nghị xem xét lại hiệu quả của dự án này.
“Lãi giả lỗ thật hay lãi thật lỗ giả chưa tính đến, nhưng việc này Bộ Tài Nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm là cơ quan cấp giấy phép đã để xảy ra tình trạng này. Trong khi doanh nghiệp nợ hàng trăm triệu mà vẫn cứ cấp phép, gia hạn, ưu đãi…
Vàng là tài nguyên không tái tạo. Đời này không khai thác được thì để lại cho con cháu đời sau. Thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng phải được quản lý chặt chẽ bằng pháp luật chứ không phải khai thác bằng mọi giá. Vắt kiệt nguồn tài nguyên cha ông để lại là có tội với con cháu mai sau. Nghịch lý ở chỗ, đào vàng đem bán cả tấn mà doanh nghiệp cứ kêu lỗ, nợ thuế hơn 300 tỷ đồng vẫn chưa chịu nộp, còn dân nghèo thì vàng da, vàng mắt…
Bài 2: Đào vàng đem bán: Một lần bất tín, vạn lần bất tin