Trung Quốc: Đầu độc đất đai

ThienNhien.Net – Nhờ các sản phẩm bảo vệ thực vật mà những thửa đất nghèo nàn, chai sỏi nhất của Trung Quốc cũng có thể trồng được ngũ cốc và trồng tốt nữa là đằng khác. Nhưng môi trường đang bị giết chết dần…

Giữa tháng 6, tại tỉnh miền Bắc Hắc Long Giang, phía bắc Mãn Châu, ngay sát biên giới với nước Nga, mọi người đều được tận mắt chiêm ngưỡng ruộng đồng đang trải rộng một màu xanh ngút ngàn. Không ai còn có thể lần ra dấu vết của những “con nhộng hạt giống” màu hồng, không ai còn có thể ngửi được mùi thuốc trừ sâu và phân hóa học được rải xuống cách đây hai tháng. Bởi tất cả đã thấm sâu vào bên dưới lớp đất mặt này.

“Năng suất là tất cả”

Trong những khu trang trại thuộc Cục Khuyến nông, bà con nông dân sử dụng những “hạt giống con nhộng” để gieo trồng. Đó là những hạt giống đã được xử lý an toàn và được bọc trong những bao phim như thuốc con nhộng. Lớp màng bao phim bọc kín quanh hạt giống này là một sản phẩm bảo vệ thực vật giúp hạt sau khi đã được gieo xuống đất sẽ được an toàn, không bị sâu rầy hay chim chóc phá hoại và cả không bị trôi đi vào nền đất. Thế nhưng lớp bao phim bảo vệ hạt lại có chứa một lượng độc tố đáng kể, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, dù rằng chúng giúp năng suất cây trồng được tăng lên gấp nhiều lần. Cho nên giờ đây, sau khi thu hoạch xong vụ đông-xuân, nông dân sẽ bón phân cho đồng ruộng mà không còn thấy cá tung tăng trong những dòng sông gần đó, thậm chí một số đã chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước do bị ngộ độc các chất thải từ ruộng lúa vừa thu hoạch trôi ra sông.

Dư lượng của thuốc trừ sâu và phân hóa học sẽ tích tụ dần dần lại trong đất, năm này qua năm khác. Một người chuyên kinh doanh các sản phẩm bảo vệ thực vật tại tỉnh Hắc Long Giang cho biết: “Hiện nay sản lượng thu hoạch là trên hết. Không ai màng đến chuyện bảo vệ môi trường. Năng suất cao là tất cả. Cấp trên muốn vậy để đạt được chỉ tiêu giao nộp. Còn nông dân thì họ chỉ muốn có năng suất cao để kiếm được nhiều tiền hơn mà thôi”.

Tầm nhìn ngắn

Hầu hết các nhà trồng trọt đều thừa nhận rằng họ không hề bận tâm đến việc đất đai có bị nhiễm độc tố do chất này chất nọ hay không. Bởi vì sau một mùa vụ, nông dân thu hoạch chỉ cần kiểm tra tỉ lệ gạo có được sau khi xay xát thóc lúa và hàm lượng nước mà thôi. Không ai để ý đến chất lượng ngũ cốc xuất kho và dư lượng thuốc trừ sâu có trong đó cả.

Những nơi mà trước đây chỉ sản xuất được 4-5 tấn trên mỗi hecta thì nay có thể đạt đến 8-9, thậm chí 10 tấn. Cho dù năng suất cao cũng là do ngày càng có nhiều nguồn giống mới cao sản được đưa vào gieo trồng nhưng cũng không thể không thừa nhận vai trò quan trọng của phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng việc sử dụng các loại thuốc này đã khiến đất canh tác bị nhiễm độc, chất lượng tầng đất mặt đã thay đổi vĩnh viễn và tình hình ô nhiễm như thế đã trầm trọng tại Mãn Châu.

140914_dat

Sẽ hết đất canh tác

Tác hại lâu dài của các loại phân bón hóa học là vô cùng lớn. Tồn dư của chúng trong đất khiến đất bị vôi hóa và… chết! Nếu nông dân vẫn cứ tiếp tục làm nông nghiệp theo kiểu này thì 60 năm sau, bề mặt đất sẽ chai cứng và không thể trồng ngũ cốc trên đó được nữa. Và sau ba hay bốn thế hệ nữa, có thể sẽ không còn đất đai để canh tác, trồng trọt hoa màu. Mới đây, trong một hội thảo tại Thanh Đảo, một chuyên gia kinh tế Trung Quốc đã cảnh báo rằng coi chừng 10 năm nữa, người Trung Quốc sẽ vẫn còn giữ thái độ “lạc quan tếu” trước những vụ mùa bội thu như thế này.

Nhưng kỳ thực, chuyện thực tế thì không có gì là lạc quan cả, kinh tế gia này nói: “Ngày nay việc gia tăng sản xuất ngũ cốc chủ yếu dựa trên việc tăng năng suất cây trồng nhưng muốn làm được điều này thì phải trông cậy quá nhiều vào một lượng khổng lồ các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Ngày nay nước chúng ta sử dụng phân bón hóa học nhiều hơn Mỹ gấp bốn lần, tính trên hecta và nhiều hơn Ấn Độ gấp ba lần. Ai cũng nói là ngũ cốc của chúng ta ngày nay không ngon nhưng kể từ bây giờ trở đi, đây không còn là vấn đề chất lượng và khẩu vị mà là vấn đề về việc đất đai xuống cấp trầm trọng và bị ô nhiễm nặng”.

Do quá bức xúc, vị chuyên gia kinh tế này đã xin thôi làm nhà nước để lao vào thương trường kinh doanh phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và các loại thuốc bảo vệ thực vật mà ông đã rành rẽ như trong lòng bàn tay. Ông đã chọn phân phối phân bón sinh học nhưng rồi sau ít lâu phải chịu não nề: “Không ai mua cả. Cuối cùng thì cũng phải quay lại bán phân đạm có chứa urê mà thôi. Loại phân này chiếm hơn 95% doanh số bán, trong khi thị phần của phân sinh học thì quá nhỏ. Có nhiều hãng phân sinh học bán không ai mua nên họ đã phải trộn thêm phân hóa học vào để giảm giá thành thì may ra mới có người mua”. Phân bón sinh học, vậy cũng như không!

NGỌC TÙNG (Theo Kinh tế quan sát báo)

 

Cuộc điều tra đầu tiên trên bình diện quốc gia tại Trung Quốc về hiện trạng ô nhiễm đất đai đã được tiến hành từ tháng 4-2005 đến tháng 12-2013 với kết quả không mấy lạc quan sau một nghiên cứu trải rộng trên khoảng 6,3 triệu km2 cho thấy chất lượng đất trồng trọt đang đến mức báo động. Đặc biệt là trong một vài khu vực thuộc vùng châu thổ sông Dương Tử, sông Châu Giang và trong vùng đất khai thác công nghiệp xưa kia tại Mãn Châu.